Cổ phiếu du lịch sẽ bứt phá trong bức tranh tăng trưởng của ngành năm 2018

P.V| 22/01/2018 09:30

Năm 2018 mở ra nhiều cơ hội và thách thức phát triển du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nói riêng.

Cổ phiếu du lịch sẽ bứt phá trong bức tranh tăng trưởng của ngành năm 2018

Dựa trên xu hướng thế giới và Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bộ Chính trị, Tổng cục Du lịch của Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách mở cửa thúc đẩy du lịch như: miễn visa cho khách du lịch từ 23 nước, cải cách thủ tục nhập cảnh điện tử... đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trong năm 2018.

Đón đầu xu thế và điều kiện mới, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định sự nhạy bén, năng động để tạo động lực phát triển cho chính mình và nâng tầm du lịch Việt ra thế giới.

Chính sách mở cửa thúc đẩy du lịch phát triển

Du lịch Việt Nam khép lại năm 2017 với những con số tăng trưởng kỷ lục khi đã đón khoảng 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2017 và lượng khách nội địa cũng tăng khoảng 25%, đạt 73,2 triệu lượt khách.

Một trong những động lực thúc đẩy to lớn cho sự phát triển bứt phá này trong thời gian vừa qua phải kể tới sự phối hợp và gia tăng đầu tư, xúc tiến quảng bá của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Các chính sách mở cửa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch như xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch; gắn du lịch với các hoạt động, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, làng nghề.

Không chỉ vậy các doanh nghiệp còn chủ động đầu tư đa dạng các sản phẩm, hoạt động quảng bá, đặc biệt chú trọng những gian hàng ấn tượng và tạo tính tương tác cao nhằm thu hút khách tham quan. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chủ động gặp gỡ các hiệp hội du lịch lớn trên thế giới để tìm hiểu nhu cầu và đặc điểm khác nhau của du khách các nước, từ đó kiên trì tạo lập dần các mối quan hệ tin cậy để hợp tác phát triển. Trước đây, các doanh nghiệp của nước ta thường “bán những thứ mình có chứ ít khi bán những gì người ta cần”.

Vì vậy, quá trình tiếp xúc, tìm hiểu qua những sự kiện như vậy giúp các doanh nghiệp chuyển đổi dần tư duy làm du lịch, sáng tạo những sản phẩm đáp ứng yêu cầu riêng biệt của các nước.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngành du lịch, cụ thể, xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu lại ngành du lịch theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, triển khai thực hiện năm 2017, phương hướng và nhiệm vụ năm 2018 của ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới vận hành theo quy luật kinh tế thị trường.

Các địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển du lịch xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch, chú trọng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực tiềm năng phát triển du lịch; bổ sung, hoàn thiện công tác thống kê du lịch để xác định rõ vị trí ngành du lịch trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân và của các địa phương có lợi thế phát triển du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển ngành.

Cơ hội rót vốn vào cổ phiếu du lịch

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, song để cạnh tranh được ở thị trường nội địa và thế giới cũng chỉ thuộc về một số đơn vị mạnh. Trong đó, phải kể đến là những doanh nghiệp du lịch đã có sự đầu tư và không ngừng tăng trưởng thời gian qua như: VNG, DAH, OCH, với thế mạnh và tiềm lực của mình đã không ngừng đầu tư, mở rộng phát triển hoạt động trong thời gian qua cũng như kết quả kinh doanh thu về đáng để nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu.

Đơn cử DAH (HOSE)6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận DAH đạt gần 20 tỷ đồng, việc tăng lên không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà đến từ việc ghi nhận khoản thu nhập khác như bán tài sản trên đất của Khách sạn Đông Á 1 dẫn đến lợi nhuận sau thuế tăng vọt. Tuy nhiên, do lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn của DAH khá thấp chỉ 34,2 triệu cổ phiếu, vì vậy EPS đạt 1.100 và PE ở mức 3.700 đồng.

Giá hiện tại của DAH chỉ xoay quanh 4.300 đồng/cổ phiếuvà giảm khá sâu so với mức giá 6.000 đồng/cổ phiếu vào 6 tháng trước. Nhưng thanh khoản DAH khá đều với mức trung bình hơn 200.000 cổ phiếu/phiên. Hay cổ phiếu SGH (HNX)hầu như không có thanh khoản trong suốt gần 10 năm qua, nay giá cổ phiếu đã tăng gấp 3 lần lên 39.000 kể từ vùng giá 13.000 đồng hồi đầu năm, song giao dịch vẫn ở mức rất thấp.

Với khoảng 12,3 triệu cổ phiếu niêm yết, trong đó Tổng công ty Du lịch Sài Gòn nắm 39%, còn lại có quỹ Citigroup Global Markets Ltd. nắm 16,5%, Merryll Lynch International 4.6%. Tổng cộng cổ đông lớn nắm gần hết 10% cổ phiếu niêm yết, vì vậy hoạt động giao dịch trên sàn chỉ khoảng vài trăm cổ phiếu/ngày.

Đáng chú ý VNG (Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công) có hoạt động giao dịch tăng mạnh kể từ tháng 5/2017 và duy trì khá ổn định với trung bình 200 nghìn CP/ngày. Đây là điểm tích cực so với thời gian trước đó thanh khoản đạt mức rất thấp và không thường xuyên.

Nguyên nhân chính đến từ việc VNG chính thức giao dịch thêm hơn 62 triệu cổ phiếu (tăng 5,8 lần so với 13 triệu cổ phiếu) từ tháng 6. Sau khi tăng vốn gần gấp 6 lần VNG cũng đã có những chuyển biến tích cực về doanh số và lợi nhuận cả năm 2017 có sự nhảy vọt đáng kể. Đây chính là yếu tố hỗ trợ mạnh giúp giá cổ phiếu VNG tăng mạnh từ 10 lên quanh ngưỡng 15 (tăng 50% chỉ hơn 2 tháng).

Hiện tại có khoảng 12 cổ phiếu đang niêm yết, trong đó chỉ có khoảng 3 cổ phiếu có giao dịch tương đối khá trên 200 nghìn CP/phiên là VNG, DAH, OCH. Còn lại đều rất ít giao dịch do một phần mức độ cô đặc cổ phiếu quá cao. So với các doanh nghiệp cùng ngành khách sạn đang niêm yết, VNG có thanh khoản và tăng trưởng về thị giá tốt nhất.

Dựa theo kế hoạch kinh doanh của công ty trong năm 2017 thì EPS cả năm của VNG có thể đạt 465 đồng và PE tương ứng 31,1. Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, đây có thể xem là PE khá cao nếu so với bình quân chung thị trường nhưng với đặc thù ngành du lịch khách sạn thì PE thường ở mức trên 20 đến 30.

Về quy mô và hoạt động thì VNG có thể xem là cổ phiếu dẫn đầu phân khúc này trên sàn niêm yết. Còn về mặt sở hữu tài sản, VNG hiện đang mở rộng đầu tư khách sạn tại một số trọng điểm du lịch như Đà Lạt, Cần Thơ, Bình Thuận và mới ở bước tăng tốc, vì vậy một trong những yếu tố cốt lõi là đẩy mạnh hệ thống quản trị điều hành cùng với sự liên kết chặt chẽ giữa các khách sạn với nhau để hỗ trợ và chia sẻ thông tin.

Về mục tiêu dài hạn cho thấy, có một số điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch nói chung và VNG nói riêng. Đó là tầm nhìn phát triển kinh tế trong tương lai sẽ đẩy mạnh phát triển những ngành công nghiệp, dịch vụ trong nước. Trong đó, ngành du lịch là một trong những ưu tiên hàng đầu do từ trước đến ngay ngành du lịch Việt Nam chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ.

Với những tiềm năng thiên nhiên ưu đãi sẵn có cùng với dư địa đầu tư phát triển của ngành còn rất lớn thì đây là cơ hội cho những công ty như VNG, nhất là khi Công ty đang sở hữu những vị trí đẹp, trung tâm ở các địa phương là lợi thế rất lớn cho VNG tăng trưởng bền vững về dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ phiếu du lịch sẽ bứt phá trong bức tranh tăng trưởng của ngành năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO