Có gì để bán cho du khách tàu biển?

20/05/2013 05:59

Ngày càng nhiều tàu du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nhiều công ty du lịch than thở du khách không có cơ hội tiêu tiền do có quá ít điểm bán hàng cho hạng khách đặc biệt này.

Có gì để bán cho du khách tàu biển?

Ngày càng nhiều tàu du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nhiều công ty du lịch than thở du khách không có cơ hội tiêu tiền do có quá ít điểm bán hàng cho hạng khách đặc biệt này. Thêm vào đó, các điểm bán hàng chưa biết "đánh" đúng tâm lý và sở thích tiêu tiền nên chưa tìm ra được những món hàng mà khách cần.

Du khách tàu biển chọn mua áo thun
Theo ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions - công ty có thế mạnh trong mảng du lịch tàu biển, đón rất nhiều tàu du lịch quốc tế đến các cảng ở Việt Nam và Campuchia - du khách tàu biển là những người thích mua sắm và sử dụng sản phẩm địa phương. Do đi du lịch bằng tàu nên khách có nơi cất giữ đồ mua sắm trong phòng trong thời gian dài mà không cần di chuyển nhiều như đi bằng những phương tiện khác.

Tuy nhiên, cũng chính vì đi nhiều, cập nhiều cảng ở nhiều quốc gia trong một chuyến đi nên du khách có dịp nhìn thấy nhiều sản phẩm và so sánh về chất lượng, giá cả, bao bì... Ông Xuân Anh cho rằng, muốn bán sản phẩm cho những người này cần phải đánh giá đúng đối tượng khách trên mỗi chuyến tàu.

Thông thường, du khách tàu biển có ba loại.

Những người đi ngắn ngày trên các con tàu có sức chứa khoảng 1.000 khách trở lên là những người có thu nhập vừa hoặc khá. Những người này thích mua quà lưu niệm có kích thước nhỏ, dễ mang, gói trong túi xách dành để tặng. Giá tiền của sản phẩm thường không cao hoặc bình dân. Vì thế, nếu đem các hàng mỹ nghệ có kích thước lớn, nặng thì sẽ không bán được, nhưng những sản phẩm như áo thun, nón, túi xách nhỏ, khăn ăn, khăn trải bàn, sơn mài nhỏ... thì sẽ hút hàng.

Lượng khách thứ hai thường đi du lịch trong khu vực từ 15 đến 20 ngày, bằng những tàu loại to, có dịch vụ cao cấp. Đa số khách ở tuổi trung niên, đi theo cặp hoặc gia đình nên có xu hướng chi nhiều cho quà lưu niệm cao cấp. Du khách thường mua quần áo, giỏ xách hàng hiệu, mỹ phẩm cao cấp và thường tìm đến các cửa hàng cao cấp để chọn vải, may đo theo ý muốn. Những loại tranh vẽ có tên tuổi họa sĩ hoặc sao chép cao cấp cũng được du khách loại này ưa chuộng.

Theo ông Xuân Anh, đây là những người có tiềm năng mua sắm và chi tiêu cao nhất, kể cả nhà hàng, du khách cũng chọn những nhà hàng sang trọng, có món ăn lạ.

Đối tượng khách thứ ba là những người đi du lịch vòng quanh thế giới trong thời gian dài, trung bình trên 65 tuổi thì lại mua sắm rất ít, chỉ chọn vài món quà lưu niệm để mua.

Ông cho rằng, dù đa số du khách tàu biển quốc tế thích sử dụng sản phẩm địa phương nhưng hầu hết mẫu mã, bao bì của các sản phẩm địa phương còn thô sơ, không hấp dẫn. Những sản phẩm như mật ong ở đồng bằng sông Cửu Long, rượu đế Gò đen Long An, sữa ong chúa Mỹ Tho... cũng vậy, bao bì không tiện để mang đi nên dù thích, muốn mua nhưng du khách lại không mua được.

Ngoài ra, ông Xuân Anh cũng cho rằng, lực lượng thủy thủ trên tàu cũng là nguồn khách mua sắm tương đối mạnh nếu biết nắm bắt nhu cầu. Một tàu du lịch cỡ 2.000 khách thì số lượng thủy thủ vào khoảng 1.000 người. Các thủy thủ thường luân chuyển trung bình nửa năm một lần nên có nhu cầu lớn về mua quà cho gia đình, trong đó có nhiều đồ điện tử, thậm chí họ còn mua để bán lại. Chẳng hạn, nhiều thủy thủ người Philippines thích mua số lượng lớn tranh sơn mài để bán lại khi cập cảng Manila. Những sản phẩm đáp ứng nhu cầu cá nhân như áo quần, giày dép, đồng hồ, thức ăn, thuốc men, dịch vụ làm tóc, massage... cũng rất cần thiết đối với họ.

"Lượng khách này mua rất nhiều thứ và có nhu cầu về ẩm thực địa phương. Tại cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), có nhiều ngày thủy thủ đông nên có thể ăn hết 1.000 hột vịt lộn và uống bia. Tuy nhiên, với họ, giá cả là vấn đề then chốt để quyết định mua hay không", ông Anh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có gì để bán cho du khách tàu biển?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO