Đầu tư trực tiếp: Mê công nghệ, chê địa ốc

ĐỖ HẢI| 22/02/2012 09:53

Nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2011, trong khi FDI vào Việt Nam giảm 26% thì dòng vốn ngoại thông qua hoạt động mua - bán, sáp nhập (M&A) lại tăng. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục khi các quỹ đầu tư đã đến “mùa” thoái vốn sau 4 - 5 năm hoạt động.

Đầu tư trực tiếp: Mê công nghệ, chê địa ốc

Đâu sẽ là kênh đầu hấp dẫn doanh nghiệp (DN) trong nước lẫn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)?Nhiều NĐT đã hướng dòng tiền vào các thị trường dài hạn hơn như công nghệ cao, mua bán sáp nhập các doanh nghiệp...

Nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2011, trong khi FDI vào Việt Nam giảm 26% thì dòng vốn ngoại thông qua hoạt động mua - bán, sáp nhập (M&A) lại tăng. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục khi các quỹ đầu tư đã đến “mùa” thoái vốn sau 4 - 5 năm hoạt động.

>>Cầm tiền dò đáy

Săn mua, chờ bán

Nhiều chuyên gia kinh tế có mặt trong Ngày hội các nhà đầu tư 2012 (Super Investors’ Day) mới được tổ chức tại TP.HCM tuần qua đều có chung nhận định, đây là thời điểm của đầu tư chứ không phải đầu cơ. Một trong những kênh để DN tham gia thị trường nhanh nhất là mua bán và sáp nhập (M&A).

Song, theo ông Đặng Doãn Kiên, Trưởng đại diện Aureos Capital, khi thực hiện M&A, NĐT thường xem xét 2 khía cạnh: quốc gia (quyết định đến 70% sự chọn lựa) và công ty (10%). Với thị trường Việt Nam, yếu tố 70% lại khiến nhà đầu tư (NĐT) cân nhắc vì liên quan đến chính sách, thủ tục đầu tư và tình hình vĩ mô của nền kinh tế.

Dù được đánh giá ổn định hơn năm 2011, với mức lạm phát được dự báo dưới 12% và tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%, nhưng cũng như nhận định của ông Tomoyuki Kimura, Trưởng đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, năm 2012, tình hình thu hút NĐT nước ngoài (dưới dạng tổ chức) của Việt Nam sẽ không dễ vì vấp phải sự cạnh tranh của nhiều nền kinh tế khác trong khối ASEAN.

Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc NĐT sẽ quay lưng. Khảo sát của hãng CNBC mới đây, cho thấy, Việt Nam đang đứng thứ 7 trong TOP 10 thị trường có triển vọng tăng trưởng tốt nhất thế giới (trong bảng xếp hạng này còn có Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Philippines...).

Theo đó, với chi phí sản xuất thấp, thị trường trẻ, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều NĐT lớn. Vấn đề còn lại là ngành nào, phương thức nào hấp dẫn được NĐT?

Ông David Đỗ, Giám đốc Điều hành Vietnam Investments Group, cho rằng, NĐT nước ngoài sẽ không ưa lắm việc tiếp tục đổ tiền vào bất động sản, nhưng các quỹ đầu tư và công ty lớn vẫn nhìn Việt Nam theo hướng “dễ thở” hơn một số thị trường khác (căn cứ giữa thị giá cổ phiếu với lợi nhuận công ty).

Chẳng hạn, PE của những cổ phiếu MSN (Masan Group) hay VNM (Vinamilk) ở mức 7.8 nhưng với những công ty tương tự tại Indonesia lại có giá trị gấp 16 lần.

Nói về các kênh đầu tư và kinh doanh hấp dẫn trong năm 2012, TS. Alan Phan, Chủ tịch - Giám đốc Điều hành Viasa Fund, cho rằng, dù khá thận trọng với tình hình kinh tế vĩ mô nhưng trong mắt NĐT, Việt Nam vẫn còn nhiều lĩnh vực tiềm năng như: nông - khoáng sản, công nghệ thông tin, phân phối, hàng tiêu dùng, y tế - giáo dục và mảng dịch vụ.

Minh chứng cho nhận định này, trong năm 2011, nhiều DN nước ngoài thuộc các ngành trên đã đặt chân vào thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ M&A, trong đó phải kể đến sự áp đảo của các DN đến từ Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Theo nghiên cứu của Nexus Group, năm 2011, giá trị các thương vụ M&A của Việt Nam đạt 2,67 tỷ USD, tăng 150% so với năm 2010, trong đó, thương vụ xuất phát từ yếu tố nước ngoài chiếm đến 81,3%.

Còn ông Nguyễn Tấn Thắng, Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) thì chia sẻ, thông qua HSC, nhiều DN nước ngoài thể hiện sự quan tâm đến thị trường Việt Nam, với điều kiện được tham gia vào mạng lưới phân phối khi đầu tư vào một DN trong nước. Ông Thắng cũng nhấn mạnh, gần đây, lĩnh vực công nghệ thông tin cũng là kênh luôn được NĐT quan tâm.

Nhìn dài hạn về công nghệ

Một tiêu chí khác để Việt Nam được hãng CNBC xếp hạng về tiềm năng tăng trưởng trong tương lai là sự xuất hiện của những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ thế giới.

Tập đoàn Intel (Mỹ) trở thành một trong số ít NĐT nước ngoài có vốn đăng ký lớn nhất tại Việt Nam (1 tỷ USD), Samsung (Hàn Quốc) đặt nhà máy tại Bắc Ninh, Canon (Nhật Bản) khẳng định Việt Nam là thị trường chiến lược khi lần lượt đầu tư 3 nhà máy.

Trong khi đó, nhà sản xuất thiết bị đầu cuối đến từ Phần Lan, Nokia cũng đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để đặt nhà máy tại Bắc Ninh.

Bên cạnh các khoản đầu tư trực tiếp này, nhiều NĐT khác cũng tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghệ (sản xuất lẫn cung cấp dịch vụ) ở Việt Nam thông qua việc mua lại cổ phần, đầu tư vốn như cách của các quỹ mạo hiểm hoặc mua lại toàn bộ một DN tại chỗ.

Mục tiêu của họ không chỉ dừng lại ở câu chuyện lợi nhuận mà còn nhằm tạo điểm xuất phát nhanh nhất khi bước vào thị trường mới.

Theo kinh nghiệm của ông David Đỗ, NĐT nước ngoài phân loại DN công nghệ ở Việt Nam thành hai dạng: công ty gia công xuất khẩu và công ty công nghệ thông tin (IT) trong nước (có thị trường tiêu thụ nội địa).

NĐT thường quan tâm yếu tố nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ và người lãnh đạo DN mà họ nhắm đến, xem người chủ DN có đi theo xu hướng mới hay không; bởi những điều đã mang tính ổn định sẽ khó có cơ hội mang lợi nhuận cao.

Đây cũng là tiêu chí trước đây IDG Ventures Việt Nam bỏ vốn vào Công ty GES Global (Khu Công nghệ cao TP.HCM). Bởi, GES là công ty đầu tiên tại Việt Nam nâng cấp thành công máy sản xuất các thiết bị bán dẫn cho đối tác nước Nhật Bản Tokyo Electron Ltd.

Liên quan đến những vấn đề trên, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Công viên Phần mềm (CVPM) Quang Trung, chia sẻ, dòng vốn của NĐT nước ngoài vào lĩnh vực IT, công nghệ cao đang khá tốt, chủ yếu là NĐT đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia phương Tây.

Đặt chân vào thị trường Việt Nam, tức đặt vào khối ASEAN và nằm cạnh một thị trường tiêu thụ rộng lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, kế hoạch lẫn cách tiếp cận thị trường của NĐT sẽ có thay đổi so với trước đây.

Theo khảo sát của Nexus Group, các thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao tại Việt Nam vừa qua đạt giá trị 111,5 triệu USD, chiếm 4,2% (trong TOP 10 ngành diễn ra M&A mạnh nhất).

Động cơ của các thương vụ này chủ yếu là do các công ty nước ngoài muốn tăng thị phần, gia nhập thị trường mới, R&D hoặc tiếp nhận tài sản nhân lực. Chẳng hạn, trường hợp của Hewlett Packard (HP) cũng đã mua lại một công ty trong Công viên Phần mềm Quang Trung (từng làm gia công cho công ty con HP) để tiếp nhận nguồn nhân lực của DN này.

Ông Chu Tiến Dũng nhận định, năm 2012, hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ sẽ tăng vọt. “Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều NĐT, họ thể hiện mong muốn mua lại các công ty sẵn có trong nước để phát triển nhanh hơn, bởi, nếu không nhanh chân, DN Trung Quốc sẽ đến trước.

Hơn nữa, giá trị của công ty Việt Nam trung bình chỉ vài triệu USD, sau khi mua lại, DN nước ngoài sẽ có nguồn nhân lực và thị trường. Điều đáng chú ý là những DN Nhật Bản đã đặt vấn đề M&A nhanh hơn trước, chứng tỏ họ quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam”, ông Dũng nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư trực tiếp: Mê công nghệ, chê địa ốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO