Doanh nghiệp và chiến lược "thích nghi 4.0"

THANH TÂM - HOÀI SÂM| 30/06/2017 03:47

Tháng 11/2016, Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, đánh giá thực trạng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Doanh nghiệp và chiến lược

Dự kiến cuối năm 2017, các cơ quan thuộc Chính phủ sẽ đánh giá lại tình hình, định hướng cuộc cách mạng này để có những tính toán kịp thời cho việc thích ứng với "cơn bão" tự động hóa.

Trong sự ảnh hưởng quá lớn của cuộc cách mạng 4.0, doanh nghiệp buộc phải thích nghi như thế nào?

Chủ động nhập cuộc

Đánh giá về lợi ích khi tiến đến sản xuất thông minh, ông Võ Quang Huệ - TGĐ Công ty TNHH Bosch Việt Nam khẳng định, dưới sự phát triển của công nghệ kết nối, tự động hóa là xu hướng tất yếu. Với cách mạng 4.0, quy trình sản xuất là tối ưu, hiệu quả sản xuất cao, giá thành giảm và nhất là khả năng cung ứng hàng hóa đúng với yêu cầu của từng khách hàng. Việc sửa lỗi của sản phẩm, nếu có, cũng sẽ diễn ra rất nhanh. Sự thay đổi mà nó đem lại có tính toàn cầu. Do vậy, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị.

Là một tập đoàn đa ngành, nhiều nhà máy, Bosch đã có mặt ở Việt Nam và phát triển khá mạnh mẽ trong suốt 10 năm qua. Đây cũng là thương hiệu trang bị nhiều giải pháp tự động hóa từ khá sớm. Mới đây, Bosch đã đưa robot vào ứng dụng tại nhà máy sản xuất linh kiện ô tô ở Đồng Nai.

"Trong năm tài chính 2016 - 2017, Bosch đầu tư thêm 85 triệu USD vào nhà máy sản xuất dây đai truyền lực tại Việt Nam để mở rộng sản xuất", ng Huệ cho biết. Nắm bắt được nhu cầu trang bị các giải pháp sản xuất thông minh từ phía doanh nghiệp, Bosch đã triển khai thử nghiệm dịch vụ tư vấn, cung ứng giải pháp quản lý sản xuất thông minh tại thị trường Việt Nam.

Các chuyên gia dự báo, "cơn bão" mang tên 4.0 sẽ khiến nhu cầu lao động các ngành sản xuất - chế tạo, máy tính - toán học, kiến trúc - kỹ thuật tại khu vực ASEAN suy giảm.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo, robot sẽ thay thế 85% số công nhân trong ngành dệt may Việt Nam trong vài thập kỷ tới.

Trong cách mạng 4.0, tự động hóa nhiều lên thì nhu cầu lao động có trình độ tương tác với máy móc cũng hình thành. Lúc này, có đến 2 bài toán về mặt nhân lực được đặt ra: đào tạo nhân lực cũ hay tìm kiếm và chuẩn bị nhân lực mới.

Theo tiết lộ từ Bosch, tuy mới triển khai thời gian ngắn nhưng đã có vài doanh nghiệp Việt Nam tham gia mảng dịch vụ tư vấn, sử dụng giải pháp của Bosh. Điều này cho thấy nhu cầu tự động hóa sản xuất ở Việt Nam đang rất cao.

"Thực tế đang diễn ra là giá nhân công ngày một tăng trong khi đòi hỏi từ phía khách hàng là giá thành sản phẩm phải giảm. Chỉ có sử dụng trí tuệ cũng như sức lao động của máy móc thì doanh nghiệp mới giải được bài toán này", ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Điều hành Scansia Pacific đánh giá.

Cẩn trọng trong chọn lựa đầu tư

Khó mà phủ định ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, nhưng vẫn có những doanh nghiệp tỏ ra thận trọng. Ông Jean Paul Nguyễn - Chủ tịch HĐQT A&M Flooring (một trong những đơn vị sở hữu hệ thống máy chế biến ván sàn hiện đại nhất tại Việt Nam) cho rằng, dù mạnh tay đầu tư dây chuyền sản xuất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng cần robot.

Dây chuyền tự động sản xuất bánh tươi TOPCAKE. Ảnh: QH

Dây chuyền tự động sản xuất bánh tươi TOPCAKE. Ảnh: QH

"Robot cần thiết cho doanh nghiệp sản xuất máy móc tinh vi, hay những dây chuyền cần tính chính xác, ổn định tuyệt đối. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ cần dây chuyền tự động hóa", ông Jean Paul Nguyễn chia sẻ.

Đây cũng chính là băn khoăn của nhiều doanh nghiệp trong quyết định đầu tư.

Theo ông Trần Vũ Lê - Chủ tịch HĐQT Lê Trần Funiture, dù đã mua 2 robot và thử nghiệm vài năm trở lại đây nhưng ứng dụng nó vào sản xuất thì vẫn chưa quyết định được. Lý do là cần phải có thêm thời gian thử nghiệm để tìm thấy ứng dụng tốt nhất trong toàn bộ dây chuyền sản xuất.

Tại Đức, từ nay đến năm 2020 sẽ có 40 tỷ euro được đầu tư vào nghiên cứu và phát triển Industry 4.0. Dự kiến sẽ có 80% số công ty, nhà máy ở Đức số hóa toàn bộ chuỗi giá trị, tăng hiệu quả sản xuất khoảng 18% và giảm chi phí hay giá thành khoảng 13%.

Thông qua Indsutry 4.0, sẽ có một số sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới ra đời. Các nhà nghiên cứu nói Industry 4.0 sẽ đem lại tăng trưởng GDP Đức thêm gần 500 tỷ euro cho đến năm 2020.

Là đơn vị ứng dụng vật liệu mới là nhựa vào sản xuất đồ nội, ngoại thất, dây chuyền sản xuất của Lê Trần Funiture đang hướng đến khép kín từ nguyên liệu đến thành phẩm. Nếu ứng dụng sản xuất thông minh, giá trị cộng thêm cho Lê Trần Funiture có thể là rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Lê, nếu không có cái nhìn cẩn trọng, việc đầu tư có thể không đạt lợi ích cao nhất.

Ông Lê phân tích: "Ngành chế biến gỗ, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, Việt Nam đang đứng hàng thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Nếu cạnh tranh bằng công nghệ, chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam khó theo kịp "ông lớn" ấy. Lợi thế nhân công và tính sáng tạo, "hand made" vẫn là lợi thế của hàng Việt Nam trong mắt khách hàng thế giới".

Như vậy, trong cuộc cách mạng 4.0, trong làn sóng robot hóa, ngoài việc sáng suốt và cẩn trọng trong chọn lựa đầu tư, doanh nghiệp còn phải hiểu và nhận thức thế mạnh riêng để có quyết định đúng đắn nhất.

"Doanh nghiệp các ngành nghề phải đi vào chiều sâu, phải thực sự hiểu nội tại và định hướng phát triển của mình thì mới đưa ra những lựa chọn đầu tư đúng đắn", ông Võ Quang Huệ tư vấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp và chiến lược "thích nghi 4.0"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO