Bên thứ ba đứng giữa… ngã ba

NHÓM PHÓNG VIÊN| 23/02/2012 03:53

Kết quả tranh chấp giữa Công ty TNHH Thương mại Thủy Lộc và Công ty TNHH Mỹ phẩm Shiseido Việt Nam phải chờ đợi phán quyết từ Tòa án Nhân dân TP.HCM. Trong khi mọi việc chưa ngã ngũ thì những tổn hại trước mắt thuộc về các chủ cửa hàng kinh doanh sản phẩm Shiseido và họ sẽ có thêm một bài học đắt giá về ràng buộc pháp lý giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài.

Bên thứ ba đứng giữa… ngã ba

Kết quả tranh chấp giữa Công ty TNHH Thương mại Thủy Lộc (TL) và Công ty TNHH Mỹ phẩm Shiseido Việt Nam (SCV) phải chờ đợi phán quyết từ Tòa án Nhân dân TP.HCM. Trong khi mọi việc chưa ngã ngũ thì những tổn hại trước mắt thuộc về các chủ cửa hàng kinh doanh sản phẩm Shiseido và họ sẽ có thêm một bài học đắt giá về ràng buộc pháp lý giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài.

>>Dứt tình, chưa dứt tiền

Tranh chấp giữa SCV và TL khiến nhiều cửa hàng Shiseido phải đóng cửa - Ảnh: Quý Hòa

* Bà Thu Sơn (115 Calmette, P. Nguyễn Thái Bình, Q.1, có 4 cửa hàng góp vốn): Chúng tôi chỉ muốn biết tiền đầu tư của mình ở đâu!

- Cùng là một người quản lý điều hành, khi SCV tham gia bán lẻ, họ đã làm cho các cửa hàng của chúng tôi giảm doanh thu và thua lỗ, trong khi đó, các cửa hàng mà TL chuyển giao thành 100% vốn SCV tăng trưởng ngoạn mục.

Khi chúng tôi muốn tìm hiểu bản chất của vụ việc thì cả hai bên đều nói “bảo mật vụ mua bán này”. Chúng tôi là bên thứ ba có quyền lợi liên quan chỉ muốn biết tiền đầu tư của mình đang ở đâu trong mối quan hệ của SCV và TL?

Họ đẩy trách nhiệm qua lại, không cho chúng tôi biết sự việc nên sự thể mới đi đến kết cục của ngày hôm nay.

Hợp đồng của chúng tôi chỉ hết hạn khi TL không còn là đại lý độc quyền của Shiseido. SCV trong cuộc họp báo phủ nhận không liên quan đến chúng tôi, chỉ biết TL. Nhưng thực chất chúng tôi đã có ý kiến, thư từ qua lại với SCV từ tháng 3/2011 đến nay.

Mỗi lần làm việc, SCV cử những luật sư khác nhau và cuối cùng là bốn buổi làm việc với luật sư Trương Thị Hòa. Chúng tôi gặp ông Tatsuki Nagao, Tổng giám đốc SCV và bà Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Tài chính SCV tại Văn phòng Luật sư Trương Thị Hòa.

Bà Hòa và ông Nagao đều hứa hẹn giải quyết sớm nếu chúng tôi gửi hồ sơ. Sự việc đang tiến triển thì SCV kiện TL ra trọng tài quốc tế và phong tỏa toàn bộ hàng hóa.

Nếu SCV không liên quan, tại sao lại phong tỏa các cửa hàng của chúng tôi? SCV không thể né tránh trách nhiệm trong việc điều hành bán lẻ làm thua lỗ các cửa hàng của chúng tôi rồi phủi tay như vậy.

* Bà Nguyễn Thị Minh Tâm (758/33 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q. Bình Thạnh): Vốn liếng của chúng tôi bị phong tỏa hai năm nay!

- Vừa qua, TL có gửi cho tôi một bản photo quyết định do ông Nguyễn Công Phú, Thẩm phán Tòa án Nhân dân TP.HCM ký: Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 08/2012/QĐ-BPKCTT ngày 20/1/2012.

Nội dung của Quyết định này có đề cập đến nhiều cửa hàng, trong đó cửa hàng của tôi (hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Thị Minh Tâm) và 3 cửa hàng có vốn góp kinh doanh của tôi với TL.

Tôi là người có quyền và lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định này nhưng không được Tòa án tống đạt quyết định này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của tôi, tước quyền khiếu nại theo luật của tôi đối với quyết định này.

Thực tế, đầu năm 2012, xét thấy quan hệ giữa TL và SCV ngày một căng thẳng và xấu đi, tôi và các nhà đầu tư góp vốn kinh doanh khác vào hệ thống cửa hàng của TL đã nhiều lần yêu cầu được trực tiếp quản lý cửa hàng của mình và tham gia kiểm soát các cửa hàng có vốn góp của chúng tôi và đã được TL chấp thuận về một số mặt: tự quản lý tiền bán hàng thu được và quản lý hàng hóa ở các hộ kinh doanh cá thể.

Tôi xin tòa án xem xét lại quyết định của Thẩm phán Nguyễn Công Phú vì quyết định này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư, gây thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế, hàng hóa bị tòa án niêm phong không được bảo quản trong điều kiện cho phép.

Mặc dù không có doanh thu nhưng chúng tôi vẫn phải trả tiền mặt bằng và thực hiện các nghĩa vụ thuế. Cộng với đó là số phận của 206 nhân viên các cửa hàng mất việc.

Vốn liếng của chúng tôi đã bị SCV làm thất thoát trong hai năm vừa qua nay lại bị phong tỏa khiến những đồng tiền cuối cùng của chúng tôi đang dẫn đến nguy cơ mất trắng.

* Luật sư Nguyễn Hồng Lâm (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh): Chủ cửa hàng rất khó kiện SCV

- Trong trường hợp các chủ hệ thống cửa hàng khởi kiện SCV tại tòa án thì tòa án rất khó thụ lý, vì giữa SCV và chủ cửa hàng không có giao dịch trực tiếp nào để phát sinh quyền và nghĩa vụ của hai bên.Tòa án sẽ hướng dẫn chủ cửa hàng khởi kiện TL, lúc này SCV sẽ tham gia vụ kiện với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Do giữa SCV và chủ cửa hàng không có quan hệ giao dịch trực tiếp, nên về nguyên tắc SCV không có bất cứ ràng buộc nào với chủ cửa hàng. Tuy nhiên, cần xem xét hợp đồng chuyển giao ký kết giữa SCV và TL.

Nếu trong hợp đồng, SCV có cam kết liên quan đến chủ cửa hàng (ví dụ: SCV sẽ tiếp nhận hệ thống cửa hàng, hoặc SCV sẽ tôn trọng và thực hiện tất cả các hợp đồng đại lý mà TL đã ký kết trước đây...), thì SCV có nghĩa vụ tuân thủ các cam kết này.

Nếu trong hợp đồng chuyển giao không quy định gì về chủ cửa hàng thì đương nhiên SCV không phải chịu trách nhiệm đối với chủ cửa hàng, mà tất cả các tranh chấp (nếu có) sẽ do chủ cửa hàng và TL tự giải quyết.

Lập luận của chủ cửa hàng về quan hệ với SCV, dựa trên các hóa đơn do SCV cung cấp là chưa thật thuyết phục, vì SCV đứng tên trên hóa đơn với tư cách là bên bán hàng, nếu có tranh chấp liên quan đến việc mua bán hàng hóa (theo hóa đơn) thì mới có thể xem xét.

Ở đây là tranh chấp về lĩnh vực khác (hợp đồng đại lý) nên hóa đơn không thể xem là chứng cứ chứng minh cho quan hệ trực tiếp giữa SCV và chủ cửa hàng.

Rõ ràng nếu hợp đồng chuyển giao giữa SCV và TL không quy định về chủ cửa hàng thì TL đã thể hiện sự sơ suất khi ký kết hợp đồng, khiến cho quyền lợi của đối tác của mình (chủ cửa hàng) bị ảnh hưởng.

* Luật sư Nguyễn Đình Hùng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Phú Thọ): Không thể “nhắm mắt” ký hợp đồng

- Khoảng 20 năm về trước, chúng tôi cũng đã từng chứng kiến nhiều “thương vụ” tương tự như câu chuyện của TL và SCV hiện nay. Tuy nhiên, để đưa ra ý kiến hay nhận định về vụ việc, tất cả buộc phải được xem xét, nghiên cứu dựa trên hợp đồng ký kết giữa hai bên.

Do đó, nếu không có những điều kiện cần và đủ như đã nêu, thì không thể nói ai đúng, ai sai được. Song, theo kinh nghiệm tích lũy, tôi cũng nhận thấy rằng, có hai điểm các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý.

Thứ nhất: các doanh nghiệp Việt vẫn chưa có thói quen thuê luật sư tư vấn trước khi đi đến ký kết, hợp tác kinh doanh, đặc biệt là với các đối tác nước ngoài. Theo đó, hầu như tất cả các hợp đồng đều được doanh nghiệp “nhắm mắt” ký. Do đó, thua thiệt sẽ là chuyện đương nhiên.

Đơn cử nhất là các hình thức hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để phân phối hàng hóa, sản phẩm của họ tại thị trường Việt Nam. Thông thường, trường hợp này xảy ra đối với các sản phẩm chưa có mặt tại thị trường Việt Nam, đôi khi sản phẩm đó cũng chưa được ai biết đến nhưng có chất lượng tốt.

Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng ra tổ chức, phân phối hàng hóa. Giai đoạn đầu, phía đối tác sẽ hỗ trợ cung cấp hàng hóa 100%. Song về lâu về dài, họ sẽ đưa người vào cùng quản lý.

Tuy nhiên, nếu có bất kỳ vấn đề tranh chấp nào xảy ra, thì khả năng thua thuộc về nhà phân phối sẽ rất lớn. Bởi khi đàm phán hợp đồng, các doanh nghiệp Việt Nam luôn yếu về vốn lẫn hàng hóa.

Rõ ràng là họ mượn tên mình để làm, nhưng bản thân mình không kỹ lưỡng trong đàm phán, ký kết thì sẽ rất dễ bị “tiền mất, tật mang”. Điều này, chẳng khác nào tiết kiệm tiền “mua sợi dây mũi cho trâu”.

Thứ hai: Trong quan hệ đối tác, đừng quá lệ thuộc theo cách đối tác nói sao nghe vậy. Hay nếu mình làm thuê thì đừng nói là đối tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bên thứ ba đứng giữa… ngã ba
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO