Cạm bẫy kinh doanh đa ngành: Tụt lại vì... đi quá nhanh

NGUYÊN BẢO - NGỌC ANH| 13/04/2018 03:31

Kinh doanh đa ngành, mở rộng quá nhanh cả về quy mô lẫn lĩnh vực đầu tư nhưng quản trị không theo kịp đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Cạm bẫy kinh doanh đa ngành: Tụt lại vì... đi quá nhanh

Việc đầu tư dàn trải đã khiến Hùng Vương lâm vào khó khăn như hiện nay

Đầu tư dàn trải, mất cân đối tài chính, lấy nợ ngắn hạn đầu tư dài hạn nhưng chưa hoặc không hiệu quả như kỳ vọng là những lý do tụt lại dễ nhận thấy nhất của một số doanh nghiệp lớn. Thị trường ắt không quên Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) của bà Diệu Hiền ở Cần Thơ với khoản nợ tính đến năm 2012 lên tới hơn 1.500 tỷ đồng, bao gồm nợ nhà băng, nợ người nuôi cá, nợ bảo hiểm.

Năm 2012, tại cuộc họp báo định kỳ quý I về tình hình kinh tế - xã hội, UBND TP. Cần Thơ cho biết, năm 2011, kinh doanh của Bianfishco diễn ra cầm chừng vì gặp khó khăn về tài chính do nguồn tín dụng từ ngân hàng thắt chặt, việc đầu tư dàn trải, sử dụng vốn sai mục đích, lấy nợ ngắn hạn đầu tư dài hạn, đầu tư ngoài ngành (bất động sản) đã dẫn tới mất cân đối tài chính nghiêm trọng.

Hay gần đây nhất là Công ty TNHH Xuất khẩu thủy sản Thiên Mã - một trong những doanh nghiệp thủy sản nổi tiếng cũng ở Cần Thơ với 12 trang trại, 3 nhà máy chế biến thủy sản quy mô lớn và sản lượng xuất khẩu hằng năm ở mức 40.000 tấn cá da trơn, cũng bị điều tra do nợ nần chồng chất.

Tình trạng của Bianfishco, Thiên Mã cũng là tình trạng của Công ty CP Hùng Vương (HVG) hiện nay. Trong văn bản giải trình phương án khắc phục lỗ lũy kế năm 2018 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vào cuối tháng 3 vừa rồi, Hùng Vương đề cập nguyên nhân khoản lỗ sau thuế trong năm 2017 lên đến 713 tỷ đồng, gấp 14 lần so với năm 2016 (lỗ 49 tỷ đồng).

Link bài viết

Do thiếu nguyên liệu bắt đầu từ nửa cuối năm 2016 và kéo dài đến đầu năm 2018 chưa có dấu hiệu hồi phục, 11 nhà máy với 15.000 lao động của Hùng Vương hoạt động cầm chừng, giảm 50% công suất, chủ yếu tái chế hàng trong kho để duy trì xuất khẩu. Nguyên liệu không đủ, chi phí cố định lớn, cộng thêm chi phí trợ cấp cho người lao động trong thời gian tạm ngưng sản xuất làm cho giá thành sản xuất tăng 30%. Giá xuất khẩu cho dù tăng mạnh cũng không đủ bù đắp chi phí sản xuất.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến thua lỗ mà Hùng Vương đề cập là do chi phí lãi vay và áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dở dang. Trong đó, bên cạnh những trại giống thì việc mở rộng lĩnh vực chăn nuôi heo theo mô hình công nghệ cao và xây dựng kho lạnh 60.000 pallet vận hành hoàn toàn bằng robot, hoặc khép kín quy trình nuôi trồng - sản xuất - chế biến xuất khẩu cá da trơn góp phần tăng áp lực tài chính đối với Công ty.

Theo giải trình của Hùng Vương, cả 5 dự án lớn mà Công ty đang triển khai đã tiêu tốn hơn 2.100 tỷ đồng vốn đầu tư, 70% giá trị vốn đầu tư của các dự án được lên kế hoạch triển khai bằng vốn vay. Song, thực tế giải ngân đến cuối tháng 2/2018 là trên 1.124 tỷ đồng nhưng chủ yếu bằng nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp.

Văn bản giải trình của Hùng Vương cũng cho biết, đến nay một số công trình đã được hoàn tất đến 80%, nhưng việc giải ngân từ phía ngân hàng lại bị trì hoãn. Có những dự án phải sử dụng hoàn toàn nguồn vốn ngắn hạn của Công ty mà không có sự hỗ trợ nào từ phía ngân hàng như cam kết.

Để thực hiện các dự án, tổng số vốn mà Hùng Vương đã bỏ ra tính đến ngày 28/2 đã lên đến 640 tỷ đồng được trích từ nguồn vốn ngắn hạn với lãi suất bình quân 9%/năm, đã gây ra tình trạng mất cân đối vốn nghiêm trọng cho Công ty. Trong khi các dự án còn dở dang, Hùng Vương vẫn phải gánh chi phí lãi vay phát sinh mỗi ngày.

Có thể thấy, mặc dù tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn cuối kỳ tại ngày 30/9/2017 đã giảm 969 tỷ đồng so với đầu kỳ, tương đương 11%, nhưng chi phí lãi vay của cả năm 2017 lại tăng đến 8%. Báo cáo của Hùng Vương cho thấy, số lỗ lũy kế tại ngày 30/9/2017 là hơn 423,7 tỷ đồng (trên báo cáo hợp nhất) và trên 224,4 tỷ đồng (trên báo cáo của công ty mẹ).

Từ một trong những doanh nghiệp lớn về sản xuất, xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam, với kết quả kinh doanh giảm sút, lỗ liên tiếp trong 2 năm qua khiến cổ phiếu HVG của Công ty CP Hùng Vương bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 26/1/2018, cụ thể là bị hạn chế về thời gian giao dịch (chỉ được giao dịch vào buổi chiều).

Để khắc phục tình trạng lỗ lũy kế trong năm 2018, Hùng Vương đã đề ra các phương án, trong đó có thoái vốn một số công ty con như Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (100%), Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (trên 50%), đồng thời thanh lý một số bất động sản tại TP.HCM như 765 Hồng Bàng, 94 Phạm Đình Hổ, đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do thiếu nguyên liệu, song song đó là thỏa thuận với các ngân hàng về việc tiếp tục tài trợ nguồn vốn trung dài hạn để hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang, và khoanh nợ, có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các khoản nợ hiện tại.

Được biết, cả Sao Ta lẫn Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng đều là những công ty được Hùng Vương sở hữu thông qua phương thức M&A trong năm 2012, thời điểm mà doanh nghiệp này đang triển khai hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập các công ty trong lĩnh vực thủy sản, trong đó có mở rộng sang mảng chế biến, xuất khẩu tôm nhằm thực hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp chi phối mảng xuất khẩu thủy sản.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, trên thế giới việc phát triển theo hướng đa ngành mà những tập đoàn lớn thực hiện, như Johnson & Johnson - một tập đoàn thiết bị y tế lớn nhất thế giới với hơn 250 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhưng công ty mẹ vẫn "choàng gánh" được vì đã có lịch sử hơn trăm năm tuổi, với giá trị doanh nghiệp lên trên 70 tỷ USD, tiềm lực tài chính mạnh và có kinh nghiệm quản trị rủi ro. Nhưng nếu doanh nghiệp nào đó của Việt Nam dựa vào vốn vay để phát triển, mở rộng nhanh các lĩnh vực kinh doanh thì phải hết sức thận trọng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cạm bẫy kinh doanh đa ngành: Tụt lại vì... đi quá nhanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO