Các thương vụ hời của quỹ đầu tư

XUÂN HÒA - ĐỖ HẢI| 27/06/2013 09:53

Năm 2013 có thể xem là thời điểm kết thúc cho chu kỳ hoạt động của một loạt quỹ đầu tư (QĐT).

Các thương vụ hời của quỹ đầu tư

Năm 2013 có thể xem là thời điểm kết thúc cho chu kỳ hoạt động của một loạt quỹ đầu tư (QĐT).

Đọc E-paper

Mặc dù thị trường Việt Nam trong hai năm trở lại đây được nhìn nhận không còn dễ dàng cho các QĐT, nhiều quỹ đã nhanh chóng rời bỏ thị trường chứng khoán, nhưng vẫn có quỹ thu về lợi nhuận không nhỏ sau những thương vụ thoái vốn thành công.

QĐT hoạt động tại thị trường Việt Nam dưới hai hình thức: quỹ đại chúng (hay còn gọi là quỹ mở) và quỹ thành viên (quỹ đóng - không bị giới hạn về lĩnh vực đầu tư nhưng bị giới hạn về thời gian hoạt động).

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến quỹ đóng. Những quỹ vào Việt Nam trong những năm 1990 như: Credit Lyonnais (Pháp), Vietnam Enterprise Investment, Lazard Vietnam Fund, Templeton Vietnam Opportunities Fund... chủ yếu thành lập ở nước ngoài và đầu tư vào các công ty FDI. Sau năm 1997, số lượng các quỹ này giảm và họ "thoái vốn" gần như tay trắng.

Tuy nhiên, với những quỹ đến sau như: Mekong Capital, Dragon Capital, VinaCapital... vẫn bám trụ và nhiều khoản đầu tư của họ vào cổ phần công ty tư nhân (private equity) của Việt Nam thu về những món lợi không hề nhỏ sau 3 - 5 năm.

Theo thạc sĩ luật Nguyễn Ngọc Bích và chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Đình Cung thì "trông mong lời lãi to là não trạng của các QĐT", do đó, việc của họ là chọn những khoản đầu tư hợp lý, bỏ vốn vào, làm tăng giá trị công ty và tìm cách "thoát ra" (exit) một cách thành công.

Mekong Capital thắng đậm với Thế Giới Di Động

Với lợi nhuận gấp 11 lần so với khoản đầu tư, Thế Giới Di Động là khoản sinh lời thành công nhất của Mekong Capital đến thời điểm hiện nay. Thậm chí, Mekong Capital còn có thể ăn "cú đúp" khi doanh nghiệp này niêm yết vào năm tới.

Ngày 20/3/2013, Mekong Enterprise Fund II (MEFII), một trong ba QĐT thuộc Mekong Capital, quản lý số vốn 50 triệu USD đã ra thông báo thoái một phần vốn khỏi Thế Giới Di Động (MobileWorld) với lợi nhuận gấp 11 lần so với khoản đầu tư mà họ bỏ vào đây từ năm 2007 (bao gồm cả cổ tức). Sau khi thoái vốn, tỷ lệ cổ phần MEFII nắm giữ tại MobileWorld giảm từ 32,5% xuống còn 25,8%.

Đây là vụ thoái vốn mang về lợi nhuận "khủng nhất" trong số các thương vụ mà Mekong Capital công bố. Có thể kể đến như vụ Mekong Capital thoái vốn khỏi AA Corporation vào tháng 10/2011 sau khi đầu tư 1,67 triệu USD vào thời điểm 2003 - 2005.

Song, lợi nhuận khi đó chỉ gấp hai lần khoản đầu tư ban đầu, với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 30%. Hoặc như khoản MEFII thoát khỏi Công ty Hàng tiêu dùng Quốc tế (ICP) năm 2011 khi bán cổ phần cho Marico Ltd., Ấn Độ cũng chỉ thu về lợi nhuận gấp hai lần.

Rõ ràng, với chiến lược đầu tư vào những công ty thuộc khu vực tư nhân ở quy mô nhỏ thì khoản lợi nhuận mà Mekong Capital kiếm được khi tham gia MobileWorld khiến giới đầu tư phải trầm trồ. Trường hợp này đã từng được Hiệp hội Đầu tư cổ phần công ty tư nhân tại các thị trường mới nổi (EMPEA) đề cập.

MobileWorld được thành lập năm 2004 thì đến năm 2007, sau khi tìm hiểu nhiều đối tác, cuối cùng MobileWorld đã chọn Mekong Capital là nhà đầu tư chiến lược. Năm đầu tiên sau hợp tác, với sự hỗ trợ của Mekong Capital, MobileWorld đã tăng số lượng từ 5 lên 15 cửa hàng bán lẻ. Đến năm 2011, nhà điều hành chuỗi bán lẻ điện thoại này đạt con số 209 cửa hàng và bán được gần 1,8 triệu chiếc điện thoại.

Cũng trong năm này, họ mở rộng bán hàng online và doanh thu mỗi tháng qua kênh này đạt trên 2 triệu USD. Song song với mảng bán lẻ điện thoại, năm 2010, MobileWorld mở thêm nhánh điện máy với thương hiệu Dienmay.com.

Theo ghi nhận của EMPEA, doanh số năm 2011 của Thế Giới Di Động đạt trên 255 triệu USD, với 8.377 lao động. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng doanh thu của MobileWorld sau khi Mekong Capital tham gia là trên 60%, trong vòng 4 năm, đã có 200 cửa hàng được mở ra.

Xét về thị phần, nếu năm 2009, Thế Giới Di Động chỉ khiêm tốn ở mức 5% thì đến thời điểm Mekong Capital thoái vốn, họ có 230 cửa hàng điện thoại trên phạm vi cả nước, chiếm 20% thị phần về doanh thu điện thoại và 12 cửa hàng kinh doanh điện máy tại khu vực phía Nam. Được biết, tham vọng của MobileWorld đến cuối năm 2013 là xếp vị trí số 1 trong lĩnh vực phân phối điện thoại, điện máy.

Sau khi Mekong Capital tuyên bố thoái vốn, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cũng như các nhà phân phối điện thoại tại TP.HCM tấm tắc khen Mekong Capital đã "thắng đậm" cho khoản đầu tư này. Nếu năm 2007, Mekong Capital đầu tư 4,5 triệu USD vào Thế Giới Di Động để sở hữu 32,5% thì giá trị 1% cổ phần của Thế Giới Di Động khi đó tương ứng 4.500 USD.

Đến tháng 3/2013, Mekong Capital bán 6,7% cổ phần đang sở hữu (tương ứng 301.500 USD) và đạt lợi nhuận gấp 11 lần, điều này có nghĩa, họ thu về hơn 3 triệu USD. Nói về việc thoái một phần vốn khỏi MobileWorld, ông Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital, cho biết, Quỹ thường giữ một khoản đầu tư trong thời gian 5 năm.

Mekong Capital đầu tư vào MobileWorld năm 2007 nên 2012 là đến thời điểm để thoái vốn. Tuy nhiên, vì đội ngũ quản lý tốt và tiềm năng tăng trưởng của Công ty nên Mekong Capital quyết định giữ khoản đầu tư này lâu hơn mức bình quân. Mekong Capital cũng kỳ vọng Dienmay.com sẽ phát triển hơn nữa trước khi họ bán ra hầu hết phần đầu tư tại MobileWorld.

Hơn nữa, Mekong Capital cũng nhấn mạnh rằng, những "bài học" từ quá khứ cho thấy, đôi lúc tốt nhất là nên thoái vốn từ từ, từng phần hơn là đưa ra quyết định có hay không bán toàn bộ khoản đầu tư một lần. Và họ đã áp dụng hình thức này đối với Thế Giới Di Động.

Song, cũng cần phải nhìn nhận rằng, nếu MobileWorld niêm yết vào đầu năm 2014, với đà tăng trưởng ổn định thì có thể Mekong Capital sẽ kiếm thêm một khoản lợi nhuận "khủng" nữa.

VinaCapital "ăn may" với Prime Group

Chuyển từ trạng thái "tấn công" năm 2007 sang "phòng thủ”, các quỹ của VinaCapital đã nhanh chóng thoát khỏi nhiều cổ phiếu, chỉ còn giữ lại một vài cổ phiếu niêm yết cơ bản tốt như VNM, FPT, HPG... Song, khoản tiền kiếm được từ thương vụ bán cổ phần cho SSG lại được xem là thành công nhanh chóng của Quỹ VOF.

Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành Quỹ VOF (thuộc Tập đoàn VinaCapital), nhìn nhận, quỹ đã thực hiện tốt việc đầu tư vào Theo ghi nhận từ cuối năm 2012 đến nay, Top 10 khoản đầu tư nổi bật của VOF vẫn là khách sạn Sofittel Motropole (chiếm 7.65% NAV); Vinamilk (chiếm 7,46% NAV); Eximbank (chiếm 7,38%NAV); Bảo vệ Thực vật An Giang (OTC, chiếm 5,38% NAV); Kinh Đô (KDC, chiếm 3,64% NAV); Hòa Phát (HPG, chiếm 2,54% NAV)...

Từ chối câu trả lời đâu là thương vụ "đình đám" của VOF, Andy Ho chỉ tiết lộ, mang về lợi nhuận đáng kể cho VOF sau khi thoái vốn có thể kể đến như: khoản đầu tư vào Bệnh viện Hoàn Mỹ, Vinamilk, Kinh Đô và Halico.

Riêng Halico, tháng 1/2011, VOF bán 23,6% cổ phần tại Công ty CP Cồn Rượu Rượu Hà Nội cho Diageo, thu về 51,6 triệu USD, với IRR đạt 67,4% sau hơn 4 năm đầu tư. Sau thương vụ này, NAV của VOF tăng 4,1% và chứng chỉ quỹ tăng 9,8 cent/chứng chỉ.

Gần đây, VOF cũng đạt được lợi nhuận vững chắc một số đó, có thể kể đến cú "lội ngược dòng" của VOF khi thoái vốn khỏi Prime Group.

Tháng 4/ 2010, VOF chi 15 triệu USD để sở hữu 7,1% cổ phần của nhà sản xuất gạch ốp lát, vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam, chiếm 30% thị phần (Prime Group được định giá hơn 211 triệu USD) với 6 nhà máy và hệ thống phân phối trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến năm 2012, giá trị khoản đầu tư vào đây bị giảm do thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng đóng băng.

Cuối năm 2012, SSG (tập đoàn xi măng hàng đầu Thái Lan Siam Cement) mua lại 85% cổ phần của Prime Group. Đến đầu năm 2013, VOF hoàn thành việc bán cổ phần cho SSG với giá trị chuyển nhượng 32,6 triệu USD. Như vậy, sau gần 3 năm đầu tư, VOF đã kiếm được 17,6 triệu USD với tỷ suất hoàn vốn nội bộ lên đến 38%.

Theo ông Andy Ho, phải mất từ 6 - 12 tháng VOF mới đi đến thương vụ với SCG, song IRR của khoản đầu tư này có thể cao hơn mức mà truyền thông đã phân tích. Chưa đầy 3 năm, món lợi nhuận này của VOF xem ra không phải tệ!

Dragon Capital lãi to từ Sacombank?

Đầu tư vào một loạt cổ phiếu nóng của Việt Nam như REE, PVD, FPT, DPM, Vinamilk và Masan (MSN), nhưng thương vụ bán lại hơn 61 triệu cổ phiếu STB sau 10 năm nắm giữ mang lại khoản tiền mặt lớn đối với Dragon Capital.

Theo báo cáo cập nhật của Dragon Capital, trong tháng 5/2013, giá trị tài sản ròng (NAV) của VEIL - quỹ đầu tư cổ phiếu lớn nhất, với quy mô xấp xỉ 500 triệu USD, do Dragon Capital quản lý đã tăng 9,3%, đạt 3,05 USD/chứng chỉ quỹ. Đây là mức tăng nhẹ và thua đà tăng của VN-Index, nhưng tính chung từ đầu năm tới nay, NAV của VEIL tăng 28,2%, cao hơn đà tăng của VN-Index 1,7%.

Trong danh mục của VEIL, REE là khoản đầu tư hiệu quả nhất tháng 5 với mức tăng 41%. Xếp sau là các cổ phiếu PV Drilling (PVD) (tăng 24,8%), FPT (tăng 19,4%), Đạm Phú Mỹ (DPM) (tăng 19%), GAS (tăng 16,6%), HPG (tăng 19%)... Các khoản đầu tư vào Vinamilk (VNM), Masan (MSN), Vietcombank (VCB) cũng tăng nhưng không bằng mức tăng của VN-Index (9,8%).

Tại thời điểm cuối tháng 5, khoản nắm giữ của Dragon Capital ở Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Quân Đội (MBB) cho hiệu quả thấp khi tăng tương ứng 7,3% và 5,3%. Các cổ phiếu nhỏ thuộc ngành quỹ, dược phẩm, tiêu dùng cũng chỉ tăng trong mức 5 - 7%.

Tính đến cuối tháng 5, báo cáo Dragon Capital cho biết, Quỹ VEIL phân bổ vốn như sau: 1,1% vốn của Quỹ rót vào cổ phiếu OTC, 1,2% vốn rót vào cổ phiếu tư nhân, tiền và tương đương tiền 1,6% vốn, còn lại đầu tư cổ phiếu niêm yết/phái sinh. Nếu xét theo ngành, F&B mà cụ thể là Vinamilk là ngành được rót vốn nhiều nhất, chiếm 29,8%..

Đối với quỹ VGF, quỹ đầu tư lớn có quy mô 270 triệu USD, NAV tới cuối tháng 5 đạt 21,32 USD/chứng chỉ quỹ, tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 24,5% so với đầu năm. Mức tăng của VGF trong tháng 5 thấp hơn so với VN-Index là do các khoản đầu tư vào MSN, HAG... cho hiệu quả thấp.

Theo báo cáo của Dragon Capital, giá của MSN đã gần như không thay đổi kể từ đầu năm 2013. Với HAG, do tổ chức phi chính phủ lên tiếng cảnh báo về các dự án của HAG ở Lào, Campuchia, nhà đầu tư có lý do để lo ngại.

khó khăn nhất của năm 2013. Được biết, công ty mẹ Dragon Capital Group cũng nắm 30% cổ phần của tòa nhà một nhóm nhà đầu tư do Warburg Pincus làm đại diện, chi 200 triệu USD mua 20% cổ phần của hệ thống trung tâm thương mại Vincom Retail thuộc Vingroup.

So với quy mô của Quỹ VEIL và Quỹ VGF, Quỹ VPF khá nhỏ, với giá trị tài sản ròng hiện chỉ ở mức 64 triệu USD. Trong đó khoảng 35% là tiền mặt, 12% là cổ phiếu bất động sản và 1/2 là đầu tư vào các dự án bất động sản. Xét thời điểm gần hơn, từ 6-13/6/2013, Quỹ VEIL và VGF có đôi chút thay đổi so với cuối tháng 5.

Top 5 khoản đầu tư chiếm NAV lớn của VEIL là VNM (31,19%), Masan (15,15%), ACB (9,23%) REE (7,52%) và HPG (5,88%). Ở VGF, top 5 thuộc về VNM (40,38%), MSN (18,32%), REE (4,98%), DPM (4,19%), HAG (3,97%).

Chiến lược đầu tư của các quỹ thuộc Dragon Capital là đầu tư lâu dài. Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển kinh doanh Quỹ Đầu tư Dragon Capital, từng chia sẻ: "Các quỹ đầu tư của chúng tôi cam kết đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp Việt Nam với thời gian nắm giữ trung bình cho mỗi khoản đầu tư là từ 5 đến 7 năm".

Vì thế, cơ cấu danh mục thường ít biến động. Tuy nhiên, thị trường từng chứng kiến các hoạt động mua bán rất sôi nổi và đáng chú ý của Dragon Capital. Thương vụ nổi đình nổi đám của Dragon Capital trong năm 2011 là bán lại hơn 61 triệu cổ phiếu Sacombank (STB) sau 10 năm nắm giữ.

Theo thông tin báo chí đăng tải thì VEIL đã thu về hơn 40 triệu USD từ bán cổ phiếu Sacombank. Thương vụ này đã giúp VEIL ghi nhận lãi nhưng không quá cao.

Trước đó, năm 2010, Dragon Capital cũng gây chú ý cho thị trường khi chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Dragon Capital tại dự án liên doanh khai thác mỏ Núi Pháo (Nuiphaovica) cho Massan. Cả hai không tiết lộ số tiền chuyển nhượng nhưng theo các thông tin không chính thức, đây là khoản chuyển nhượng không sinh lời.

Ngoài hai giao dịch kể trên, các quỹ của Dragon Capital cũng tiến hành những giao dịch, như năm 2011, các quỹ của Dragon Capital đã rút vốn khỏi Coteccons (CTD) Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật( IJC).

Không có thông tin về lời lỗ ở các khoản đầu tư này nhưng căn cứ vào diễn biến giá cổ phiếu ở thời điểm các quỹ Dragon Capital đăng ký bán ra, việc rút vốn ở CTD, IJC không tạo lãi lớn. Thậm chí, có khoản đầu tư, Dragon Capital còn chịu lỗ.

Theo báo cáo của Dragon Capital, trong tháng 2/2012, Quỹ VPF đã đạt được thỏa thuận bán cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (SJS) cho một nhà đầu tư trong nước.

Trên cơ sở đánh giá những tranh chấp ở SJS có thể gây ra những thiệt hại không kiểm soát, Quỹ VPF đã đồng ý bán cổ phiếu SJS với giá thấp hơn 15% so với giá thực hiện vào ngày giao dịch và chịu lỗ 45% so với giá vốn ban đầu. Ở thời điểm cuối tháng 1/2012, cổ phiếu SJS là một trong những khoản đầu tư lớn của VPF, chiếm 3,58% NAV của quỹ này.

Dragon Capital là một trong những quỹ có mặt sớm nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là quỹ có những hoạt động tích cực và quy mô vốn lớn.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, cho đến thời điểm hiện tại, dựa trên các thương vụ mua bán của Dragon Capital, các quỹ của Dragon Capital dường như đã hoạt động không thực sự thành công hay đạt hiệu quả như mong đợi. Dù vậy, sự xuất hiện và bám trụ của các quỹ thuộc Dragon Capital đã mang đến nhiều ý nghĩa cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các thương vụ hời của quỹ đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO