Doanh nghiệp tìm cách trở lại thị trường

Băng Tâm - Hồng Nga| 14/10/2021 05:59

Sau một thời gian nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp (DN) TP.HCM đang chạy đua khôi phục sản xuất, kinh doanh. Dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, nguồn nguyên liệu lẫn lao động, tiền vốn, nhưng nhiều DN vẫn nỗ lực vượt qua, tìm cách trở lại thị trường.

Doanh nghiệp tìm cách trở lại thị trường

Tăng tốc sản xuất, kinh doanh

Chúng tôi có mặt tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean - VitaJean (phường Hiệp Phú, thành phố Thủ Đức) sau thời gian TP.HCM nới lỏng giãn cách. Hơn 600 công nhân may ở đây, mỗi người chịu trách nhiệm một công đoạn, đang hối hả hoàn thiện quần áo mang thương hiệu Vietthang Jean để kịp giao cho các đối tác nước ngoài. Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc VitaJean cho biết, chỉ sau 5 ngày TP.HCM mở cửa, công ty đưa thêm công nhân vào nhà máy và nâng công suất lên 50%. “Trước đây khi chưa có dịch, mỗi ngày chúng tôi xuất khẩu 1 container 40 feet với 22.000 sản phẩm. Từ ngày 15/7/2021 tới trước khi Thành phố mở cửa, phải mất 4 ngày mới hoàn thành một container sản phẩm. Còn sau ngày 1/10 tới nay, chúng tôi rút ngắn còn chưa tới hai ngày một container”, ông Việt cho biết.

“Đơn hàng xuất khẩu của VitaJean nói riêng và của ngành may mặc nói chung, theo đánh giá của các DN trong ngành, hoàn toàn không thiếu. Với thị trường Mỹ, ngoài Trung Quốc đang là nhà cung cấp số một thì Việt Nam chiếm vị trí kế tiếp. Thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chủ yếu dựa vào nguồn hàng từ Việt Nam. Nên cho dù bị gián đoạn, khi sản xuất phục hồi, nhà nhập khẩu vẫn tìm đến DN vừa và lớn của Việt Nam bởi đủ năng lực, tay nghề, công nghệ, giá thành sản xuất lại có lợi thế hơn”, ông Việt khẳng định và cho biết thêm, công ty của ông có hợp đồng đến hết năm 2021. Mấy tháng qua tuy giao hàng chậm nhưng đối tác vẫn ưu tiên và chấp nhận lấy trễ do những sản phẩm của VitaJean có thương hiệu, cạnh tranh tốt trên thị trường.

Với ngành thủy hải sản, DN Việt Nam  đang là nhà cung cấp số một sản phẩm từ cá tra, thứ hai từ tôm và top đầu mực, cá ngừ... ra thế giới, nên cho dù dịch bệnh thì khách hàng cũng khó tìm được nhà cung ứng thay thế. Theo các DN, những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, đây là cơ hội cũng như gỡ được bài toán đơn hàng khi chúng ta tái mở cửa kinh tế. 

Ông Trương Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy sản hải sản Sài Gòn (APT) cho hay: “Hiện nay chúng tôi giao hàng không kịp cho thị trường Mỹ và EU. Trong ba tháng qua, khách hàng cần số lượng lớn thủy hải sản của Việt Nam nhưng các DN chỉ cung cấp được 50%. APT đang nợ nhiều đơn hàng, nên từ ngày TP.HCM mở cửa đến nay, chúng tôi dốc hết sức lực sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác nước ngoài”.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Đông Hiệp, DN chuyên sản xuất thực phẩm cho biết, với ngành thực phẩm thì nhu cầu thị trường lúc nào cũng cần, nên DN luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đẩy nhanh sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát. “Nhu cầu thực phẩm các tháng cuối năm cao hơn nên chúng tôi đang cố gắng đưa lao động vào nhà máy để mở rộng sản xuất, đến cuối tháng 10 có thể nâng công suất lên 70%, sau đó gia tăng từ từ để đáp ứng nhu cầu thị trường”,  bà Chi chia sẻ.

Xử lý khó khăn nội tại

Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu công nhân. Do đó, muốn ổn định sản xuất, DN phải chăm lo thật tốt cho người lao động để giữ và kéo họ trở lại nhà máy. 

Ở VitaJean, theo ông Phạm Văn Việt, trong suốt hơn 4 tháng giãn cách xã hội, công ty chi hơn 15 tỷ đồng để chăm lo đời sống anh em công nhân. Việt Thắng Jean phát mỗi công nhân “ba tại chỗ” mỗi ngày 100.000 đồng, tăng phần ăn ba bữa, bổ sung trái cây, thuốc tăng lực, lo thực phẩm cho gia đình của họ. Chính nhờ cách chăm lo ấy, người lao động gần như không quay lưng với công ty. Đến nay, Việt Thắng Jean chỉ có 600 công nhân về quê trong tổng số hơn 4.000 người làm việc ở ba nhà máy tại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Riêng nhà máy ở phường Hiệp Phú, thành phố Thủ Đức, VitaJean vẫn giữ được nguyên vẹn 1.028 lao động.

Tại Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, theo ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc, ngay sau khi Thành phố tái mở cửa kinh tế, công ty đã kết nối với người lao động bằng nhiều cách như tăng phúc lợi, thưởng cho người giới thiệu được công nhân mới vào làm việc. Đối với những lao động đã gắn bó với công ty đến ngày 1/10/2021, ngoài các khoản phúc lợi trong thời gian “ba tại chỗ” trước đó, còn được thưởng ngay 3 triệu đồng. 

Tại APT, ông Trương Tiến Dũng cho biết, 4 tháng qua công ty hỗ trợ nhu yếu phẩm để những công nhân không vào làm “ba tại chỗ” yên tâm sống trong điều kiện không có chợ. Giải pháp này đã giúp công ty giữ được 70% lao động - tiền đề quan trọng để bắt đầu tăng tốc sản xuất thực phẩm cho nhu cầu thị trường các tháng cuối năm.

Theo ông Trương Chí Thiện, lúc này DN có được lao động hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính sách phối hợp giữa TP.HCM và các tỉnh. Và chắc chắn cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động, đặc biệt là lao động phổ thông sẽ rất gay gắt khi số công nhân về quê khá nhiều và hiện vẫn chưa dừng lại.

“Thời gian tới, chúng tôi phải tăng lương, thưởng, phúc lợi để giữ công nhân và thu hút thêm nguồn lao động để tăng cường sản xuất”, ông Trương Chí Thiện nói.

Khôi phục sản xuất cũng đồng nghĩa với việc DN gặp khó về chuỗi cung ứng nguyên liệu thiếu hụt, tăng giá. Với ngành thực phẩm, theo bà Lý Kim Chi, đến đầu tháng 10 này, giá bột mì nhập khẩu về tới Việt Nam đã tăng trên 20%. Nguyên phụ liệu như bao bì, gia vị cũng tăng giá 20%. “Chúng tôi tính toán tổng giá thành đầu vào tăng trên 20%. Đây là vấn đề khó khăn nên chúng tôi phải tính toán cân đối nguồn nguyên liệu thay thế, thậm chí sản xuất vừa đủ chứ không có kế hoạch dự trữ như các năm để tiết giảm chi phí”, bà Chi cho biết.

Trước sức ép chi phí đầu vào tăng, cụm từ “tồn kho an toàn” cũng là giải pháp được nhiều DN tính đến. Lúc này, việc tính toán biên độ tăng trưởng doanh số phải cân đối với đầu vào (tài chính, công nhân, nguyên liệu...) và đầu ra là nhu cầu thị trường. Giải thích thêm về giải pháp này, ông Trương Tiến Dũng nói: “Chúng tôi khôi phục sản xuất dần dần chứ không dám bung mạnh”. Còn theo ông Trương Chí Thiện, sức mua sẽ khó có thể trở lại như cũ vì dịch bệnh khiến người dân ngại ra đường và rất nhiều người đã cạn nguồn tiền. “Qua mấy ngày mở cửa, sức mua trứng gia cầm chỉ bằng 60% so với trước. Sau thời gian giãn cách, người dân thắt chặt chi tiêu. Do đó mãi lực thị trường nếu có tăng cũng chỉ đạt 60-70% so với trước”, ông Thiện phân tích. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp tìm cách trở lại thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO