Chỉ cách đi, cũng cần chỉ đường đi

CÁC NGỌC| 20/05/2009 04:46

Nghe tâm sự của nhà vườn từ những vùng thanh long Chợ Gạo, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang đến vùng rau ở xã Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của họ khi “nhà nghèo làm thương hiệu”.

Chỉ cách đi, cũng cần chỉ đường đi

Nghe tâm sự của nhà vườn từ những vùng thanh long Chợ Gạo, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang đến vùng rau ở xã Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của họ khi “nhà nghèo làm thương hiệu”.

Gian nan nông sản hàng hiệu

Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được chứng nhận tiêu chuẩn GAP

Điều đáng mừng là hầu hết nhà vườn ở những vùng chuyên canh trái cây, rau - củ - quả đã ý thức việc xây dựng tiêu chuẩn Quy trình Nông nghiệp An toàn (GAP), để đáp ứng yêu cầu mà các nhà nhập khẩu nước ngoài, hệ thống siêu thị trong nước và cả doanh nghiệp (DN) chế biến nông sản đều quan tâm. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã (HTX) hoặc chính từng nhà vườn đã cố gắng làm thương hiệu cho sản phẩm mình trồng được. Thế nhưng, có những điều “lực bất tòng tâm” khiến nhà vườn gặp lắm gian nan khi đưa nông sản hàng hiệu ra thị trường.

Ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm HTX Thanh long Chợ Gạo cho biết, dự kiến tháng 9 tới, HTX sẽ nhờ một tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP. Chi phí cho việc đánh giá, chứng nhận Global GAP khoảng 100 triệu đồng, chi phí chiếu xạ để diệt ruồi đục quả (1USD/kg) là số tiền không nhỏ đối với HTX. Xã viên HTX Chợ Gạo băn khoăn: Có thanh long an toàn rồi có thuận lợi xuất khẩu hơn không khi bao năm nay hai cây cầu nông thôn bắc từ quốc lộ vào vùng chuyên canh quá hẹp khiến việc vận chuyển hàng vô cùng khó khăn.

Công ty Metro Cash & Caring VN (Metro) đã hỗ trợ HTX xây dựng nhà sơ chế gần quốc lộ nhưng chuyển thanh long từ vườn ra nhà sơ chế phải đi bằng xe nhỏ, vừa tốn chi phí, vừa hao hụt sản phẩm do trái dập nhiều. Mới đây, thương nhân ở Mỹ đã đồng ý nhập khẩu thanh long Chợ Gạo, nhưng HTX không ký hợp đồng được chỉ vì cây cầu làm chậm việc trung chuyển thanh long sang kho lạnh không đảm bảo chất lượng trái theo yêu cầu.

52ha vườn của 131 hộ thuộc HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP. Mỗi năm thu hoạch, HTX chọn ra những trái đẹp nhất, cỡ đồng đều để xuất khẩu vào châu Âu và bán cho các cửa hàng trái cây cao cấp trong nước với giá cao. Quyết tâm xây dựng thương hiệu, HTX làm bao bì cho vú sữa Lò Rèn khá đẹp. Khi thấy chúng tôi tỏ vẻ không tin hai trái vú sữa Lò Rèn đóng hộp bán tại Hà Nội với giá 40.000 - 50.000 đồng, ông Lê Văn Sơn - Phó chủ nhiệm HTX giải thích: “Vú sữa loại 1 chỉ chiếm 10% sản lượng thu hoạch mỗi năm, mua của nhà vườn giá cao để khuyến khích mọi người trồng trái ngon, thu hoạch cẩn thận để trái không bị tì vết. Muốn khẳng định sự khác biệt của vú sữa loại 1, HTX làm bao bì vừa để đóng gói bảo quản trái đẹp cho đến tay người tiêu dùng, tăng giá trị sản phẩm, vừa tạo uy tín thương hiệu. Đã bao chuyến hàng rồi, người Hà Nội vẫn ủng hộ”.

Điều đáng buồn của HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là ngoài 10% trái loại 1 bán được giá cao, còn 90% vú sữa cũng là hàng chính hiệu, chính gốc, tiêu chuẩn GAP nhưng giá bán phụ thuộc hoàn toàn vào thương nhân và DN. Vô lý nhất là chính những nhà phân phối từng khuyến khích HTX đầu tư sản xuất sạch để tạo giá trị gia tăng cho vú sữa Lò Rèn lại là người đánh đồng giá vú sữa đạt tiêu chuẩn GAP với vú sữa hàng chợ. Với việc xuất khẩu, HTX mong được giới thiệu công ty nhập khẩu trực tiếp, chứ như hiện nay DN thu mua xuất khẩu không thật thà, đòi HTX giao hàng đẹp, nhưng họ trộn lẫn hàng khác vào, khi bị khách hàng nhập khẩu trả lại, họ bắt HTX chịu lỗ thay.

Thương hiệu cũng chờ thương lái

Ban chủ nhiệm HTX Xoài cát Hòa Lộc tự hào có thương hiệu ba năm nay, nhưng nhìn nhận chỉ 40% xoài Hòa Lộc xuất khẩu đi Nhật, Bangladesh, Hồng Kông và bán trực tiếp cho các cửa hàng trái cây cao cấp ở TP.HCM, còn lại 60% phải nhờ thương lái tiêu thụ. Khi HTX ngỏ ý tìm đầu mối tiêu thụ được giá với số lượng lớn thì các chuyên gia kinh tế đều tư vấn cho HTX và chính quyền địa phương là phải xây dựng vùng chuyên canh trên diện tích lớn. Song, nhà vườn hỏi ngược lại cần chuyên canh trên diện tích bao nhiêu, tiêu chuẩn trái ra sao, đầu ra được đảm bảo như thế nào thì không chuyên gia nào trả lời được. Vì vậy, HTX rất khó thuyết phục các hộ xã viên xóa vườn tạp, trồng xen chứ chưa nói đến mở rộng diện tích trồng xoài cát Hòa Lộc.

Có vùng chuyên canh cam 40 - 50ha, chăm sóc kỹ nên trái cam đẹp vỏ, ngọt ruột, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp huyện Châu Thành (Đồng Tháp) tìm đến một doanh nhân có tiếng về chế biến nông sản, một đại diện siêu thị nhờ giúp tiêu thụ. Trước hết, ông được nghe hai doanh nhân này dạy: “Phải phân loại, loại ngon đưa cho siêu thị bán hàng tươi, còn lại có thể bán cho các công ty sản xuất nước ép trái cây. Nếu không phân loại chỉ có nước bán cho thương lái”. Ông Sơn nhờ chỉ giúp công ty nào có thể thu mua thì nhận được lời hứa không thời hạn. Vậy là trên 50% cam sành vẫn phải tìm đường ra chợ qua tay thương lái.

HTX nông nghiệp Thạnh Nghĩa (xã Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) có 250 xã viên tập trung canh tác các loại rau, củ, quả trên 95ha. Lâu nay, xã viên vẫn bán hàng cho thương lái, có lúc được giá, nhưng có lúc chợ dội cũng bị tiểu thương ép hạ giá thê thảm dù đã thương lượng đồng ý giá mua bán trước đó. Thấy vậy, Ban chủ nhiệm HTX đi tìm nguồn thu mua ổn định cho xã viên. Gặp được hệ thống siêu thị lớn nhất, chưa kịp mừng thì đã vội chia tay vì họ chỉ mua 2 tấn/ngày cho đủ các loại rau, củ, quả mà còn yêu cầu HTX phải thu hoạch rồi giao hàng tận nơi; trong khi HTX thu hoạch đến 15 - 20 tấn/ngày, bán cho thương lái thì thương lái tự lo thu hoạch và vận chuyển, đỡ chi phí hơn cho xã viên. Vậy thì không bán cho thương lái sao được?

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op: Nhà nông cũng nên làm thương hiệu

- Chúng tôi hiểu sự nhọc nhằn của nhà nông, nhưng siêu thị phục vụ người tiêu dùng khó tính nên việc chọn mua hàng phải đặt yêu cầu chất lượng cao. Bán rau, củ, quả hay trái cây khó ở chỗ hàng dễ dập khi nhiều người xáo lên khi mua. Vì vậy, các nhà vườn nên nghĩ cách đóng gói. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng đóng gói được, nên tốt nhất nhà sản xuất và nhà phân phối cần trao đổi kỹ cách thu hoạch để có thể bảo quản tốt, ít hao hụt trong khâu bán lẻ. Saigon Co.op đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn chất lượng đối với rau, củ, trái cây nhập vào hệ thống Co.opMart, các nhà sản xuất có thể tham khảo.

Ông Lê Hải Trung, Giám đốc thực phẩm tươi sống truyền thống - hệ thống siêu thị BigC: An toàn đối với hàng nông sản tươi

- Nông sản chiếm doanh số lớn trong các siêu thị BigC. Chúng tôi cần nhà sản xuất cung cấp đầy đủ thông tin đến khách hàng (nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm...). Người sản xuất nông sản phải cập nhật thường xuyên những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hiểu biết về những sản phẩm có nguy cơ cao để tránh. Những sản phẩm bắt buộc công bố chất lượng, cách bảo quản thì thông tin phải rõ ràng. Đảm bảo vệ sinh an toàn đối với hàng nông sản tươi phải được kể trong cách vận chuyển và nhiệt độ khi vận chuyển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chỉ cách đi, cũng cần chỉ đường đi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO