Công nghiệp phụ trợ: Bây giờ hoặc không bao giờ

VIẾT LĨNH| 18/09/2014 09:30

Gần như đã đầy đủ danh sách nhà máy của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam, từ Intel, Samsung, Nokia, cho đến LG, Nidec... Đã đến lúc cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nội địa sau gần hai thập niên trì trệ.

Công nghiệp phụ trợ: Bây giờ hoặc không bao giờ

Gần như đã đầy đủ danh sách nhà máy của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam, từ Intel, Samsung, Nokia, cho đến LG, Nidec... Đã đến lúc cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nội địa sau gần hai thập niên trì trệ.

Đọc E-paper

Các dự án sản xuất tại Việt Nam của Samsung tạo cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển

99% không đạt chuẩn

Thời điểm nhà máy Intel khởi công vào năm 2007, nhiều dự báo về việc hàng loạt doanh nghiệp công nghệ thế giới sẽ đổ về Việt Nam. Một trong các điều kiện để tạo nên làn sóng tương lai đó là phải có ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghệ thông tin.

Dự báo là vậy nhưng ít ai ngờ "làn sóng" này lại đến nhanh đến vậy, thu hút hàng loạt tên tuổi lớn của giới công nghệ như Samsung, Nokia, LG... đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt là các dự án tỷ USD của Samsung xuất hiện trong một thời gian ngắn.

> Cao su kỹ thuật PU - sản phẩm mới của công nghiệp phụ trợ Việt Nam

> Công nghiệp phụ trợ: Thiếu, yếu toàn diện

> Công nghiệp phụ trợ: Sai lầm trong quá khứ

> Công nghiệp ô tô "thúc" công nghiệp phụ trợ

> Da giày: Hối hả phát triển công nghiệp phụ trợ

> Công nghiệp phụ trợ: Kinh nghiệm của người Thái

Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao của thế giới khi cứ 400 triệu điện thoại di động của Samsung được bán ra trên toàn cầu thì có 120 triệu điện thoại được sản xuất tại Bắc Ninh.

Cùng với nhà máy Samsung mới đi vào hoạt động, Việt Nam đã trở thành "cứ điểm" sản xuất của tập đoàn Samsung trên toàn cầu. Một đại diện của Samsung tiết lộ: "Ngay cả lãnh đạo Samsung tại các nước cũng thắc mắc vì sao lại có nhiều dự án tại Việt Nam đến vậy!".

Mặc dù khẳng định nhà máy Intel vẫn đang đi đúng lộ trình nhưng nhắc lại lo ngại của Tập đoàn Intel khi mới quyết định đầu tư vào Việt Nam, bà Sherry Borge, Tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam cho biết, trong số 94 nhà cung cấp nội địa hiện nay, có 20 nhà cung cấp sản phẩm trực tiếp.

Tuy nhiên, những nguyên liệu mà Intel Việt Nam nhận từ nhà cung cấp nội địa có giá trị rất thấp, mới chỉ dừng ở các loại hàng hóa dùng trong đóng gói, đồ cơ khí, hóa chất; hàng hóa tiêu dùng trong vận hành nhà máy, dùng cho bảo trì, dịch vụ...

"Trong chiến lược phát triển, vai trò của các nhà cung cấp nội địa sẽ ở vị trí cao hơn, nhưng Intel Việt Nam không chỉ mong muốn tăng số nhà cung cấp, mà các nhà cung cấp nội địa cũng phải bảo đảm các tiêu chí phù hợp với chiến lược phát triển của Công ty", bà Sherry Borge cho biết.

Tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa cũng là vấn đề lớn của Samsung. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina, cho biết: "Không nhà sản xuất nào muốn nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài vì vừa mất thời gian, vừa tốn ngoại tệ, bởi thời gian đối với nhà sản xuất là vô giá. Linh kiện càng được cung cấp nhanh chóng bao nhiêu sản phẩm đưa ra thị trường càng sớm bấy nhiêu".

Mặc dù vậy, hiện nay, trong số hơn 90 nhà cung cấp sản phẩm phụ trợ cho Samsung thì chỉ có 6,7 doanh nghiệp trong nước, trong đó chủ yếu cung ứng in ấn và bao bì.

Nguyên nhân là tiêu chuẩn của Samsung đặt ra, hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều không đáp ứng được, ngay cả những linh kiện đơn giản nhất. Bà Nguyễn Thị Tuyển, đại diện Công ty TNHH Tabuchi Electric (Nhật Bản) cho rằng: Với 8 tiêu chí mà Samsung đưa ra, 99% doanh nghiệp Việt Nam không chen chân được vào chuỗi cung ứng cho tập đoàn này!

2.000 tỷ đồng liệu đã đủ?

Ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung, nhận định, thực tế công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn tương đối lạc hậu. Ông cũng dẫn số liệu điều tra của JETRO (Nhật Bản) so sánh, số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc và Thái Lan chiếm 50-60%, của Việt Nam chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp. Do vậy giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam vẫn chỉ khiêm tốn ở con số từ 15 đến 30%.

Ông Shim Won Hwan cho rằng: "Không khó để nói rằng Samsung sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, dù Samsung có mở rộng quy mô đầu tư và mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam đến đâu thì cần có những điều kiện làm tiền đề. Và một trong những tiền đề đó là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực tương ứng".

Chỉ trong năm 2014, dự kiến tổng kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ kiện ngành điện tử, dệt may, da giày khoảng 53,2 tỷ USD, trong khi tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phần kinh tế nhà nước chỉ 40 tỷ USD. Chính phủ có chủ trương hợp tác với Nhật Bản để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng sau 14 năm triển khai vẫn chưa hình thành được 2 khu công nghiệp hỗ trợ, định hình sản phẩm vẫn còn mơ hồ.

Khó khăn của các tập đoàn như Samsung, Intel cho thấy đã đến lúc cần phải gấp rút hình thành một ngành công nghiệp phụ trợ để thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam. Có thể thấy thời gian qua chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa phù hợp, cũng là những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp đặc thù này.

Trước hết là chính sách về vốn vay. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, lãi vốn vay hiện ở mức 8 -15%/năm là quá cao. Bên cạnh đó, do chưa có đủ nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cả về chất và lượng, nên trình độ của doanh nghiệp không được nâng cao, khó thực hiện chuyển giao kỹ thuật.

Có tín hiệu đáng mừng khi Chính phủ đang chuẩn bị nhiều phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp phụ trợ, như mở rộng hỗ trợ thuế, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách ưu đãi khi thuê đất và vay vốn đầu tư...

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, đang xây dựng chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ thành chương trình quốc gia, sẽ có những hỗ trợ về vốn như đưa ra quỹ đầu tư công nghiệp phụ trợ 2.000 tỷ đồng...

Theo bà Sherry Boger, Intel đưa ra mục tiêu sẽ nội địa hóa 80% trong quá trình sản xuất CPU tại Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này thì bản thân các doanh nghiệp cung ứng trong nước cũng cần có sự đột phá về công nghệ để có thể cung ứng với các đối tác cung ứng mà hiện nay Intel đang làm việc.

Từ 3 doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp linh phụ kiện cho Intel, sau 4 năm đã tăng lên 16 doanh nghiệp cũng là một con số đáng kể. Để lấp đầy nhà máy ATM (lắp ráp và kiểm định) của Intel ở Thành Đô (Trung Quốc) phải mất 15 năm hay nhà máy tại Malaysia mất 40 năm mới có những sản phẩm như nhà máy của Việt Nam. Vẫn biết là cần phải có thời gian nhưng hy vọng Việt Nam không lỡ bước thêm 20 năm nữa trong phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp phụ trợ: Bây giờ hoặc không bao giờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO