Công nghiệp hỗ trợ: Doanh nghiệp Việt loay hoay tìm lối

HỒNG NGA - THANH NGÂN| 01/04/2018 06:35

Công nghiệp hỗ trợ được xây dựng 30 năm qua và được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, thế nhưng đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công nghiệp hỗ trợ: Doanh nghiệp Việt loay hoay tìm lối

Ngành công nghiệp hỗ trợ đang trong giai đoạn đầu của chuỗi giá trị. Ảnh: Trí Toàn

Tiềm năng lớn, nhu cầu cao nhưng nguồn cung sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp có nhu cầu về công nghiệp hỗ trợ hoặc tìm đến sản phẩm nhập khẩu hoặc doanh nghiệp FDI.

Tiềm năng lớn

Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng khoảng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp; đến năm 2030 đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa.

Thế nhưng trong làn sóng đầu tư của doanh nghiệp FDI trong 30 năm qua, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế Việt Nam nhưng cũng tạo ra khoảng cách không nhỏ với khu vực doanh nghiệp trong nước, khi ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển và quá ít doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương, tính đến hết năm 2016, Việt Nam mới có 1.383 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chia làm 3 nhóm ngành là cơ khí, điện tử, nhựa - cao su. So với tổng số trên 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước thì doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 0,3%.

Link bài viết

Sự tham gia của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang ở giai đoạn đầu của chuỗi giá trị, chủ yếu cung ứng nguyên liệu, phụ tùng đơn giản như bao bì; một số khuôn mẫu nhựa; linh phụ kiện phức tạp, tinh vi như linh kiện điện tử thường do các doanh nghiệp FDI đảm nhận hoặc nhập khẩu từ bên ngoài.

Chia sẻ tại Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2017, ông Kitagawa Hironobu - Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội cho biết, có hơn 570 dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2016, nhưng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện chỉ đạt 34%. Doanh nghiệp Nhật Bản phải nhập sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ Thái Lan, Trung Quốc.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương, dung lượng thị trường của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam rất lớn. 2 ngành được dự báo sẽ cần cung ứng rất nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới là sản xuất ô tô và điện - điện tử. Tuy nhiên, phần nhiều linh kiện, phụ tùng của 2 ngành này phải nhập khẩu từ nước ngoài do sản phẩm trong nước chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối.

Chia sẻ kỹ hơn vấn đề này, bà Trương Thị Chí Bình - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (VASI) cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Samsung khi chọn nhà cung cấp luôn đưa ra những tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, giá cả, thời hạn giao hàng, môi trường sản xuất, năng lực tài chính, công nghệ sản xuất. Từ khi 2 bên làm việc đến khi trở thành đối tác cung cấp linh kiện cho Samsung phải mất từ hơn một đến 3 năm.

Canon cũng thế, quy trình chọn lựa nhà cung cấp của họ với các tiêu chuẩn cao. Trong khi đó, rất ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước áp dụng các tiêu chuẩn này hoặc chỉ làm để đối phó nên không được chọn.

Quá ít doanh nghiệp tham gia

Trong các ngành công nghiệp, 2 lĩnh vực được cho là phát triển nhất hiện nay là ô tô và điện - điện tử. Thế nhưng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho nhà sản xuất ô tô và điện - điện tử vẫn còn rất yếu và thiếu.

Thị trường ô tô Việt Nam những năm qua đạt mức 300.000 xe/năm, tăng trưởng nhanh với mức 24%/năm. Sau 20 năm xây dựng, Việt Nam có 20 doanh nghiệp lắp ráp ô tô nhưng chỉ có 84 doanh nghiệp cung cấp linh kiện cấp 1 và 145 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 2, 3. Số lượng này quá nhỏ so với nhu cầu và cũng rất nhỏ so với các nước trong khu vực.

Chẳng hạn như tại Thái Lan, ngành sản xuất ô tô chỉ có 16 doanh nghiệp nhưng phục vụ cho 16 doanh nghiệp này là một hệ thống doanh nghiệp vệ tinh với gần 700 nhà cung cấp linh kiện cấp 1 (gồm cơ khí, điện tử, nhựa và hóa chất), 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và 3.

Dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư FDI, đóng góp lớn trong xuất khẩu nhưng ngành điện - điện tử Việt Nam vẫn đang dừng lại ở giai đoạn đầu trong chuỗi cung ứng sản xuất sản phẩm đầu cuối. Doanh thu ngành công nghiệp phần cứng và điện tử chiếm khoảng 90% toàn ngành công nghệ thông tin nhưng doanh nghiệp FDI nắm giữ giá trị là chủ yếu.

Hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phụ trợ nhưng các doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung vào lắp ráp và thực hiện dịch vụ thương mại. Bà Trương Chí Bình dẫn khảo sát của VASI về khả năng cung ứng linh kiện công nghiệp hỗ trợ như nhựa, cao su, cho thấy tỷ lệ linh kiện công nghiệp hỗ trợ nhập khẩu lên đến 90%. Riêng với linh kiện điện - điện tử, tỷ lệ này lên đến 94%, thậm chí có những dòng linh kiện nhập khẩu đến 100%.

Chia sẻ tại Hội thảo Thúc đẩy cơ hội liên kết trong chuỗi cung ứng ngành điện tử trong khuôn khổ Ngày hội Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018 do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hiện Thành phố có 1.200 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm hỗ trợ, vẫn còn khiêm tốn so với hơn 300.000 doanh nghiệp trên địa bàn. Năng lực cung ứng cũng hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp cung ứng cấp 3, 4 cho doanh nghiệp đầu cuối.

Ông Nguyễn Dương Hiệu - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp và Thương mại Lidovit cho rằng, sở dĩ số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn thấp là vì năng lực nội tại chưa đáp ứng được yêu cầu, thiết bị công nghệ, quản trị, nhân lực, hệ thống kiểm soát còn yếu. Mặt khác, doanh nghiệp nước ngoài cũng chưa thật sự gắn kết với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong nước. Họ thường sử dụng nhà cung ứng trong chuỗi vì chất lượng ổn định, giá cạnh tranh.

Ngày 18/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển. Ngày 3/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà tiếp tục lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam sản xuất tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô toàn cầu trên cơ sở đẩy mạnh tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Theo Quyết định số 68/QĐ-TTg, từ nay đến năm 2020 sẽ cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng xấp xỉ 35% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2021 - 2025 bắt đầu sản xuất một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ, từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp hỗ trợ: Doanh nghiệp Việt loay hoay tìm lối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO