Cùng nông dân...

VÂN KHÁNH| 02/12/2009 04:41

Đã qua bốn lần lấy ý kiến dự thảo Nghị định Kinh doanh xuất khẩu gạo, chỉ thấy Bộ Công Thương và DN bàn với nhau, không ai hỏi ý kiến nông dân.

Cùng nông dân...

Đã qua bốn lần lấy ý kiến dự thảo Nghị định Kinh doanh xuất khẩu gạo, chỉ thấy Bộ Công Thương và DN bàn với nhau, không ai hỏi ý kiến nông dân.

Trong khi đó, nông dân vất vả làm ra hạt gạo, chịu nhiều rủi ro thì lại luôn hưởng phần ít nhất. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải làm sao giúp nông dân làm lúa có lãi 30% trên giá bán, nhưng chưa thấy ai đưa ra giải pháp thực hiện chỉ đạo này. Nhiều người chỉ trích thương lái chính là người làm nghèo nông dân vì họ là trung gian mua lúa của nông dân bán cho DN xuất khẩu.

Một buổi cùng nông dân ra đồng của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp do Công ty Bảo vệ thực vật An Giang tổ chức

Trong khi chính Chủ tịch VFA đến giờ cũng không nêu ra được biện pháp nào tổ chức cho DN XK gạo thu mua lúa trực tiếp của nông dân, họ viện đủ lý do khó khăn và cuối cùng đề nghị Hội Nông dân đứng ra làm trung gian. Hội Nông dân chưa dám nhận vai trò này. Vậy cuối cùng nông dân trông vào ai? Chủ tịch VFA đề nghị thu 1USD trên mỗi tấn gạo XK cho vào Quỹ Hỗ trợ sản xuất lúa gạo, nhưng quỹ này phải có quy chế sử dụng minh bạch, việc chọn đơn vị điều hành quỹ cũng khiến nông dân băn khoăn. Từ trước đến nay, câu hỏi “Làm sao giúp nông dân làm lúa có lãi 30%?" cứ như đánh đố mà không đi vào cụ thể thì e rằng hô khẩu hiệu hoài.

Sự cạnh tranh tiêu thụ nông sản đã làm cho yêu cầu đối với sản xuất ngày càng cao. Đó là chưa nói đến thiên nhiên ngày càng bất lợi hơn. Trong điều kiện đó, đòi hỏi nông dân phải có sự nhạy bén thay đổi phương thức sản xuất. Tại Festival Lúa gạo VN, những nông dân sáng tạo sản xuất lúa đã được tôn vinh. Ngưỡng mộ những nông dân chịu khó, vượt qua những gièm pha cho rằng họ không có khả năng làm, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã quyết định giúp nông dân đưa những sáng tạo của họ phổ biến rộng rãi.

Công ty đã từng thực hiện các chương trình “Cùng nông dân ra đồng”, “Cùng nông dân vui chơi giải trí”, “Cùng nông dân chăm sóc sức khỏe”, nên ông Thòn hiểu nông dân rất cần những hoạt động thiết thực. Những chuyến đi dã ngoại thật ra cũng gắn với chuyện ruộng đồng, có các nhà khoa học cùng đi, chuyển giao vài tiến bộ khoa học kỹ thuật, mọi người dễ tiếp thu giữa lý luận với kinh nghiệm, giải quyết nhanh những vấn đề cụ thể ở từng địa phương. Nông dân đã học cách sản xuất có ghi chép sổ sách, thay đổi tập quán từ chỗ làm ăn tự phát sang làm ăn có kế hoạch, có đúc kết kinh nghiệm.

Mục tiêu dài hạn là giúp nông dân tổ chức sản xuất lớn, làm thương hiệu gạo của chính họ. Theo ông Thòn, phải đặt lại vị thế của nông dân, cùng hợp tác, cùng nông dân sáng tạo. Luôn luôn có sự bình đẳng ở một thái độ, góc nhìn mới, không thể nói DN hay nhà khoa học đứng trên nông dân, mà phải đứng cùng nông dân mới bền vững. Đôi khi những cán bộ kỹ thuật muốn làm nông nghiệp giỏi phải coi nông dân là thầy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cùng nông dân...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO