Doanh nghiệp xuất khẩu: Khó chồng khó

LÊ PHAN| 22/06/2016 08:33

Các doanh nghiệp Việt Nam dường như chưa thể tận dụng hết những lợi ích mà các FTA mang lại. Đặc biệt, thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp thách thức và khó khăn nhiều hơn.

Doanh nghiệp xuất khẩu: Khó chồng khó

Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam dường như chưa thể tận dụng hết những lợi ích mà các FTA mang lại. Đặc biệt, thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp thách thức và khó khăn nhiều hơn. 

Đọc E-paper

Theo báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam năm 2015, doanh nghiệp FDI chiếm đến 71% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước ngày càng giảm. Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước là 19,44 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế trong 5 tháng qua của doanh nghiệp trong nước cũng chỉ tăng 3,9% so cùng kỳ năm 2015, thấp hơn mức tăng trưởng 7,7% của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cũng thấp hơn mức tăng trưởng chung là 6,6%.

Với loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp Việt Nam hầu như đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu, khả năng tận dụng các cơ hội hội nhập mang lại còn khiêm tốn và chưa sẵn sàng đối đầu cạnh tranh.

Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong những năm qua luôn có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong "cuộc chơi" có tính toàn cầu này. Chẳng những thế, trong những tháng đầu năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp khó khăn chồng chất.

Chi phí tài chính cao hơn

Các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ nhờ bán hàng xuất khẩu nhưng lại có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước (không phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu) đã có 2 tháng bị đứt quãng không tiếp cận được nguồn vốn vay ngoại tệ, do Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định việc vay vốn bằng ngoại tệ sẽ kết thúc vào ngày 31/3/2016 và NHNN sau đó đã mở lại nguồn vốn này từ 1/6/2016 qua thông tư 07/2016/TT-NHNN.

Tuy nhiên, Thông tư 07 cũng chỉ kéo dài thêm được đến hết năm 2016 và sau đó các doanh nghiệp này có thể sẽ không được tiếp cận nguồn vốn vay ngoại tệ nữa. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp xuất khẩu theo đối tượng nêu trên sẽ buộc phải chuyển sang vay VND với lãi suất cao hơn. Hiện tại, lãi suất vay VND đang ở khoảng 7 - 9%, trong khi lãi suất vay USD từ 3 - 5%, như vậy chênh lệch lãi suất vay VND và USD lên đến 5%.

Vẫn biết rằng đây là một bước đi cần thiết trong lộ trình chống đô la hóa của NHNN, nhưng với chính sách như trên sẽ khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp xuất khẩu tăng lên và buộc phải tăng giá bán để đảm bảo trang trải được mức chi phí tăng. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến hàng Việt Nam xuất khẩu trở nên đắt hơn hàng hóa ở các quốc gia khác, do đó sức cạnh tranh sẽ giảm.

Nhìn vào các quốc gia láng giềng, lãi suất vay của doanh nghiệp Thái Lan chỉ ở mức 3 - 4%, của Malaysia từ 4 - 5%, của Trung Quốc từ 4 - 4,5%, rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam đang chịu bất lợi rất lớn, nhất là trong bối cảnh VND cũng đang bị định giá cao so với các đồng tiền khác.

Tỷ giá thực của VND đang bị định giá cao

Đồng USD thời gian qua tăng giá khá mạnh, với chỉ số USD Index đã tăng từ mức đáy 73 trong tháng 5/2011 lên tận gần 100 vào tháng 12/2015. Giai đoạn trên cũng chứng kiến các đồng tiền khác phá giá tiền tệ rất mạnh so với đồng USD, trong khi đây lại là giai đoạn mà VND tương đối ổn định, mức độ mất giá so với USD là khá thấp. Chính vì vậy trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ giá thực (REER) của VND/USD đã tăng đến 23,4%, nối tiếp mức tăng hơn 20% giai đoạn từ 2004 đến 2010.

Với việc VND bị định giá cao hơn so với các đồng tiền khác, hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào các thị trường nước ngoài cũng trở nên đắt hơn so với hàng nhập khẩu từ các quốc gia có đồng tiền định giá rẻ hơn so với VND. Với tỷ giá thực tăng lên 20% thì tương ứng hàng Việt Nam trung bình cũng mất 20% tính cạnh tranh so với hàng nước ngoài, chưa tính đến ảnh hưởng của yếu tố năng suất mà nhiều khả năng Việt Nam cũng thua kém hơn.

Trong năm nay, dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể còn ít nhất một lần nâng lãi suất đồng USD. Nếu điều này xảy ra sẽ càng tăng áp lực lên tỷ giá VND/USD và nếu VND không được điều chỉnh phù hợp và kịp thời, trong khi các quốc gia khác lại chủ động giảm giá đồng nội tệ so với USD, thì doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ càng thêm khó khăn để duy trì thị phần tại thị trường nước ngoài.

Thiên tai, hạn hán và ô nhiễm

Chi phí tăng, hàng hóa mắc do đồng tiền bị định giá cao, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn chịu thêm khó khăn từ tình trạng thiên tai, hạn hán và ô nhiễm môi trường gần đây. Hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, cá chết hàng loại tại biển miền Trung khiến nguồn cung thủy hải sản, vốn là mặt hàng xuất khẩu rất mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trong những năm qua, càng thêm sụt giảm.

Chẳng những thế, với những gì đang diễn ra, các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nước ngoài sẽ bị soi xét kỹ hơn trước những hàng rào kỹ thuật thương mại của đối tác nước ngoài.

Đơn cử như ngày 24/5/2016, Cơ quan Thẩm quyền EU đã có văn bản cảnh báo số 16-814 gửi tới các nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngay sau đó Cục Kiểm tra chất lượng thực phẩm Hungary đã kiểm tra rất kỹ thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam và trả về một lô cá kiếm đông lạnh do có hàm lượng thủy ngân vượt mức cho phép. Ngoài ra, ngành thủy sản Việt Nam đang có nguy cơ mất thị trường do sử dụng kháng sinh, hóa chất quá mức, điều này đã làm ảnh ưởng đến uy tín và thương hiệu thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Với nguồn cung trong nước sụt giảm sẽ dẫn chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng lên càng làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu, hoặc thậm chí nguồn cung sẽ thiếu để xuất đi nước ngoài. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp không đủ năng lực cung ứng theo các hợp đồng, có thể mất dần khách hàng và thị phần.

Với những khó khăn và thách thức kể trên, xuất khẩu đang giảm dần. Cũng theo Báo cáo thường niên Doanh nghiệp VIệt Nam năm 2015, quy mô kinh doanh, lao động của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bị thu hẹp. Nếu điều này tiếp tục xảy ra thì việc khai thác những lợi ích mà các FTA mang lại chỉ còn là "cuộc chơi" của doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà.

>Xuất khẩu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro

>Đồng bằng sông Cửu Long đối diện thiên tai lịch sử

>Xuất khẩu thủy sản: Tôm vui để buồn cho cá

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp xuất khẩu: Khó chồng khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO