Cận cảnh bức tranh vận tải hành khách tuyến đảo

NGUYÊN BẢO| 24/11/2017 01:40

Nhìn vào việc đầu tư của các hãng vận tải hành khách đường biển có thể thấy, hầu hết đều nhắm đến việc khai thác các hướng tuyến từ đất liền ra các đảo có tiềm năng về du lịch.

Cận cảnh bức tranh vận tải hành khách tuyến đảo

Chia lại thị phần hướng tuyến

Nhìn vào việc đầu tư của các hãng vận tải hành khách đường biển có thể thấy, hầu hết đều nhắm đến việc khai thác các hướng tuyến từ đất liền ra các đảo có tiềm năng về du lịch, điển hình là Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Nam Du. Đáng chú ý, kể từ sau năm 2010, Phú Quốc "trở mình" thu hút đầu tư (Phú Quốc hiện đã thu hút trên 222.000 tỷ đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước) và có sự đột phá về hạ tầng, du lịch, mảng vận tải hành khách bằng đường biển không bỏ lỡ cơ hội "đua theo".

Công ty Nghiên cứu thị trường Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam nhìn nhận, Phú Quốc là nơi duy nhất ở Việt Nam được miễn thị thực 30 ngày cho tất cả các quốc gia (áp dụng từ đầu năm 2014). Việc miễn thị thực góp phần làm tăng lượng du khách các nước đến hòn đảo xinh đẹp này, tạo ra nhu cầu vận chuyển lớn.

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, 9 tháng năm 2017, có hơn 2,26 triệu lượt du khách đến huyện đảo Phú Quốc, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khách nước ngoài đạt hơn 242.000 lượt, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu đón 7 triệu lượt khách du lịch đến Phú Quốc vào năm 2030. Đó là những con số mà các hãng vận tải biển kỳ vọng tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của họ.

Trong doanh thu của Công ty Superdong - Kiên Giang (SKG), tỷ trọng đóng góp của các tuyến từ đất liền ra Phú Quốc chiếm ưu thế. Theo đó, năm 2016, tuyến Hà Tiên - Phú Quốc và Rạch Giá - Phú Quốc chiếm lần lượt 33,11% và 51,9% (Rạch Giá - Nam Du chiếm 14,19% và mảng xe trung chuyển chiếm 0,74%). Tỷ trọng đóng góp của 2 tuyến này vào cơ cấu lợi nhuận gộp của SKG là 34,58% và 53,58%.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS), với mảng tàu cao tốc tại tỉnh Kiên Giang, tính đến tháng 9/2017, có 2 công ty hoạt động là Ngọc Thành và SKG. SKG đang chiếm 90% thị phần, dù giá vé của SKG cao hơn đối thủ cạnh tranh từ 3,7% cho tuyến Rạch Giá - Hòn Sơn và lên tới 17,9% cho tuyến Rạch Giá - Phú Quốc. Điều này được lý giải bởi đội tàu của SKG hiện đại hơn, trong vòng 5 năm qua, công ty này liên tục bổ sung tàu mới.

Trên từng tuyến, báo cáo thường niên của SKG cho thấy, tính đến cuối năm 2016, Công ty "thống lĩnh" các tuyến Hà Tiên - Phú Quốc và Rạch Giá - Phú Quốc với 90% và 100% thị phần. Để tạo ra doanh thu cao hơn và khai thác triệt để tuyến Hà Tiên - Phú Quốc, SKG mở rộng phạm vi hoạt động sang mảng tàu chậm (cho phép vận chuyển ô tô con, xe tải, xe cẩu...), bắt đầu với tàu Superdong P1 đưa vào khai thác từ cuối tháng 8/2017.

Do tàu nhắm tới người lao động địa phương và khách du lịch trong nước nên mảng kinh doanh mới này sẽ mở rộng khách hàng. Theo kế hoạch, năm 2018, Công ty sẽ bổ sung thêm 2 tàu chậm tuyến Hà Tiên - Phú Quốc và Rạch Giá - Phú Quốc bên cạnh việc đầu tư thêm phương tiện để khai thác tuyến mới.

Trong khi đó, tuyến Rạch Giá - Nam Du, dù chỉ mới được đưa vào khai thác từ tháng 10/2015 nhưng đã chiếm 70% thị phần vào năm 2016. Theo ACBS, các tuyến mới trong phân khúc tàu cao tốc cùng với vị trí "thống lĩnh" đối với các tuyến hiện hành và mảng kinh doanh tàu chậm mới vận hành trong thời gian gần đây sẽ là động lực chính cho tiềm năng tăng trưởng của SKG trong những năm tới.

Không loại trừ rủi ro

Dù có mức tăng trưởng hấp dẫn nhưng theo đánh giá của ACBS, mảng vận tải hành khách ra các đảo cũng đối diện nhiều rủi ro, nhất là việc khách hàng dễ thay đổi trong lựa chọn thương hiệu. ACBS dẫn chứng, năm 2013, SKG đã chi 3,2 tỷ đồng cho các đợt quảng bá thương hiệu với 3 đợt rút thăm may mắn với phần thưởng lên đến 200 triệu đồng. Kết quả đạt được tốt hơn dự kiến khi 2 đối thủ cạnh tranh tại thời điểm đó là Nguyên Hưng Express và Hải Âu Dương Đông Express đã ngừng hoạt động vào tháng 7/2013.

Từ thời điểm đó, SKG trở thành công ty duy nhất hoạt động trên tuyến Rạch Giá - Phú Quốc. Lợi nhuận năm 2013 của Công ty giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng năm 2014 nhảy vọt đến 85%. Đối với tuyến Hà Tiên - Phú Quốc, với đội tàu hiện đại hơn so với đối thủ cạnh tranh là Ngọc Thành, thị phần của SKG đã tăng dần, từ 47% năm 2013 lên 90% vào cuối năm 2016. Mặc dù có 25 năm hoạt động trên tuyến Rạch Giá - Nam Du, Ngọc Thành vẫn bị giảm thị phần, dù SKG chỉ mới hoạt động trên tuyến này được 2 năm.

Song, tháng 11/2016, Ngọc Thành đã đưa 2 tàu cao tốc vào khai thác tuyến Rạch Giá - Phú Quốc, với công suất 300 ghế hành khách và 2 cabin có 4 giường nằm. Theo lãnh đạo của SKG, Công ty bị giảm thị phần từ 100% xuống còn 80% đối với tuyến Rạch Giá - Phú Quốc sau khi Ngọc Thành khai thác tuyến này bằng tàu cao tốc mới. Hệ số lấp đầy ghế cho tuyến này của SKG cũng giảm từ 80% xuống 70%.

Cùng với đó là rủi ro từ sự chia lại thị phần của các đối thủ trên một số hướng tuyến, sẽ tác động đến tăng trưởng doanh thu. Chẳng hạn như tuyến Rạch Giá - Kiên Giang, bên cạnh SKG và Ngọc Thành, sắp tới Phu Quoc Express cũng "chen chân" bằng tàu cao tốc 5 sao. Dù giá dự kiến 340.000 đồng/lượt của công ty này được xem nhỉnh hơn giá của Ngọc Thành (khoảng 280.000 đồng/lượt) và SKG (330.000 đồng/lượt), nhưng theo thông tin từ Phu Quoc Express, họ chú trọng đến chất lượng phục vụ hành khách thay vì chỉ đơn thuần là cung cấp phương tiện vận chuyển.

Báo cáo phân tích mới đây của ACBS về cổ phiếu SKG, đánh giá, doanh số của Công ty bắt đầu bão hòa trên các tuyến hiện có. Tuyến Hà Tiên - Phú Quốc đã tăng trưởng mạnh trong 4 năm qua, doanh thu từ 26,8 tỷ đồng vào năm 2013 tăng lên gấp 3 lần trong năm 2016, đạt 117,8 tỷ đồng (CAGR 3 năm đạt 63,8%). Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự gia tăng không ngừng của đội tàu Superdong 7 vào năm 2014, Superdong 8 vào năm 2016 và Superdong 9 và 10 vào năm 2016. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại ở mức 16,2% trong năm 2016.

Theo ACBS, tuyến này đã bắt đầu bão hòa mảng tàu cao tốc và bất kỳ tàu cao tốc mới nào được tăng thêm cũng sẽ chỉ làm giảm hệ số lấp đầy chứ không làm tăng doanh thu cũng như lợi nhuận cho doanh nghiệp do chi phí vận hành tăng. Chẳng hạn, với SKG, 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước (đạt 201,4 tỷ đồng), lợi nhuận ròng giảm 11% so với cùng kỳ 2016, xuống còn 105,8 tỷ đồng.

Sự chênh lệch về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của SKG là do giá dầu diesel tăng hơn 31,8%. Thêm nữa, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lên 11,6% và thuế suất hiện hành của SKG cao hơn, đạt 4,7% so với 3,2% trong nửa đầu năm 2016, cũng làm giảm lợi nhuận của Công ty, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận ròng giảm.

Tuyến Rạch Giá - Phú Quốc cũng bão hòa từ năm 2016 với mức tăng trưởng doanh thu âm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2017, với sự cạnh tranh gay gắt của Ngọc Thành, doanh thu tuyến này của SKG gần như chững lại với hệ số lấp đầy thấp. SKG đang có kế hoạch khởi động các tuyến mới cho phân khúc tàu cao tốc cũng như mở rộng kinh doanh sang phân khúc tàu chậm trong 3 năm tới. Nếu thành công, sẽ là động lực chính cho SKG phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cận cảnh bức tranh vận tải hành khách tuyến đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO