Đầu tư cổ phần tư nhân: Hấp dẫn

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 22/04/2016 01:35

Cổ phần tư nhân vẫn là hạng mục hấp dẫn với các nhà đầu tư nhưng không phải khoản nào cũng "bỏ một đồng vốn thu bốn đồng lời".

Đầu tư cổ phần tư nhân: Hấp dẫn

Cổ phần tư nhân (CPTN) vẫn là hạng mục hấp dẫn với các nhà đầu tư (NĐT) nhưng không phải khoản nào cũng "bỏ một đồng vốn thu bốn đồng lời". 

Đọc E-paper

Đông "người chơi"...

Mới đây, trong buổi chia sẻ thông tin Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF), một trong ba quỹ do VinaCapital quản lý, chuyển niêm yết từ sàn phụ AIM (Alternative Investment Market) lên sàn giao dịch chính (Main Market) tại thị trường chứng khoán London, VinaCapital đã cho biết, chiến lược đầu tư của họ.

Theo đó, CPTN vẫn là khoản đầu tư mà VOF đặc biệt quan tâm, bởi đây là loại tài sản đã mang về 23 triệu USD lợi nhuận gộp cho VOF (với tỷ suất lợi nhuận đạt 2,1 lần đối với các khoản thoái vốn toàn bộ và 2 lần đối với các khoản thoái vốn một phần) và trong vòng 5 năm qua, tài sản này sinh lợi tốt nhất với lợi nhuận bình quân hằng năm đạt 22,6%.

Được biết, giá trị mỗi khoản đầu tư vào CPTN của VOF sẽ tham gia trong thời gian tới dao động từ 10 - 40 triệu USD, tập trung chủ yếu ở những doanh nghiệp (DN) đầu ngành trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B), y tế, bất động sản (gián tiếp).

Hiện VOF đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam và các DN nội địa. Cơ cấu danh mục đầu tư (phân loại theo tài sản quản lý) tính đến ngày 31/3/2016 của VOF cho thấy, CPTN (các công ty tư nhân, chưa niêm yết) đứng thứ 3 (sau cổ phiếu niêm yết và bất động sản), chiếm 12,3% giá trị tài sản ròng (NAV).

Trong số 5 khoản đầu tư nổi bật của VOF hiện nay, có 2 khoản đầu tư vào CPTN, cụ thể là Bệnh viện Thái Hòa (y tế) và Tập đoàn Novaland (bất động sản, tham gia đầu tư hợp vốn trị giá 47 triệu USD). Theo bà Đặng Phạm Minh Loan - Phó giám đốc Điều hành VinaCapital VOF, sau thành công của khoản đầu tư vào Bệnh viện Hoàn Mỹ (với tỷ suất hoàn vốn nội bộ - IRR bình quân trên 48%), kế hoạch của VOF là đầu tư một số bệnh viện trên một số tỉnh - thành.

Chẳng hạn đầu tư vào Bệnh viện Thái Hòa (10 triệu USD) sẽ giúp Thái Hòa có thêm tài chính đầu tư cho nguồn lực, quản trị và chất lượng để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe đang ngày càng tăng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Không riêng gì VOF, CPTN đang là "miếng bánh ngon" mà nhiều người muốn chia phần. Theo khảo sát về đầu tư tư nhân tại Việt Nam được Grant Thornton Việt Nam công bố vào tháng 3/2016, hiện có ba đối tượng cạnh tranh trong các thương vụ M&A cổ phần công ty tư nhân, đó là các quỹ đầu tư tư nhân trong nước, quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài và NĐT ngành.

Sự cạnh tranh này khiến quy mô của thị trường đầu tư tư nhân ngày một gia tăng. Báo cáo năm 2011 của Grant Thornton cho thấy, giai đoạn 2003 - 2011, các quỹ đã đầu tư hơn 1,8 tỷ USD vào CPTN, đáng chú ý là đầu tư vào những công ty gia đình.

Song, con số này vẫn còn khiêm tốn so với vốn đầu tư của các quỹ PE (private equity - quỹ đầu tư CPTN) bỏ vào thị trường ASEAN cùng thời điểm, với 11,7 tỷ USD (nay là 30,1 tỷ USD).

Hiện tại, con số ấy có thể tăng gấp đôi do "sân chơi" đã xuất hiện nhiều người, trong đó có các quỹ mới hoặc các quỹ đang hoạt động ở Việt Nam muốn mở rộng đầu tư, như trường hợp Templeton Emerging Markets Group (đầu tư 15 triệu USD vào Công ty TNHH Huy Việt Nam, đơn vị sở hữu 3 chuỗi nhà hàng Món Huế, Phở Ông Hùng và Cơm Express).

Hoặc, Saigon Asset Management Corporation (SAM - mới đầu tư phần vốn tương đương 15% cổ phần của Công ty CP Đầu tư Mỹ Châu, sở hữu hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu). Hay Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) của Mekong Capital huy động năm 2015.

Theo ông Chris Freund - Tổng giám đốc Mekong Capital, Công ty quản lý quỹ này sẽ tập trung đầu tư vào vốn CPTN thuộc các ngành bán lẻ, tiêu dùng (hai ngành được xem là hấp dẫn nhất đối với các giao dịch đầu tư tư nhân) với giá trị mỗi khoản đầu tư dao động từ 6 - 15 triệu USD.

... Và không "ngon ăn"

Do CPTN là kênh đầu tư hấp dẫn lắm người nhòm ngó nên mức độ cạnh tranh khá gay gắt. Theo ông Louis Nguyễn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SAM, vấn đề hiện nay của đầu tư CPTN là tìm được những khoản đầu tư tốt.

Liên quan đến việc này, bà Nguyễn Thị Diệu Phương - Giám đốc Đầu tư của VOF cho biết, bên cạnh khoản đầu tư vào Novaland, Quỹ vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm những khoản đầu tư CPTN trong lĩnh vực này, nhưng điều đó không dễ dàng vì thị trường không có nhiều DN quy mô tương đối lớn (vốn, sản phẩm, hệ thống, doanh thu, lợi nhuận và chiến lược rõ ràng), phát triển công trình theo dạng chuỗi như thế và quan trọng hơn là quan điểm "mở" của Ban lãnh đạo Công ty.

Dự kiến, quý IV/2016 này, Novaland sẽ IPO và năm 2017 niêm yết trên sàn chứng khoán, đó là cơ hội để các NĐT như VinaCapital hiện thực hóa lợi nhuận.

Tuy đầu tư CPTN mang về lợi nhuận kỳ vọng cao (như trường hợp Mekong Capital bán một phần khoản đầu tư tại Thế Giới Di Động năm 2013 đã thu lợi gấp 11 lần so với phần vốn đầu tư bỏ ra năm 2007), nhưng không phải con đường nào cũng "trải hoa hồng".

Bà Đặng Phạm Minh Loan chia sẻ, 80% khoản đầu tư của VOF vào CPTN là có lợi nhuận và 20% có kết quả không như mong đợi, điển hình như khoản đầu tư vào Công ty Yến Việt (hiện đang trong quá trình tái cơ cấu cổ đông và đàm phán với một đối tác để chuyển nhượng phần vốn).

Khoản đầu tư của Quỹ vào Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) năm 2014 cũng gặp nhiều khó khăn không lường trước trong giai đoạn đầu tham gia, từ việc cơ cấu lại khoản nợ lên đến vài trăm tỷ đồng của IDP cho đến kinh doanh vì sữa là ngành cạnh tranh rất khốc liệt.

"Sau hơn một năm đầu tư vào IDP, chúng tôi mới bắt đầu gặt hái thành quả, dù chưa đánh giá cụ thể về mặt sổ sách nhưng hiện có nhiều công ty cùng ngành trong nước và quốc tế bày tỏ mong muốn hợp tác và mua lại khoản đầu tư của chúng tôi tại IDP", bà Loan cho biết.

>Chính sách hấp dẫn, ngành điện sẽ có đầu tư tư nhân

>Quỹ đầu tư tư nhân đang trở lại Việt Nam?

>Hội thảo tương tác: Vốn đầu tư tư nhân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư cổ phần tư nhân: Hấp dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO