Doanh nghiệp mía đường lao đao vì đường nhập lậu

P.V| 28/08/2019 01:41

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa cho biết, cả nước hiện tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, đây là số lượng đường tồn kho kỷ lục từ trước đến nay.

Doanh nghiệp mía đường lao đao vì đường nhập lậu

Hầu hết công ty đường hiện nay đều rơi vào thế sản xuất cầm chừng và có nguy cơ giải tán. Công ty CP Đường mía Sơn La gần như ngưng hoạt động vì còn tồn kho gần 40.000 tấn đường (trị giá 500 tỷ đồng). Công ty CP Mía đường Tuy Hòa hiện cũng tồn kho khoảng 15.000 tấn đường (hơn 170 tỷ đồng). Kinh doanh không thuận lợi, hàng không có đầu ra, đã có 10 nhà máy đường chính thức ngưng hoạt động. Đó là Nhà máy Đường Vị Thanh (Cần Thơ), Nhà máy Đường Hiệp Hòa (Long An), Nhà máy Đường Bình Định...

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường trong năm 2018 cũng rất ảm đạm. Công ty CP Mía đường Lam Sơn doanh thu niên độ 2018-2019 tăng hơn 36%, nhưng giá vốn tăng mạnh nên kéo lợi nhuận đi xuống, lợi nhuận giảm 45% so với niên độ trước. Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, một trong những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn nhất ngành mía đường cả nước cũng có lợi nhuận niên độ 2018-2019 giảm nhiều so với niên độ trước. Trừ các chi phí, niên độ 2018-2019, công ty thu về hơn 76 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 61% so với cùng kỳ.

Theo VSSA, có ba nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường trong nước lao đao. Đó là do khối lượng đường ngoại nhập tăng; đường tạm nhập tái xuất, nhưng không tái xuất, mà để lại tiêu thụ ở thị trường trong nước và lượng đường nhập lậu ngày càng tăng. Đáng kể nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đường nhập lậu từ Campuchia và Thái Lan tràn vào ào ạt. Năm 2018, có hơn 800.000 tấn đường nhập lậu vào Việt Nam. Con số này tương đương lượng hàng tồn kho tại các nhà máy đường trong nước. Hiện giá đường mua tại biên giới Việt Nam - Thái Lan chỉ 8.000 đồng/kg, bán ra thị trường 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường tại các nhà máy của Việt Nam đã là 12.500 đồng/kg, bán lẻ ra thị trường 18.000-20.000 đồng/kg. 

Trong hoàn cảnh cạnh tranh bất thường vì đường nhập lậu, ngành mía đường Việt Nam chịu tổn hại ngày càng lớn, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ. Một diễn biến khác, đến đầu năm 2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực sau hai năm tạm hoãn, đường nhập khẩu trong khu vực sẽ có thuế suất 0%. Lúc đó, các nhà máy đường trong nước muốn tồn tại phải hạ giá, đồng nghĩa với việc thua lỗ sẽ nặng nề hơn.

Trước khó khăn chồng chất, VSSA đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cơ cấu lại vùng sản xuất nguyên liệu mía nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu. Đồng thời, VSSA cũng xin cấp trên chỉ đạo định hướng giá thu mua mía niên vụ 2019-2020 và xử lý nghiêm các thương vụ buôn lậu đường qua biên giới để ổn định thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp mía đường lao đao vì đường nhập lậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO