Đầu tư đào tạo: Mất trái non, còn trái chín

HÀN NGUYÊN - ĐỖ HẢI| 05/05/2012 05:39

Nhìn vào bức tranh đầu tư giáo dục, có thể dễ dàng nhận thấy nét tương đồng với mục tiêu mở rộng của ngành công nghiệp bán lẻ.

Đầu tư đào tạo: Mất trái non, còn trái chín

Cách đây 5 năm, hàng loạt cơ sở giáo dục tư thục mọc lên, từ các trường anh ngữ, đào tạo doanh nghiệp (DN) đến hệ thống giáo dục chính quy (từ bậc mầm non đến THPT). Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, khi chi phí đầu vào tăng cao, nhu cầu giảm, tốc độ này đã dần chậm lại, chỉ những trường có thương hiệu mới tiếp tục đầu tư củng cố và mở rộng hệ thống.

Đọc E-paper

1. Mở rộng như bán lẻ

Đại học RMIT - Ảnh: Quý Hòa

Sau ba năm đưa hệ thống Trường Quốc tế Canada (Canadian International School, CIS - Việt Nam) đi vào hoạt động (tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM), Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục Khôi Nguyên đã tiếp tục công bố đầu tư vào ba dự án giáo dục khác.

Cụ thể là hệ song ngữ quốc tế Canada (cho cả 3 cấp), Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật liên kết với Canada và Trường học trực tuyến E-study. Cũng ngay trong năm 2011, Khôi Nguyên đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty CP Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt (Bản Việt nắm 30% cổ phần) cùng phát triển các dự án trên.

Ngoài hệ thống CIS, một số trường mang tiêu chuẩn quốc tế khác cũng tiến hành chiến lược mở rộng hệ thống. Như Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS, từ cấp mẫu giáo đến THPT) đã mở rộng hai cơ sở mới nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của VAS.

Tính đến tháng 4/2012, trường này đã có 10 cơ sở, với 4.400 học sinh. Trong khi đó, sau khi đưa Trường quốc tế Wellspring Hà Nội đi vào hoạt động, Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục SSG (thuộc Tập đoàn SSG) tiếp tục chiến lược “Nam tiến” khi tuyên bố phát triển hệ thống này tại TP.HCM để kịp tuyển sinh trong năm 2013.

Không riêng gì các nhà đầu tư (NĐT) vào bậc giáo dục phổ thông, hai năm qua, những nhà phát triển giáo dục đại học cũng triển khai tìm kiếm mặt bằng và nâng cấp hệ thống.

Mekong Enterprise Fund II đầu tư 6 triệu USD cho VAS

Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, năm 2010, RMIT International University Vietnam (RMIT, Úc) đã thực hiện tăng vốn pháp định thêm 5,7 triệu USD cho mục đích mở rộng. RMIT đã đầu tư 4 triệu USD cho việc mở rộng không gian trường RMIT Hà Nội.

Cũng cùng thời điểm đó, RMIT đã đầu tư 15,1 triệu USD để xây dựng ký túc xá cho sinh viên và khu phức hợp tổ chức sự kiện, vui chơi giải trí tại cơ sở Nam Sài Gòn. Theo RMIT, năm 2013, họ sẽ đưa viện nghiên cứu với diện tích 14.400m2 đi vào hoạt động.

Nhìn vào bức tranh đầu tư giáo dục, có thể dễ dàng nhận thấy nét tương đồng với mục tiêu mở rộng của ngành công nghiệp bán lẻ. Điều này không chỉ làm tăng sự nhận biết thương hiệu, mà còn tăng tính cạnh tranh trong vấn đề đầu tư và quản lý chi phí vốn.

2. Quỹ đầu tư vào trường học

Theo báo cáo của Grant Thornton Việt Nam về những lĩnh vực thu hút khu vực đầu tư tư nhân ở Việt Nam, giáo dục là lựa chọn đầu tiên của các NĐT. Hơn nữa, con số khảo sát của Công ty TNS Việt Nam cho thấy, Việt Nam có dân số trẻ, với 28 triệu người đang ở độ tuổi đi học, một con số tiềm năng cho các nhà phát triển giáo dục.

Sự mở rộng của hệ thống giáo dục tư thục trong vòng 5 năm qua, đặc biệt ở khu vực từ bậc mầm non đến cấp 2, khiến không ít nhận định được đưa ra: những NĐT đã “thu đầy túi” tại thị trường này và biên độ phát triển của ngành còn khá lớn.

Hoạt động tại RMIT và CIS - Ảnh: Quý Hòa

Lấy dẫn chứng từ câu chuyện của Tập đoàn VinaCapital. Tháng 5/2011, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) đã bán một lượng lớn cổ phần trong Trường Quốc tế TP.HCM (thuộc Tập đoàn giáo dục Quốc tế - IEC, được thành lập năm 1993 trên cơ sở liên doanh giữa đối tác nước ngoài và địa phương) cho Cognita, nhà điều hành các trường tư thục lớn trên thế giới.

Trong báo cáo hoạt động của các quỹ thành viên trình Hội nghị Đầu tư 2011, VOF có đề cập tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của khoản đầu tư vào Trường Quốc tế TP.HCM là 59% (hiện VOF vẫn còn giữ lại 20%). Đây là một tỷ lệ không nhỏ vì tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng của VinaCapital cho các khoản đầu tư thường ở mức 30% trở lên.

Tuy nhiên, nếu so với những ngành khác mà VinaCapital đã đầu tư thì mức lời này vẫn khiêm tốn. Điển hình như khoản “rót” vào Masan Group, sau gần 3 năm, VOF bán cổ phần này và đạt mức sinh lời 250%.

Tuy vậy, khi nói về chiến lược đầu tư của quỹ này trong năm 2012, ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận Đầu tư VinaCapital, cho biết, giáo dục vẫn là một trong năm lĩnh vực ưu tiên, bởi việc chi tiêu cho giáo dục lẫn nhu cầu về giáo dục hiện đại sẽ ngày một tăng khi thu nhập người dân được cải thiện.

Cũng liên quan đến bài toán lợi nhuận khi đầu tư vào giáo dục, ông Trịnh Quang Đồng, Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục Khôi Nguyên, cho rằng, giáo dục có phải là ngành siêu lợi nhuận hay không còn tùy thuộc vào quan điểm lẫn cách làm của từng DN.

Ảnh: Quý Hòa

Theo đó, nếu DN mở trường thông qua việc thuê một cơ sở bình thường, tuyển dụng đội ngũ giáo viên từ các trường khác đến... thì lợi nhuận có thể cao vì suất đầu tư thấp. Trong khi đầu tư bài bản thì thời gian thu hồi vốn chậm hơn.

Khôi Nguyên đã đầu tư trên 500 tỷ đồng cho trường CIS, ít nhất cũng phải mất hơn 10 năm mới thu hồi được vốn. Ngoài ra, dù theo quy định, giáo dục là lĩnh vực được ưu đãi nhưng DN hiện vẫn chưa được tạo điều kiện về quỹ đất lẫn nguồn vốn ưu đãi (DN vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất 16-18%/năm).

Đại diện của Khôi Nguyên cho biết thêm, ngoài Bản Việt, hệ thống CIS cũng đang được một số NĐT, quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm, nhưng đây là những quỹ đầu tư tài chính, muốn tìm kiếm lợi nhuận, trong khi quan điểm của DN này là “nói không với quỹ đầu tư lướt sóng”.

“Bởi, trên thực tế, cùng với y tế, giáo dục là lĩnh vực khá đặc thù, NĐT phải bỏ ra khá nhiều chi phí trong giai đoạn đầu để tạo cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ quản lý và xây dựng thương hiệu... Do đó, khi đã bước vào sân chơi này, DN phải biết đây là khoản đầu tư dài hạn, đối tác phải cam kết gắn bó tối thiểu là 5 năm”, ông Trịnh Quang Đồng nói.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, với các quỹ, khoản đầu tư này có thể được “tạm quên” trong “rổ” ngành nghề mà họ đổ vốn vào, vì dù sao họ cũng có những khoản đầu tư ngắn hạn khác. Các DN cũng có thể đi theo hướng “lấy ngắn nuôi dài”.

Ảnh: Quý Hòa

Trường hợp của Tập đoàn SSG, Trường Quốc tế Wellspring là khoản đầu tư mang tính dài hạn bên cạnh hoạt động kinh doanh bất động sản, khai khoáng... của tập đoàn này.

Vậy, trường hợp của DN chỉ đầu tư vào giáo dục và sống bằng doanh thu học phí thì sao? Về vấn đề này, GS. Merilyn Liddell, Hiệu trưởng Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, chia sẻ, NĐT lĩnh vực giáo dục phải có một tầm nhìn dài hạn, tức phải luôn sẵn sàng tái đầu tư để cải thiện và phát triển cơ sở vật chất, nhằm tăng uy tín (đây cũng là yếu tố thu hút học viên).

Chẳng hạn như trường hợp của RMIT Việt Nam, trong 11 năm qua không nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào từ Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc, hay trợ cấp trực tiếp từ trường đại học “mẹ”.

“Việc quản lý tài chính thận trọng và chuyên nghiệp tại mọi thời điểm là vô cùng quan trọng, cần phải có những hệ thống tốt để bảo đảm rằng điều này luôn được giữ vững và tổng thu nhập không bị “thất thoát”, kém hiệu quả trong quá trình đầu tư”, GS. Merilyn Liddell nhấn mạnh.

Ngoài ra, dù là NĐT Việt Nam hay nước ngoài thì đều phải có những đối tác tốt như: nhà cung ứng xây dựng, ngân hàng, tư vấn tài chính, luật... cùng đi trong suốt quá trình đầu tư. 

Ảnh: Quý Hòa

3. Đất nhiều nhưng ít chỗ đứng



Rõ ràng, không ai phủ nhận tiềm năng khi tham gia lĩnh vực giáo dục. Con số thống kê của TNS Việt Nam cho thấy, Việt Nam có dân số trẻ và 28 triệu người đang trong độ tuổi đi học.

Hơn nữa, theo thống kê chưa chính thức, hằng năm có khoảng 1,4 tỷ USD từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài để phục vụ cho vấn đề du học, chủ yếu là bậc đại học và sau đại học. Khu vực tư nhân (Việt Nam lẫn có vốn đầu tư nước ngoài) chắc chắn nhìn thấy điều này nhưng hiện nay, số lượng NĐT nước ngoài tham gia hệ thống giáo dục phổ thông lẫn đại học vẫn còn khiêm tốn.

Minh chứng là trong hơn 200 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đăng ký vào lĩnh vực giáo dục, số lượng triển khai vẫn còn ít và đa phần là các chương trình đào tạo ngắn hạn.

Ông Nigel Russell, Chủ tịch HĐQT Trường AIS (The Australian Intenational School), nhìn nhận, kể từ năm 2005, khi Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua, hệ thống trường dạy tiếng Anh, mẫu giáo, cấp 1, 2 phát triển mạnh mẽ; trong khi đó, hệ phổ thông và đại học còn hạn chế.

Nếu xét khu vực FDI, hiện Việt Nam chỉ có 2 hệ thống trường đại học 100% vốn nước ngoài đăng ký hoạt động. Nguyên nhân của việc hạn chế này, theo bà Đào Mai Hương, Giám đốc Phát triển chiến lược và Kinh doanh Công ty GIE, là do phải chờ đợi lâu cho vấn đề thủ tục (có thể mất tới 2 năm cho một chương trình đào tạo mới) đã làm tăng rất nhiều chi phí cho NĐT và giảm tính cơ hội của dự án mà NĐT dự tính.

Ảnh: Quý Hòa

Hơn nữa, quy định về quỹ đất cho một trường đại học (ít nhất là 5ha) là điều quá khó cho NĐT vì quỹ đất tại hai thị trường chính là TP.HCM lẫn Hà Nội khá hạn chế. Cũng liên quan đến vấn đề này, đại diện RMIT Việt Nam cho rằng, trong tương lai, họ muốn tạo khuôn viên cho cơ sở RMIT Hà Nội như đã làm với TP.HCM, song, điều này còn phụ thuộc vào việc tìm kiếm đất sạch và giá thuê đất hợp lý.

Chính vì thủ tục và tìm đất khó khăn nên khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, NĐT nước ngoài thường chọn hình thức liên doanh với một đối tác địa phương để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư. Trên thực tế, tìm kiếm đối tác là yếu tố quan trọng thứ hai (sau nghiên cứu thị trường) trong đầu tư giáo dục.

Điều này đúng cho cả DN đơn thuần lẫn các quỹ đầu tư có mong muốn tham gia. Ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Mekong Capital, đơn vị đã đầu tư 6 triệu USD vào hệ thống trường VAS thông qua Quỹ Mekong Enterprise Fund II, cho rằng, giáo dục là ngành tăng trưởng tiềm năng nhưng với vai trò là NĐT cổ phần riêng lẻ, tiêu chí quan trọng nhất của Mekong Capital là chọn đối tác, cụ thể, DN phải có đội ngũ lãnh đạo tốt và cởi mở với những thông lệ thực hành tốt trên thế giới.

Không riêng các NĐT nước ngoài, ngay cả DN Việt cũng tỏ ra thận trọng. Ông Trịnh Quang Đồng cho rằng, thị trường vẫn còn khoảng trống cho NĐT nhảy vào. Tuy nhiên, họ phải chọn phân khúc, địa điểm và đối tác phù hợp. Theo đó, chuyện ít NĐT nước ngoài tham gia đầu tư ở bậc phổ thông lẫn đại học cũng do vấn đề cung - cầu.

Ngay cả Khôi Nguyên, trong chiến lược sắp tới, quyết định đầu tư một trường cao đẳng nghề với quy mô vốn trên 800 tỷ đồng tại huyện Nhà Bè (TP.HCM). “Việt Nam đang thiếu những trường đào tạo nhân sự có tay nghề (mỗi năm Việt Nam cần 10.000-15.000 lao động có tay nghề nhưng thực tế chỉ đáp ứng được 40 - 60% nhu cầu), đó là lý do khiến chúng tôi đầu tư vào phân khúc này thay vì đại học”, đại diện Khôi Nguyên nói về nguyên nhân không mặn mà với việc đầu tư vào trường đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư đào tạo: Mất trái non, còn trái chín
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO