Du lịch Việt cần liên kết chặt chẽ với ASEAN

BÍCH HỒNG| 24/09/2014 03:51

ASEAN lên kế hoạch đến năm 2015 sẽ áp dụng chế độ một thị thực chung cho công dân các nước không phải là thành viên của tổ chức khu vực này.

Du lịch Việt cần liên kết chặt chẽ với ASEAN

ASEAN lên kế hoạch đến năm 2015 sẽ áp dụng chế độ một thị thực chung cho công dân các nước không phải là thành viên của tổ chức khu vực này.

Đọc E-paper

Đầu tháng 9, các doanh nghiệp du lịch miền Trung đã tiếp xúc với đoàn của Đại sứ quán Cộng hòa Argentina và Brazil trong hội thảo "Argentina và Brazil - Điểm đến tiếp theo của bạn tại Mỹ La tinh".

Hai ngài đại sứ và các chuyên viên không tiếc lời ca ngợi khu vực Mỹ La tinh gồm 33 quốc gia hiện đang là thị trường mới đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác thương mại đầu tư, đặc biệt là du lịch. Trong đó, Argentina và Brazil là hai quốc gia nổi tiếng với nhiều địa điểm và loại hình du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế đến tham quan và nghỉ dưỡng hằng năm.

Hàng không đã rất thuận lợi

Các đường bay nối giữa các di sản văn hóa, thiên nhiên, các thành phố lớn là lợi thế của du lịch ASEAN. Vietnam Airlines đã nối được nhiều tuyến quan trọng như Siem Reap - Phú Quốc - Singapore.

Một thành phố du lịch biển và trung tâm kết nối nhiều di sản văn hóa như Đà Nẵng đã có đường bay thẳng nối tới Nhật Bản, Hàn Quốc, 14 thành phố Trung Quốc, Campuchia và Singapore. Các thành phố lớn của Việt Nam đều nối được chuyến bay thẳng tới các tụ điểm du lịch quan trọng của ASEAN như Bangkok, Siem Reap, Kuala Lumpur, Manila, Singapore.

Khách bị cuốn hút vì bất cứ câu hỏi nào liên quan đến tình hình cả khu vực Mỹ La tinh, các vị làm công tác ngoại giao đều trả lời trôi chảy. Và khách hàng tiềm năng là các công ty lữ hành, thương mại đều thấy mở ra một khả năng khai phá thị trường mới, dù xa xôi địa lý, khó khăn về ngôn ngữ.

Ông Trần Thiện Minh, một người làm lữ hành lâu năm tại thị trường châu Âu, đánh giá cao cách tiếp thị du lịch và văn hóa của các đoàn Argentina và Brazil vì họ đáp ứng tất cả, từ hàng không, đường sắt đến các điểm tham quan, chia sẻ quyền lợi giữa các quốc gia, trong đó không quên nhấn mạnh hình ảnh quan trọng của quốc gia mình trong bối cảnh khu vực. Điều đó thúc giục các doanh nghiệp muốn thử khám phá, muốn bắt tay kinh doanh.

Liên kết du lịch theo phương châm "Nhiều quốc gia một điểm đến" đã vào Việt Nam từ lâu. Từ năm 2007 đến nay, các quốc gia khu vực Đông Dương đã nhiều lần nhóm họp để tạo điểm đến tham quan di sản văn hóa thế giới trong khu vực bao gồm các di sản văn hóa thiên nhiên miền Trung Việt Nam-Vat Phou (Lào) và Siem Reap (Campuchia) để cạnh tranh với các quốc gia có thương hiệu du lịch nổi tiếng như Thái Lan, Malaysia, Singapore.

Tuy nhiên, người Việt vẫn chưa biết rằng các tour du lịch nhiều nước bắt đầu coi Siem Reap như hạt nhân và thiết kế tour đi kèm theo TP.HCM hoặc Bangkok. Đến năm 2009, ba nước Đông Dương "tỉnh ngộ”, không thể kéo dài "nghèo thì chơi với nhau cho đỡ thiệt", và các phương án liên kết tiếp thị du lịch đạt được ở Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2009), xây dựng ASEAN thành một điểm du lịch hấp dẫn.

Thời điểm đó, 10 quốc gia thành viên ASEAN, các nước đối thoại và gần 2.000 nhà cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ du lịch đã tạo niềm hy vọng về thương hiệu "ASEAN một điểm đến" thành công.

Tuy nhiên, 5 năm đã trôi qua, những nước mạnh về du lịch như Malaysia vẫn tiếp tục phát triển với con số ấn tượng, sẽ đón 28 triệu khách trong năm nay, chỉ riêng Campuchia phát triển cao so với xuất phát điểm khá thấp, Lào và Việt Nam vẫn chưa có độ tăng trưởng du lịch như mong muốn, đặc biệt là năm 2014, lượng khách Trung Quốc giảm sâu do Trung Quốc đặt giàn khoan 981 trái phép trên biển Đông.

Điểm đầu tiên của hợp tác "ASEAN một điểm đến" chính là một thị thực chung cho tất cả các nước ASEEAN chưa thực hiện được. Ví dụ khách quốc tế đã ra khỏi Việt Nam, sang ASEAN nếu quay lại vẫn phải nộp phí visa. Các nước khác cũng chưa miễn thị thực nội vùng.

Đến ngày 11/9 vừa qua, tại Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM 2014, hình ảnh hợp tác với "5 quốc gia - một điểm đến" xuất hiện, trong đó 3 nước Đông Dương đẩy mạnh hợp tác với Thái Lan và Myanmar.

Với chương trình hợp tác "5 quốc gia - một điểm đến", cơ quan du lịch quốc gia các nước tích cực hợp tác, dành cho nhau ưu đãi khi tham gia hội chợ du lịch quốc tế tổ chức tại mỗi nước, phối hợp chặt chẽ tổ chức khảo sát, liên kết sản phẩm du lịch đường sông.

Lãnh đạo cấp cao các nước cũng cam kết thúc đẩy áp dụng chính sách thị thực chung ACMECS, tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn nữa cho du khách. Visa cho "5 quốc gia - một điểm đến" hiện nay mới chỉ có Thái Lan và Campuchia thực hiện, các nước còn lại vẫn tiếp tục, lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan trước khi quyết định.

ASEAN đã lên kế hoạch đến năm 2015 sẽ áp dụng chế độ một thị thực chung cho công dân các nước không phải là thành viên của tổ chức khu vực này.

Du lịch Việt Nam sau nhiều năm xây dựng cơ sở hạ tầng cũng đã có một vị thế tốt hơn trước, nhưng nếu không nhạy bén tiếp thị hình ảnh và các sản phẩm du lịch thiếu liên kết, cứ thích đón khách một mình, chưa chắc đã tận dụng được hình ảnh hấp dẫn của cả vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch Việt cần liên kết chặt chẽ với ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO