Chiến lược xuất khẩu cần tránh phụ thuộc vào một hay một số thị trường

Lan Ngọc| 01/03/2023 01:57

Xuất khẩu hàng hóa năm 2023 dự báo sẽ khó khăn hơn năm 2022, doanh nghiệp cần phải nỗ lực hơn, chủ động nâng cao năng lực để thích ứng…, bà Nguyễn Thị Minh Thuý - Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, thuộc Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương ý kiến.

Chiến lược xuất khẩu cần tránh phụ thuộc vào một hay một số thị trường
[Caption]-

Bà Nguyễn Thị Minh Thuý - Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.

*Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu tháng 1/2023 giảm sâu so với tháng 12/2022 và cùng kỳ năm 2022, theo bà nguyên nhân do đâu?

-Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất, do tháng 1/2023 có Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán, số ngày làm việc ít hơn tháng trước, điều này phần nào cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa. 

Thứ hai, về cơ cấu nhóm hàng, công nghiệp chế biến chế tạo đã không còn là động lực tăng trưởng của xuất khẩu, bởi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm nhiều nhất so với nhóm hàng nông lâm thủy sản và nhiên liệu khoáng sản. Nguyên nhân chính do các doanh nghiệp nhóm này dừng sản xuất để nghỉ Tết, kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành công nghiệp chế biến đều giảm so cùng kỳ năm trước, do đó tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến trong tháng 1/2023 giảm 22,7% so cùng kỳ năm trước (ước đạt 21,52 tỷ USD).

Thứ ba, về cơ cấu thị trường, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực của ta đều giảm mạnh, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam giảm khoảng 28,5%; thị trường EU giảm 33,8%; Nhật Bản giảm 11,4%; Hàn Quốc giảm 18,4%. Nguyên nhân chính do kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, các “cú sốc’ chuỗi cung ứng tác động làm giá nguyên liệu tăng cao, gây áp lực lên năng lực cạnh tranh của hàng hoá.

*Bà nhận định và dự báo thế nào về tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam từ nay cho đến hết năm 2023?

- Nhìn chung, xuất khẩu vẫn có những cơ hội để khai thác tận dụng từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) theo lộ trình tiếp tục cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài - yếu tố tạo động lực trong sản xuất hướng tới xuất khẩu; thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, giúp việc xuất khẩu các sản phẩm nông, thuỷ sản thuận lợi hơn. 

Tuy nhiên, tôi cho rằng, khó khăn đối với xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam nói chung trong năm 2023 sẽ rất lớn, lớn hơn nhiều so với năm 2022. Lý do chính có thể nhìn nhận ở góc độ như đây là thời điểm tác động của lạm phát, suy thoái sẽ dần bộc lộ, cũng như ảnh hưởng từ diễn biến xung đột Nga - Ukraine, nhu cầu nhập khẩu của các bạn hàng quốc tế đối với sản phẩm thế mạnh của Việt Nam cũng giảm sút. Ngoài ra, sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng mạnh do giá thành tăng, bởi chịu hệ lụy của tăng giá nguyên vật liệu, ảnh hưởng từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng, biến động chính trị, xung đột trên thế giới. 

-7827-1677167497.jpg

Xuất khẩu hàng hóa năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức - Ảnh Cấn Dũng

*Bà khuyến nghị gì với các doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất khẩu hàng hóa? 

- Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu cam kết tại các FTA là rất quan trọng. Làm tốt việc này, ngoài việc có thể tận dụng các ưu đãi về cắt giảm thuế quan và các ưu đãi khác tại thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ có nhãn quan rõ hơn về xu hướng các thị trường để có cách thức kinh doanh bài bản hơn, chủ động tận dụng cơ hội cũng như ứng phó với thách thức.

Chất lượng hàng hoá, đặc biệt theo định hướng “xuất khẩu xanh”, xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, sẽ là yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin với khách hàng, các doanh nghiệp cần phải chú trọng. Đồng thời, chiến lược xuất khẩu cần tránh phụ thuộc vào một hay một số thị trường, đặc biệt là đối với thị trường nguyên liệu đầu vào cho xuất khẩu. 

Doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu và thực hiện các hình thức xúc tiến thương mại đa dạng, đa kênh, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng các công cụ số để xây dựng hình ảnh, thương hiệu và xúc tiến đầu ra cho sản phẩm một cách hiệu quả.

Cần nâng cao năng lực và cập nhật thông tin thường xuyên, coi đây là hoạt động mang tính chiến lược, tác động đến thành công của doanh nghiệp.

* Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến lược xuất khẩu cần tránh phụ thuộc vào một hay một số thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO