Doanh nghiệp vẫn thận trọng nhận đơn hàng mới

Thảo Minh| 30/12/2021 06:00

Năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn là trung tâm của các nhà mua hàng trên thế giới, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn tăng đơn hàng . Tuy nhiên, các DN khá dè dặt và thận trọng trong việc nhận nhiều đơn hàng mới.

Doanh nghiệp vẫn thận trọng nhận đơn hàng mới

Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA): "Hiện nhiều DN đang phục hồi sản xuất và tiến triển tốt nhưng không có lãi. Trong quý IV/2021, có những DN vẫn hoạt động cầm chừng nhằm nối lại mối làm ăn với các khách hàng và giữ lực lượng lao động để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2022".

"Làm vào thời điểm này không có lời vì chi phí quá lớn. Đơn cử như chi phí y tế, rồi các điều kiện để DN có thể hoạt động được từ nguyên vật liệu, vận chuyển... khiến tăng giá thành sản phẩm. Do đó, DN làm chủ yếu là cầm chừng", ông Hưng nói. 

Tại hội nghị tổng kết năm 2021 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức ngày 17/12/2021, ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Dệt may - ĐT - TM Thành Công cho hay, nhà máy của Thành Công ở miền Tây quy định khi công nhân test nhanh phát hiện dương tính thì phải ở lại công ty tập trung. Như vậy mất từ 3-5 ngày và công ty phải xây dựng khu lưu trú tạm thời. Trong bối cảnh số lượng F0 đang tăng dần lên, đây là vấn đề rất khó khăn. 

Trong khi đó, chi phí logistics tăng rất cao. Trước đây, mua nguyên phụ liệu nhập Trung Quốc mua theo giá CIF (giao hàng tại cảng) thì nay chuyển sang bán theo FOB (giao hàng miễn trách nhiệm của người bán). Với mức chi phí "tăng bằng lần", doanh nghiệp hoàn toàn phải chịu chi phí này, khiến giảm lợi nhuận.

Ông Tùng cũng cho biết: "Đơn hàng ở Việt Nam không thiếu, ví dụ nhà máy ở Vĩnh Long làm cho Adidas nhưng không dám nhận nhiều vì không đủ lực lượng lao động để sản xuất, không chủ động được lực lượng sản xuất, vì nếu không đảm bảo tiến độ có thể phải giao hàng bằng đường hàng không, chi phí rất lớn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc kinh doanh của một DN gỗ cho biết, công ty hiện vẫn bất an vì lo không đủ công nhân làm việc, việc tuyển mới lao động khó khăn nên không dám nhận quá nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài.

Cũng theo ông Tuấn, khi nguồn lao động thiếu hụt, công ty đang tính toán lại để tối ưu hóa các khâu sản xuất, ứng dụng thêm máy móc thiết bị hiện đại để tăng năng suất. Điều này nhằm khi có biến động vẫn duy trì được công suất đáp ứng kịp các đơn hàng.

Theo bà Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động, các quy định phòng, chống dịch không phải là trở ngại lớn nhất khiến các nhà mua hàng băn khoăn về việc đặt hàng, mà việc công ty có duy trì đối thoại với người lao động để duy trì lực lượng đảm bảo sản xuất hay không mới là vấn đề quan trọng.

Trong khi đó, chiến lược của các nhà mua hàng chưa thay đổi và Việt Nam vẫn là nước sản xuất quan trọng, trung tâm của các nhà mua hàng đến quý II/2022. Tuy nhiên, do chi phí tăng, sức mua yếu nên các nhà mua hàng sẽ chỉ đặt đơn hàng nhỏ, yêu cầu thời gian giao hàng nhanh, phân tán ra nhiều nước, với giá không tăng.

Nhiều DN cho hay, trong quý IV/2021, ngoài khó khăn về dịch bệnh, DN còn đối mặt với chi phí logistics, nguyên liệu tăng giá, chi phí cho người lao động cũng tăng cao. Bên cạnh đó, đòi hỏi của các nhãn hàng quốc tế ngày một cao, buộc DN phải đầu tư nhiều hơn. 

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho biết, năm 2022, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt 42,4-43 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên, các DN phải áp dụng linh hoạt Nghị quyết 128 của Chính phủ phòng, chống dịch tốt để duy trì sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải liên kết sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các đơn hàng. Đầu năm 2022, Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội cho ngành dệt may, các DN cố gắng khai thác lợi thế để mở rộng thị trường tiêu thụ và sẽ cố gắng nâng thu nhập của người lao động trong ngành lên 4.500-4.600 USD/người/năm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp vẫn thận trọng nhận đơn hàng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO