Bài 3: Doanh nghiệp đầu tư bóng đá phía Bắc: Trầy trật

HOÀI ANH| 07/07/2010 01:04

Bóng đá phía Bắc không thiếu tiền và cũng không hề mặc cảm về truyền thống, nhưng cho tới bây giờ, vẫn chưa có đội bóng nào xây dựng được một thương hiệu mạnh.

Bài 3: Doanh nghiệp đầu tư bóng đá phía Bắc: Trầy trật

Sự thành công của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là điển hình cho phong trào dùng bóng đá để quảng bá thương hiệu ở V-League, và sau này đã có rất nhiều đội bóng đi theo con đường của HAGL, nhưng chỉ có các đội bóng miền Nam mới gặt hái được thành quả thực sự. Bóng đá phía Bắc không thiếu tiền và cũng không hề mặc cảm về truyền thống, nhưng cho tới bây giờ, vẫn chưa có đội bóng nào xây dựng được một thương hiệu mạnh.

Bài 1: Một vốn bốn lời

Bài 2: Tiền không quyết định tất cả

Trong số các đội bóng miền Bắc hiện tại, Hà Nội T&T đang trở thành cái tên hấp dẫn nhất với các cầu thủ nhờ chế độ lương thưởng hậu hĩnh của một ông bầu phóng khoáng, chịu chi. Cũng phải nói rằng, T&T đã được “thơm lây” rất nhiều từ SHB Đà Nẵng, đội bóng đã đoạt cú đúp Vô địch quốc gia và Cúp Quốc gia năm ngoái, nên thương hiệu của T&T càng trở nên có giá hơn.

Vinamilk đầu tư cho bóng đá trẻ

Tuy nhiên, T&T chưa thể có sự trỗi dậy đột biến tới mức trở thành hiện tượng của truyền thông như HAGL thời điểm năm 2000, 2001. Cũng không khó khăn để lý giải điều này, bởi trong 14 đội bóng V-League bây giờ thì có tới xấp xỉ 10 CLB hoặc hơn thế bỏ tiền tỷ hằng năm để duy trì đội bóng, nên chuyện đưa về cầu thủ ngôi sao để phục vụ cho kết quả cũng như thương hiệu của CLB không còn là chuyện lạ.

Tương tự như Hà Nội T&T là Xi măng Hải Phòng (XMHP), đội bóng thành phố cảng cũng được rất nhiều từ khi quay trở lại làm bóng đá từ năm 2008. Trong ba năm gần đây, XMHP xuất hiện với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông, và thậm chí còn trở thành tâm điểm của không ít hãng thông tấn quốc tế với bản hợp đồng chuyển nhượng đình đám với Denilson năm 2009.

Tất nhiên, cái giá để XMHP bỏ ra cho những phi vụ động trời như vậy chẳng hề rẻ, nhưng xét dưới góc độ quảng bá thương hiệu thì XMHP không bao giờ lỗ, chưa kể XMHP vẫn đang là đội bóng có doanh thu từ bán vé tốt nhất, nhì V-League hiện nay (trung bình 1 tỷ đồng/trận đấu trên sân nhà và đã kéo dài như vậy trong suốt ba năm qua). Nếu làm phép toán đơn giản: mỗi năm XMHP có 13 trận đấu trên sân nhà thì CLB này cũng thu về trên dưới 10 tỷ đồng, một con số quá sức ấn tượng.

Không kém cạnh về tiềm lực tài chính so với T&T hay XMHP, nếu không nói là có phần nhỉnh hơn, nhưng Hà Nội ACB và Hòa Phát - Hà Nội lại rất im hơi lặng tiếng, và đôi khi người ta có cảm tưởng như ở Hà Nội chỉ có HN T&T mới là đội bóng thực sự. Từ nhiều năm nay, bóng đá Hà Nội đã không còn là thế lực trên bản đồ bóng đá Việt Nam, và những cái tên như Hà Nội ACB hay Hòa Phát - Hà Nội chỉ được biết tới cùng những mục tiêu khiêm tốn.

Phải chăng vì các ông chủ của Hà Nội ACB hay Hòa Phát - Hà Nội không hề thiếu tiền, và họ cũng không nhờ tới bóng đá để có được thương hiệu như hiện tại, nên họ không cần đánh bóng thương hiệu nhờ làm bóng đá? Vì thế, mức độ đầu tư cho bóng đá của những ông chủ này cũng ở mức vừa phải, và ở Hà Nội ACB hay Hòa Phát - Hà Nội tuyệt nhiên không có chuyện bỏ ra gần chục tỷ đồng chỉ để đổi lấy chữ ký của một cầu thủ.

Sự “dè xẻn” của họ, nếu có thể gọi như thế, cũng không phải hoàn toàn không có cơ sở, vì Hà Nội T&T hay XMHP bỏ ra bao nhiêu tiền như thế nhưng cũng chưa một lần bước lên bục cao nhất, và hình ảnh của họ đôi khi cũng không được tròn trịa vì những sự cố cả khách quan lẫn chủ quan. Thế nên, việc Hòa Phát - Hà Nội hay Hà Nội ACB không hào hứng với việc đổ tiền vào bóng đá để khuếch trương thương hiệu cũng là chuyện bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 3: Doanh nghiệp đầu tư bóng đá phía Bắc: Trầy trật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO