Cần thay đổi cách phòng, chống dịch Covid-19

Lữ Ý Nhi| 14/09/2021 08:30

Dự kiến sau ngày 15/9/2021, khi TP.HCM phần nào kiểm soát được dịch sẽ nới lỏng dần giãn cách, doanh nghiệp (DN) được mở cửa hoạt động theo diễn biến giảm của dịch bệnh. Tuy nhiên, để có thể “sống chung” với virus SARS-CoV-2, cần thay đổi cách phòng, chống dịch.

Cần thay đổi cách phòng, chống dịch Covid-19

Thời điểm để tìm giải pháp thích ứng

Ngày 6/9/2021 vừa qua, trong buổi livestream với người dân TP, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: “TP đang tập trung triển khai quyết liệt nhiều hoạt động để thực hiện được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9/2021 theo Nghị định 86 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc nới lỏng hay thắt chặt giãn cách trên địa bàn sau ngày 15/9/2021 còn phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh”. 

Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Cuộc chiến chống Covid-19 là cuộc chiến lâu dài, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và sống chung với dịch bệnh”. Điều này cũng cho thấy, việc phòng, chống dịch của Việt Nam cần điều chỉnh sao cho phù hợp.

Nhìn lại thời gian qua, dù giãn cách theo CT 16, 16+ nhưng vẫn chưa khống chế được dịch. Ông Phan Văn Mãi cho rằng, nguyên nhân khách quan là do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Tình trạng này không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước, khiến cho việc ứng phó của chúng ta đôi lúc chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân chủ quan. Đó là ở một số địa bàn, chúng ta làm chưa nghiêm, khiến cho dịch lây lan. Việc xét nghiệm để tìm F0 ngăn nguồn lây một số nơi làm chưa tốt.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong năm 2020, ở giai đoạn đầu của đại dịch, chúng ta đã thành công khi áp dụng mô hình chống dịch rất gần với mô hình của Trung Quốc. Đó là phát hiện nhanh F0, truy vết và khoanh vùng triệt để, dập dịch nhanh chóng để đạt được trạng thái “Zero Covid”.

Tuy nhiên, khi biến chủng Delta xuất hiện, sự lây nhiễm lan rộng trong cộng đồng thì mô hình ấy ít phát huy tác dụng. Rất nhiều người bị nhiễm Delta đã không được phản ánh trong kết quả xét nghiệm nên dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Cùng với đó là hàng loạt giải pháp như khoanh vùng không cần thiết, giám sát lưu thông gây ách tắc chuỗi cung ứng hàng hóa, chưa bảo đảm an sinh cho người dân ở các khu phong tỏa. Nếu khoanh vùng, phong tỏa ở quy mô lớn và thời gian dài sẽ “giết chết” nền kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội.

Vì thế, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, hiện nay là thời điểm chín muồi để điều chỉnh mô hình phòng, chống dịch. “Điều chỉnh mô hình phòng, chống dịch cũng có nghĩa là đề ra và triển khai có hiệu quả các giải pháp để thích ứng với việc sống chung một cách an toàn tương đối với virus nCoV”, TS. Dũng nhấn mạnh. 

Theo TS. Lê Thẩm Dương, trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến xấu thì việc phải tìm một mô hình hay giải pháp tối ưu để phòng, chống là không tưởng. Hiện nay, một số nước đã mở cửa rồi lại đóng. Vì thế, giải pháp tối ưu nhất lúc này là chọn phương án ít xấu nhất. 

“Điều kiện cần và đủ lúc này để mở cửa”, TS. Dương nhấn mạnh, “sống chung” với SARS-CoV-2  là mỗi người dân phải được tiêm đủ hai mũi vaccine. Trong trường hợp vaccine chưa đủ thì phải mở cửa dần dần. Về phía DN thì phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm 5K và Chính phủ nên có chính sách giãn nợ, giảm thuế. Chỉ khi có đủ điều kiện cần và đủ thì mới mở cửa.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng: “Thời điểm này, nhiều quốc gia mở cửa nhưng chưa thành công và vẫn phải thận trọng, thậm chí có nước mở cửa, dịch lại bùng phát nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, vaccine cũng chưa đủ và chưa có độ an toàn tuyệt đối cho người tiêm đủ hai mũi để có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Vì vậy, việc mở cửa phải từ từ theo cách thí điểm từng vùng, từng khu vực đã kiểm soát được dịch và phải tuân thủ những điều kiện nghiêm ngặt. Có thể cách này chậm nhưng chắc và an toàn, yên tâm cho cả cộng đồng”.

Theo PGS-TS. Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công, trong tình hình hiện nay, phải hết sức chú trọng “nuôi” DN, việc áp dụng “ba tại chỗ” phải thay đổi. Bởi “ba tại chỗ” sẽ làm cho một số DN giấu giếm thông tin dịch bệnh. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa phải thiết thực hơn để “cứu sống” DN, đó cũng là cứu nền kinh tế thì mới có thể tăng trưởng ở các chu kỳ sau.

Bài học từ các nước 

SX-HA-CAO-3124-1631434537.jpg

Tại buổi tọa đàm về chủ đề “Sống chung với Covid - hiểu thế nào cho đúng?” do  Câu lạc bộ Ban Chấp hành YBA các thời kỳ tổ chức cuối tuần qua, ông Trần Bằng Việt - Tổng giám đốc Đông A Solution đã đưa ra hai mô hình chống dịch có hiệu quả và đã có thể “sống chung” với nCoV là Ba Lan và Singapore.

Ông Việt phân tích: “Singapore từng là nước bị Covid-19 tấn công nặng hơn Việt Nam với tỷ lệ nhiễm khoảng gần gấp ba lần so với Việt Nam, nếu tính trên tỷ lệ dân số. Tuy nhiên, theo số liệu tính đến ngày 2/9/2021, Singapore có tỷ lệ tử vong rất thấp, chỉ 0,08%. Tương tự, đã có thời điểm Ba Lan từng có 7,46% dân số bị nhiễm SARS-CoV-2 và đã có giai đoạn số người chết lên đến 75.000, gấp 7 lần ở Việt Nam hiện tại.

Thế nhưng, với cách phòng, chống dịch đang được áp dụng thì đến bây giờ, tỷ lệ nhiễm trong ngày ở Ba Lan chỉ còn trên dưới 400 người và số người tử vong rất thấp. Ba Lan bắt đầu chống dịch với chủ trương “bốn không”: không truy vết; không cách ly tập trung; không xét nghiệm tập trung, chỉ xét nghiệm cho những ca nghi nhiễm và những người có nhu cầu với giá rẻ; không trợ cấp lương thực, thực phẩm; không trợ cấp các loại thuốc phòng chống dịch.

Bên cạnh “bốn không”, Ba Lan đẩy mạnh “hai tự” là tự chăm sóc tại nhà thờ và chính phủ tạo một kênh online để gọi chăm sóc từ xa, hướng dẫn cho người dân và cung cấp bộ tài liệu giúp người dân tự phòng bệnh, sơ cấp cứu, tự chăm sóc bản thân khi bị nhiễm. Và khi bị nhiễm nCoV thì y bác sĩ sẽ hướng dẫn trực quan. 

Ba Lan miễn phí vaccine hoàn toàn nhưng phân việc tiêm ra từng đợt, nên dễ quản lý. Ví dụ, đợt một thì chích cho những người trên 70 tuổi, đợt hai 65 tuổi, đợt ba trên 50 tuổi... Ba Lan không hạn chế việc lưu thông hay buôn bán hàng hóa mà chỉ cần giữ cự ly giữa người với người. Để làm điều này, họ có hướng dẫn và quy định cụ thể về khoảng cách, phạt nặng nếu không tuân thủ. Trong nhà máy thì quy định cứ 10 mét vuông mới có một công nhân hay một người phục vụ.

Trong giai đoạn lockdown thì khoảng cách là 15 mét vuông. Tại các siêu thị, cửa hàng, từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa, chỉ những người trên 65 tuổi mới được phục vụ để tránh bị nhiễm bệnh vì đây là đối tượng dễ bị tổn thương. Đặc biệt, Ba Lan cho rằng DN sống được thì DN sẽ lo được cho công nhân, nhưng các khoản vay ngân hàng sẽ được ưu đãi như miễn hoặc giảm 1/3 hoặc 1/5 lãi suất, giảm thuế và miễn tiền thuê đất hoặc chậm nộp với yêu cầu duy nhất là DN không được giảm nhân viên. Với cách làm ấy, chuỗi cung ứng của họ không bị gãy, người dân không mất việc làm, hàng hóa vẫn được cung ứng đầy đủ, bộ máy chính quyền chỉ tập trung chống dịch.

Còn Singapore, ngay từ đầu dịch đã đặt ra nguyên tắc: không được đặt sinh mạng lên trên sinh kế cũng như đặt sinh kế lên trên sinh mạng. Bản chất là giống “mục tiêu kép” của Việt Nam. Nhưng Singapore không gấp gáp trong việc truy vết F0, F1 để rồi bị ách tắc hoặc quá tải hệ thống y tế, mà làm từng phần, theo từng giai đoạn và làm gì cũng đợi kết quả, sau đó nếu thay đổi thì mới làm tiếp.

Đặc biệt, Singapore chú trọng truyền thông nguy cơ, những vấn đề về vaccine và việc chống dịch, các quy định cấm hay không cấm; khuyến cáo cũng có thông điệp rất rõ ràng, hướng dẫn chi tiết nên người dân hiểu và dễ thực thi. Họ chỉ chốt đích đến chứ không chốt đường đi, vì cho rằng ở đích đến sẽ dễ kiểm soát. Họ sử dụng đội cơ động đi ngoài đường để xử phạt và có đội đến tất cả nhà máy, doanh nghiệp, cơ quan để kiểm tra có đảm bảo quy định phòng, chống dịch hay không và phạt rất nặng, thậm chí phạt tù nếu vi phạm, nên sự tuân thủ rất nghiêm.

Riêng việc hỗ trợ DN, Singapore hoãn, giảm thuế, tăng cho vay DN, giảm lãi suất cho DN nhỏ và vừa vay vốn. DN nào bị sụt giảm doanh thu nhưng không để người lao động nghỉ việc thì chính phủ tài hỗ trợ 25-75 % lương (tùy ngành), như vậy việc làm của người lao động vẫn được đảm bảo và DN vẫn tiếp tục sản xuất. 

CẦN SỰ PHỐI HỢP ĐỒNG BỘ

Việc thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch ở tất cả tỉnh, thành là rất quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa và sản xuất. Một số ví dụ gần đây khi xe vận chuyển hàng hóa vào một số tỉnh, thành phải sang tải, đổi xe, đổi tài xế gây phát sinh chi phí, thời gian và bất ổn trong việc lên kế hoạch sản xuất và thời gian giao hàng. Các thành phố lớn sẽ không thể hoạt động bình thường nếu các tỉnh, thành lân cận không phối hợp các nỗ lực mở cửa.

Có thể chấp nhận một số khác biệt trong biện pháp chống dịch nhằm đáp ứng khả năng y tế của từng địa phương, nhưng chúng ta cần xác định các ngành sản xuất dịch vụ đòi hỏi tính liên kết cao giữa các địa phương để có biện pháp giải tỏa thông suốt liên tỉnh, có biện pháp nhất quán từ Trung ương. Có như vậy mới đảm bảo từng bước mở cửa nền kinh tế và kiểm soát dịch hiệu quả trong giai đoạn đáp ứng mới với đại dịch.

TS. Phạm Công Hiệp - Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần thay đổi cách phòng, chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO