Đấu thầu thuốc bệnh viện: Rẻ mừng, đắt lo

LỮ Ý NHI| 13/06/2013 08:09

Quy định đấu thầu thuốc tại các bệnh viện dù khắc phục được tình trạng giá thuốc bát nháo nhưng lại không đảm bảo được chất lượng thuốc khi chỉ căn cứ vào giá thuốc rẻ. Các doanh nghiệp (DN) đầu tư cho dây chuyền sản xuất hiện đại đang lo lắng thuốc giá rẻ của Trung Quốc tràn vào.

Đấu thầu thuốc bệnh viện: Rẻ mừng, đắt lo

Quy định đấu thầu thuốc tại các bệnh viện dù khắc phục được tình trạng giá thuốc bát nháo nhưng lại không đảm bảo được chất lượng thuốc khi chỉ căn cứ vào giá thuốc rẻ. Các doanh nghiệp (DN) đầu tư cho dây chuyền sản xuất hiện đại đang lo lắng thuốc giá rẻ của Trung Quốc tràn vào.

Đọc E-paper

Cao thấp cào bằng

Theo quy chế đấu thầu mới, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất trong nhóm đó. Cụ thể, trong quá trình chấm thầu, những mặt hàng đạt 70 điểm trở lên sẽ được vào vòng trong đấu giá, thuốc nào có giá thấp nhất sẽ trúng thầu.

Tuy nhiên, theo TS. Huỳnh Hiền Trung, Phó chủ tịch Hội Dược sĩ Bệnh viện TP.HCM, thang điểm đấu thầu mới này vẫn không phân biệt thuốc đạt chất lượng hay không.

Bởi, các công ty đạt thang điểm từ 70 - 100 điểm đều nằm trong diện được chấm thầu như nhau thì sẽ khiến các công ty dược có đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao thua thiệt khi có giá thuốc cao hơn những công ty có kỹ thuật sản xuất đơn giản.

Hơn nữa, với thang điểm tối thiểu 70 (doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP WHO) thì hầu hết các công ty sản xuất thuốc đều dễ dàng đạt vì đây là tiêu chuẩn bắt buộc.

Điều này đồng nghĩa với các loại thuốc của châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan cũng sẽ được đấu chung với thuốc của Mỹ, Bỉ, Ý và Pháp...

Nghĩa là chất lượng thuốc của các công ty đạt điểm tối đa do đầu tư chuyên sâu công nghệ được đánh đồng với các công ty chỉ đạt điểm tối thiểu 70 là không công bằng. Và nếu các công ty này trúng thầu, rõ ràng bệnh nhân sẽ bị mất cơ hội sử dụng những loại thuốc có chất lượng tốt.

Cũng với tiêu chí đấu thầu giá thấp nhất, nhiều chuyên gia trong ngành y tế cũng quan ngại rất nhiều thuốc Trung Quốc sẽ có khả năng trúng thầu vì giá rất rẻ.

Lý giải thêm, ông Đào Xuân Dinh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Merap, cho biết, do tiêu chuẩn GMP WHO không quy định nguồn nguyên liệu đầu vào nên cùng một loại thuốc, nếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ thì giá rẻ hơn nhiều so với nguyên liệu nhập từ châu Âu.

Đơn cử, giá nguyên liệu Cefoperazon nhập từ Thụy Sỹ đơn giá 365 USD/kg, nhưng nhập từ Trung Quốc chỉ có 210 USD/kg; Cefixim nhập từ Ý giá 360 USD/kg, nhưng nhập từ Ấn Độ giá chỉ 178 USD/kg; Ceftazidim nhập Thụy Sỹ giá 515 USD/kg nhưng nhập từ Trung Quốc giá 150 USD/kg...

"Vì vậy, không thể đánh đồng chất lượng thuốc của châu Á sản xuất với châu Âu và cũng không thể nhìn vào hoạt chất, thành phần, dạng bào chế, công nghệ... để cho rằng chất lượng các loại thuốc như nhau. Muốn biết chất lượng thì phải thử tương đương sinh học. Song, để làm được điều này không dễ vì rất tốn kém", ông Dinh cho biết.

Hệ lụy cho ngành công nghiệp dược

Tổng giám đốc Bệnh viện Triều An, BS. Nguyễn Hải Tùng cũng cho rằng, việc chọn thuốc rất quan trọng đối với bệnh nhân và hiệu quả điều trị, bởi nếu dùng thuốc rẻ, chất lượng không cao sẽ dẫn đến thời gian điều trị lâu hơn, thay vì 3 ngày sẽ kéo dài thành 6 - 7 ngày.

Khả năng điều trị bệnh cũng ít hiệu quả lại thêm tốn kém cho người bệnh vì phải dùng nhiều thuốc hơn, chẳng hạn phải dùng tới 5 vỉ thuốc mới hết bệnh, trong khi nếu dùng thuốc giá cao hơn một chút thì chỉ cần một vỉ.

Quy định của Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC về việc đấu thầu thuốc tại các bệnh viện và Thông tư 11/2012/TT- BYT hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu, dù khắc phục được tình trạng thuốc vào bệnh viện mỗi nơi một giá, giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí do giá của một số loại thuốc có thể giảm từ 20 - 30%, nhưng chất lượng thuốc thì bỏ qua.

Không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, tiêu chí giá trúng thầu rẻ nhất còn dẫn đến hệ luỵ cho nhiều doanh nghiệp sản xuất dược.

Theo PGS - TS. Phạm Khánh Phong Lan, để lọt vào tiêu chuẩn thầu "giá thấp", đã có công ty tiết giảm bớt chi phí, nhập nguyên liệu giá rẻ và không chú trọng đầu tư công nghệ.

Trong khi đó, những công ty đầu tư sâu cho công nghệ, chất lượng như Công ty Dược phẩm 3/2, Merap, Imexpharm... thì đang phải đối đầu với khó khăn.

Đơn cử, Imexpharm dù có chiến lược phát triển rất căn cơ, lại có thế mạnh về sản xuất thuốc nhượng quyền, dây chuyền nguyên liệu đầu vào tốt, nhưng theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Kim Eng, Imexpharm sẽ bị mất ưu thế cạnh tranh trong năm 2013 do giá thuốc đấu thầu cao hơn các công ty khác, trong khi đó 55% thuốc của Công ty trước đây đều được phân phối qua kênh bệnh viện.

Cũng do đầu ra gặp khó khăn nên Nhà máy Penicillin Bình Dương, chuyên cung cấp thuốc kháng sinh, Imexpharm chỉ sản xuất được 3 triệu lọ thuốc mỗi năm chứ không đạt 10 triệu lọ/năm như theo kế hoạch.

Tuy ảnh hưởng về doanh thu rất lớn, nhưng theo đại diện của Imexpharm, điều lo ngại nhất là nếu tình trạng này kéo dài, các công ty sản xuất dược trong nước sẽ không chú trọng đầu tư chiều sâu mà chỉ sản xuất ra những sản phẩm tiêu thụ được. Như vậy, hệ lụy cho ngành công nghiệp dược Việt Nam là sẽ chậm phát triển, người bệnh bị thiệt thòi và làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đấu thầu thuốc bệnh viện: Rẻ mừng, đắt lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO