Chung vốn kinh doanh: Đạt lý mới thấu tình

Các Ngọc| 16/10/2009 08:45

Có thể đến với nhau vì tình cảm nhưng đồng thuận và tuân thủ những nguyên tắc đã thống nhất thì hợp tác làm ăn mới bền vững.

Chung vốn kinh doanh: Đạt lý mới thấu tình

Không ít cá nhân và DN đã liên kết qua hình thức hùn vốn lập DN hoặc triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, nhiều DN VN vẫn cho là khó làm ăn chung với nhau, có hùn hạp cũng không bền. Nhận định như thế có quá cảm tính, thiếu công bằng khi đã có những điển hình hùn hạp thành công?

Chọn chủ đề “Doanh nhân Việt Nam và văn hóa hùn hạp” để thực hiện chuyên đề nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam - 13/10, Báo Doanh Nhân Sài Gòn muốn chia sẻ những nguyên nhân dẫn đến thành công hoặc thất bại trong “quan hệ hùn hạp”...

Người Việt Nam hùn hạp

Chúng ta từng chứng kiến một số công ty liên doanh nhanh chóng dẫn đến sự chia tay giữa đối tác nước ngoài và trong nước, đa phần là DN nhà nước. Những vụ chia tay này xảy ra, phần thiệt thòi thuộc về DN VN.

AAA mở rộng nhiều liên kết

Nhìn liên doanh với nước ngoài thất bại, nhiều người đã đi đến nhận định “Người Việt không thích hợp cho hoạt động hùn hạp” hay “người Việt có năng lực hợp tác kinh doanh thấp”. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, những nhận định như vậy mới dựa trên cảm tính, thiếu điều tra, nghiên cứu nghiêm túc về nguyên nhân cũng như sự so sánh với các nước khác ở giai đoạn phát triển tương tự như nước ta.

Người VN có hùn hạp được với nhau không? Trả lời câu hỏi này là hai điển hình.

Ý định cùng nhau mở một công ty bảo hiểm đã được bảy người ấp ủ từ lâu, nhưng đến năm 2005, họ mới quy tụ lại lập Công ty cổ phần bảo hiểm AAA. Chính Vụ Bảo hiểm - Bộ Tài chính khi nhận hồ sơ đề nghị thành lập công ty này còn lo ngại họ không làm được. Từ sự hồ hởi lập DN, trong 4 năm, thương hiệu Bảo hiểm AAA đã nổi trên thị trường. Công ty Bảo hiểm AAA được đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh so với các DN bảo hiểm trong nước đã có vài chục năm và các DN nước ngoài có tên tuổi mới gia nhập vào thị trường bảo hiểm VN. Hiện Bảo hiểm AAA đã có thêm cổ đông là các DN trong nước lẫn nước ngoài, nhưng trụ cột vẫn là 7 người gắn bó với nhau bằng niềm tin và quyết tâm làm giàu.

TTT là tên của 3 người sáng lập, đồng thời là 3 chức năng của công ty: thiết kế, thi công, trang trí nội thất. Công ty cổ phần TTT xứng đáng là điển hình về hợp tác thành công vì các thành viên này ngồi với nhau đã 17 năm. Từ 3 người, lên 5 và giờ là 7 cổ đông trong hội đồng quản trị, và TTT còn những thành viên chủ chốt khác được gọi là “key persons”. TTT đang giữ vị trí số 1 trong lĩnh vực nội thất văn phòng tại VN. Họ cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành nội thất VN áp dụng hệ thống quản lý ERP và CRM của quốc tế.

Phải có “luật chung thuyền”

Các thành viên TTT khẳng định họ sẽ sống mãi với nhau vì một TTT. Giềng mối giữ cho họ bền chặt tưởng chỉ là tình cảm thân thiết, nhưng thật ra là đã theo nguyên tắc “Chung thuyền”, đồng thuận và không để gia đình riêng chi phối. Luật “lên thuyền” của TTT là đã đi với TTT rồi thì không mở bất kỳ DN nào khác. Những chiến lược lớn của TTT bao giờ cũng được sự đồng thuận của HĐQT, nếu có một người không thuận thì những người khác thuyết phục bằng được rồi mới thực hiện. Một khi đồng thuận chiến lược rồi thì việc triển khai cụ thể của ban tổng giám đốc không bao giờ bị soi xét, mà tin tưởng nhau tuyệt đối. Nguyên tắc không để gia đình chi phối rất quan trọng đối với TTT, họ chỉ có đại gia đình TTT, mọi người muốn “lên thuyền” đều phải chứng minh tài năng, không có chuyện dọn chỗ cho người nhà.

Ông Trần Anh Tuấn, thành viên sáng lập Công ty tư vấn The Pathfinder nhìn nhận tình cảm, hiểu biết trong quá khứ vẫn có giá trị để người ta làm việc với nhau, nhưng nếu dựa hẳn vào điều đó thì cũng không hay. Theo các công ty nước ngoài, hạp không phải về tính cách, mà là hiểu những luật chơi trên thương trường, đưa ra những thỏa thuận điều kiện hợp tác để chấp nhận nhau, thống nhất rồi mới làm ăn chung. Hùn hạp không thành công thường do không có luật chơi rõ ràng, hợp lý giữa các bên.

Học “duy lý” trong hùn hạp

Có người đánh giá rằng người VN “duy tình” hơn là “duy lý”. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích thêm, nếu như người Nhật Bản đầu tư rất nhiều tiền của, thời gian, trí tuệ để điều tra tình hình, nghiên cứu đối tác, xây dựng ý tưởng kinh doanh đến phương án tiền khả thi và khả thi, xem xét cả khả năng cung ứng điện, nước, lao động, điều kiện nguyên vật liệu, vận tải, tính chi ly giá thành, các khả năng diễn biến tối đa, tối thiểu của dự án trước khi huy động vốn thông qua hùn hạp, thì ở VN rất nhiều ý tưởng và dự án kinh doanh đã đi đến thống nhất trong một bữa... nhậu hồ hởi, với những cam kết miệng mạnh bạo đầy tinh thần võ hiệp, song rất thiếu căn cứ điều tra, phương án kinh tế-kỹ thuật nghiêm túc, khả năng lỗ lãi theo diễn biến của thị trường. Kết quả là phương án kinh doanh phải thay đổi rất nhiều, tính rủi ro cao và “tuần trăng mật” của buổi “kết hôn” hình thành dự án nhanh chóng được thay thế bằng những cuộc tranh cãi gay gắt.

Việc lựa chọn đối tác hùn hạp thường dựa vào sự quen biết từ lâu là tốt và cần thiết, song chưa đủ để bảo đảm sự ăn chia sòng phẳng trong môi trường đầu tư đầy biến động. Các hợp đồng hùn hạp - nếu có - đều giản đơn, không quy định rõ các cam kết cần thiết có tính ràng buộc pháp lý nghiêm túc, điều kiện rút vốn trước thời hạn, khả năng thanh lý, tỷ lệ ăn chia dưới các tình huống cụ thể...

Trong không ít trường hợp, sự thân quen cảm tính không kèm theo các thông tin độc lập, được cập nhật về thực trạng tài chính, tình trạng nợ nần, kinh doanh, rủi ro của từng đối tác. Hệ quả là, trong không ít trường hợp, chỉ một hai “con sâu” đã đủ để làm rầu nồi canh của hàng chục người khác có đủ thiện chí, tinh thần xây dựng và sự hùn hạp có thể đem lại nhiều dư vị đắng cay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chung vốn kinh doanh: Đạt lý mới thấu tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO