Doanh nghiệp gặp khó vì thiếu công nhân

Thanh Ngân| 11/08/2021 06:36

Thiếu hụt nguồn nhân lực cho sản xuất hiện nay và tương lai đang là bài toán khó đối với doanh nghiệp (DN). Sự thiếu hụt này sẽ trầm trọng hơn trong thời gian tới khi người lao động từ TP.HCM, Bình Dương... vẫn liên tục lên đường về quê, kéo theo hệ lụy đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và mất luôn khách hàng... Chính phủ cần có những giải pháp cấp bách để giúp DN.

Doanh nghiệp gặp khó vì thiếu công nhân

Tìm mọi cách giữ người lao động ở lại

Triển khai mô hình sản xuất “ba tại chỗ” nhưng không may cho Công ty CP Bánh Kẹo Á Châu (ABC Bakery), nhà máy đã xuất hiện nhiều ca F0. Đến nay, công ty mới chỉ đón được 20 công nhân trở về sau cách ly. Ông Kao Siêu Lực chia sẻ: “Công ty đang làm mọi cách để giữ công nhân vì để họ về quê trong điều kiện khó khăn này sẽ khiến họ nhụt chí, chưa kể để họ về thì khi nhà máy hoạt động trở lại sẽ thiếu lao động. Vì vậy, dù có lỗ bao nhiêu tôi cũng chấp nhận để lo cho họ chỗ ăn, chỗ ở, không để họ đói, thiếu thốn trong thời điểm này”.

Tại Công ty Cơ khí Việt Sơn, công suất nhà máy vẫn được duy trì ổn định nhờ sự đồng lòng của người lao động, vốn được ông chủ xem như người nhà. Để không bị mất công nhân có tay nghề giỏi, Công ty Cơ khí Việt Sơn đã tăng phúc lợi đãi ngộ họ, chẳng hạn như vẫn trả lương cơ bản và đóng đầy đủ bảo hiểm cho người lao động tạm nghỉ. Bên cạnh đó, công ty sẽ “xả trại” trong 10 ngày đến nửa tháng (từ 25/8 đến sau lễ 2/9) để người lao động trở về với gia đình. Ông Huỳnh Kiều Sơn - Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Việt Sơn chia sẻ: “Biết rằng, sau thời gian tạm nghỉ, chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi sản xuất nhưng điều đó là bắt buộc để công nhân tiếp tục gắn bó với mình. Chúng tôi đang làm tất cả vì mục tiêu không để người lao động bỏ về quê trong lúc này”. 

Còn tại Công ty Mebipha, chuyên sản xuất thuốc cho ngành thú y, kể cả thủy sản, bà Lâm Thúy Ái - Phó tổng giám đốc Mebipha, Phó chủ tịch thường trực câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP.HCM cho hay, DN đã hỗ trợ 1 triệu đồng/người cho tất cả lao động, kể cả những người đang tạm nghỉ. Bà bộc bạch:  “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để người lao động gắn bó với công ty. Bên cạnh chương trình của DN, hiện tỉnh Tiền Giang cũng có chính sách hỗ trợ vay vốn cho sinh viên, người lao động tự do và công nhân bị mất việc. Tất cả chỉ mong giúp người lao động vượt qua khó khăn trong đợt này”.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM lo lắng chia sẻ, hiện nay các DN ngành thực phẩm đang sống trong hồi hộp, bất an mặc dù họ đang thực hiện tốt phương án “ba tại chỗ”, vì vẫn xuất hiện các ca F0 trong nhà máy. Trước tình hình đó, điều các DN đang lo lắng nhất là mất người lao động. Bà Chi kêu gọi các DN trong Hội trước mắt hãy bảo đảm cuộc sống tối thiếu cho người lao động trong vòng một tháng. 

Nhân lực có nơi chỉ còn chưa đến 20%

Tình trạng thiếu hụt công nhân đang phổ biến trong các ngành có lượng lao động lớn như dệt may, da giày, gỗ. Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), tình trạng thiếu hụt lao động đã diễn ra trầm trọng khi bùng phát dịch bệnh, vì nhiều công nhân bị kẹt trong những khu vực bị cách ly, phong tỏa. Ngành gỗ đang có đơn hàng xuất khẩu rất tốt, nhiều DN nhận được đơn hàng đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Thế nhưng chỉ vì vướng dịch bệnh, gần 600 DN hội viên HAWA có nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và một số tỉnh miền Tây đang căng mình thực hiện đơn hàng xuất khẩu, bởi vì số lao động đủ điều kiện ở lại làm việc cao lắm cũng chỉ đạt 60-70%.

Đến nay, ông Trần Lam Sơn - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH SX-TM-XNK Thiên Minh vẫn còn kẹt ở Cần Thơ khi 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16. Không thể đến nhà máy tại Long An, cũng không thể về TP.HCM, ông Sơn chỉ có thể điều hành công ty qua mạng internet. Ông cho biết: “Nhà máy ở Long An của Thiên Minh có hơn 400 lao động. Vì nhà lưu trú cho công nhân tại nhà máy chỉ đủ chỗ cho hơn 200 lao động, chúng tôi phải cho gần nửa số lao động tạm nghỉ việc. Số lao động còn lại phải gồng mình làm việc để tăng sản lượng mới đáp ứng kịp đơn hàng đi Mỹ và châu Âu”.

Do thiếu lao động, năng lực sản xuất của Thiên Minh từ 50-60 container/tháng nay chỉ đạt chưa đến một nửa. Vì trước mắt, công ty chỉ ưu tiên giải quyết những đơn hàng quan trọng nhất nên Thiên Minh phải thương lượng với nhiều khách hàng nước ngoài để gia hạn thời gian giao sản phẩm nội thất.

Tình trạng này cũng xảy ra với các DN ngành cơ khí điện. Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh chia sẻ: “Hiện nay các DN thực hiện “ba tại chỗ” hầu hết đều không đủ công nhân. DN giữ được lao động nhiều lắm cũng chỉ 80%, trong tình hình nhiều DN sản xuất với chỉ 20-30% lao động. Tệ hơn, tôi biết có những DN chỉ còn 10-20% lao động và họ chỉ có thể cung ứng hàng cho những khách quan trọng nhất”. Điều ông Tống lo lắng nhất là bên cạnh những đơn hàng có thể gia hạn thời gian, vẫn có những đơn hàng nếu dừng là mất khách hàng vì nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, theo ông Tống, DN Việt Nam đang đứng trước nguy cơ đánh mất số khách hàng mới, vốn được dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và đánh mất cả những khách hàng đang trong quá trình đàm phán... 

tr13a-7379-1628591320.jpg
tr13b-7810-1628591320.jpg
tr13c-5708-1628591320.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp gặp khó vì thiếu công nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO