Bán kết khốc liệt

HỒNG NGA - THANH NGÂN| 17/05/2012 00:18

Để đầu tư một điểm mua sắm mới có diện tích khoảng 3.000m2 phải tốn không dưới 50 tỷ đồng. Còn để có lời, một trung tâm điện máy phải tạo ra doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/tháng.

Bán kết khốc liệt

Để đầu tư một điểm mua sắm mới có diện tích khoảng 3.000m2 phải tốn không dưới 50 tỷ đồng. Còn để có lời, một trung tâm điện máy phải tạo ra doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/tháng. Bài toán này thực sự là áp lực “bóp chết” các DN điện máy nhỏ lẻ và thị trường chỉ tồn tại 2-4 DN lớn, nếu không nói là rất lớn.

E-paper

>>"Chết" đột ngột, "sống" bất thường

Ảnh: Quý Hòa

Năm 2011, kinh tế khó khăn đã khiến không ít DN điện máy “ngã ngựa”. Mở màn là sự ra đi của Wonderbuy tại TP.HCM với món nợ 52 tỷ đồng. Tiếp theo đó, trung tâm điện máy Lộc Lê, Hoàng Linh cũng đóng cửa.

Đầu năm 2012, thị trường chứng kiến sự chia tay của hệ thống siêu thị Best Carings. Trong khi đó, nhiều siêu thị điện máy phía Bắc như Trần Anh, Pico... cũng phải thu hẹp mặt bằng.

Một DN kinh doanh điện máy cho biết, hiện nay có không ít các siêu thị tại Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội lâm vào cảnh tài chính rất khó khăn, không có tiền trả tiền thuê mặt bằng, nợ lương, nợ bảo hiểm nhân viên, giảm bớt nhân viên.

Khó khăn là thế nhưng nhiều nhận định cho rằng, năm 2012 càng khó khăn hơn. Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường GFK Việt Nam, doanh số toàn thị trường điện máy Việt Nam tháng 3/2012 đứng ở mức thấp nhất trong 15 tháng gần đây, ước đạt hơn 6.817 tỷ đồng, giảm 35,7% so với thời điểm tháng 1/2012.

Trong đó, sụt giảm mạnh nhất là ngành hàng điện tử (tivi, ampli, đầu đĩa...) với doanh thu toàn thị trường chỉ đạt hơn 869 tỷ đồng trong tháng 3/2012, trong khi tháng 1 là hơn 2.000 tỷ đồng. Sức mua giảm sút nhưng chi phí đầu vào tăng cao, hàng hóa tồn đọng quá lớn dẫn đến các DN không thể tăng giá bán mà phải giảm giá sâu để kích cầu. Đây là một áp lực rất lớn mà các DN điện máy đang đối mặt.

Ảnh: Quý Hòa

Ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc Dienmay.com, cho biết, khó khăn khiến nhiều nhà đầu tư rao bán công ty. Thế nhưng, chưa có vụ nào khớp được với nhà đầu tư.

“Tôi chưa thấy có dấu hiệu các nhà bán lẻ hàng điện máy lớn của nước ngoài vào thị trường Việt Nam trong năm nay và năm sau. Nếu có, chắc họ cũng chỉ thăm dò hay thử nghiệm bán hàng trực tuyến, chứ mở siêu thị cũng chưa chắc chịu nổi sức cạnh tranh”, ông Huân nói.

Các chuyên gia về thị trường cho rằng, cơ hội của ngành hàng điện máy còn rất lớn vì chưa có nhà bán lẻ nào đủ sức nắm giữ đến 20% thị phần. Nhưng cũng vì còn quá nhiều nhà bán lẻ nhỏ lẻ, nên cạnh tranh càng trở nên quyết liệt theo hướng triệt hạ nhau về giá.

Theo phân tích của ông Đinh Anh Huân, để đầu tư một điểm mua sắm mới có diện tích khoảng 3.000m2 phải tốn không dưới 50 tỷ đồng. Trong đó, 30 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng, 20 tỷ đồng cho hàng hóa.

Vì thế, để có lời, một trung tâm điện máy phải tạo ra doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/tháng. Thế nhưng, trong điều kiện này thì con số đó chỉ còn là niềm ao ước.

Những năm trước, cạnh tranh chưa khốc liệt, dung lượng thị trường chưa khai thác hết nhưng năm nay cuộc cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn vì các DN đều muốn tạo chỗ đứng cho riêng mình. “Vì thị trường 5 tỷ USD và vẫn còn phát triển nên người này ra sẽ có người khác vô. Vì thế, việc đóng cửa các siêu thị điện máy là chuyện bình thường”, chủ một DN kinh doanh ngành điện máy nói.

Ảnh: Quý Hòa

Ông Đinh Anh Huân cho rằng, năm 2012 được xem là năm “bán kết” của thị trường này. Có nghĩa là từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ xảy ra cạnh tranh rất gay gắt và qua đó sẽ sàng lọc dần. Và dĩ nhiên, sẽ tiếp tục có những công ty phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh nổi và thua lỗ.

Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường GFK Việt Nam, doanh số toàn thị trường điện máy Việt Nam tháng 3/2012 đứng ở mức thấp nhất trong 15 tháng gần đây, ước đạt hơn 6.817 tỷ đồng, giảm 35,7% so với thời điểm tháng 1/2012.

Cùng nhận định này, ông Trang Hồng Thái, Phó tổng giám đốc chuỗi Siêu thị Điện máy Nội thất Chợ Lớn, khẳng định, hiện thị trường điện máy Việt Nam đang đối mặt với sự khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khi mà nhu cầu tiêu thụ trở nên hạn chế mà chi phí tiếp cận và hậu mãi cho người tiêu dùng lại tăng cao.

Điều này tạo nên thế “cá lớn nuốt cá bé” là chuyện không tránh khỏi. Việc các thương hiệu lớn nhân dịp này, bành trướng hệ thống phân phối nhằm thâu tóm thị trường cũng là điều dễ hiểu. Chính các yếu tố trái ngược này sẽ nhanh chóng cho thấy rõ những “ông lớn” nào thật sự sẽ làm chủ thị trường.

Dù lạc quan với thị trường có dân số trẻ, mãi lực trong ngành bán lẻ được sự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời tới, sức tiêu thụ một số ngành hàng thuộc nhóm sản phẩm vẫn còn còn nhiều tiềm năng nhưng ông Phan Linh Phương cũng cho rằng, trong thời điểm hiện nay, những DN không có tiềm lực mạnh và chiến lược phát triển phù hợp sẽ khó khăn để vượt qua sự khắc nghiệt của thị trường.

Trước bức tranh ảm đạm này, nhiều nhà kinh doanh cho rằng, đến năm 2013, có thể thị trường sẽ hình thành ít nhất 2-4 chuỗi lớn bán lẻ hàng điện máy và chiếm từ 40-50% thị phần. Khi các chuỗi lớn hình thành và mạnh dần thì cơ hội cho các siêu thị riêng lẻ và nhỏ cũng ít dần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bán kết khốc liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO