![]() |
Phía sau thành công của những đơn vị phát hành phim và kinh doanh rạp luôn có một bệ đỡ lớn mạnh từ những nhà phát hành và sản xuất phim quốc tế. Nhưng khả năng trụ vững tại thị trường Việt Nam lại đòi hỏi rất nhiều yếu tố và đầu tư vào thị trường phim là một cuộc đua trường vốn.
Phân chia và cát cứ
Được hai hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures (UIP) và Buena Vista International (BVI) ủy thác phát hành phim độc quyền tại Việt Nam, không cần qua cơ chế đấu giá, mua bản quyền chiếu phim, MegaStar làm việc trực tiếp với các studio lớn của Hollywood như Paramount/Dreamwork, Universal, Disney/Pixar...
![]() |
Vì vậy, MegaStar gần như tiếp cận trực tiếp toàn bộ những phim đình đám của Hollywood. Đó chính là lý do vì sao những phim bom tấn chiếu tại Việt Nam, từ Người sắt, Mia Mia cho đến Chạng vạng, Trăng non, Đảo kinh hoàng, Kẻ cắp tia chớp... đều có mặt ở MegaStar đầu tiên. Phải mất hai tuần cho đến một tháng sau đó, những bộ phim này mới có mặt tại hệ thống rạp khác.
Tương tự, Thiên Ngân - Galaxy cũng có lợi thế là chuyên phát hành cho các hãng như Warner Brothers, Columbia Pictures và một số các hãng phim độc lập lớn như Weinstein, Media Asia, Kathy Morgan International... Trong khi đó, hai tập đoàn giải trí CJ và Showbox, nhà phân phối phim hàng đầu của Hàn Quốc đã ký hợp đồng với Lotte Cinema. BHD có lợi thế ở thị trường điện ảnh Hoa ngữ...
Đa phần, những phim do tư nhân nhập về, phát hành đều sau thị trường thế giới không lâu. Có những phim như Mắt đại bàng chỉ ra mắt sau Mỹ đúng một tuần. Khoảng cách thời gian ngày càng được rút ngắn hơn. Đến siêu phẩm Avatar thì thời gian chiếu là cùng lúc với Mỹ.
Nền tảng vững chắc của các đối tác chính là công cụ đắc lực để những nhà đầu tư đủ sức khuynh đảo thị trường giải trí Việt Nam. “Ưu thế của MegaStar cũng như Galaxy trong phân phối phim là rào cản đối với bất kỳ nhà đầu tư nào muốn nhảy vào thị trường phim ảnh tại Việt Nam.
Thực sự phim ảnh không phải là mảnh đất dễ đầu tư dù có tiền”, một nhà đầu tư có kế hoạch xây dựng cụm rạp tại Thủ Đức cho biết. Ông này cuối cùng cũng đành phải bỏ giấc mộng đầu tư phim ảnh sau một năm theo đuổi.
Tiền tỷ và bạc cắc
Tiềm lực mạnh như thế nhưng khi bước vào thị trường Việt Nam, bất cứ đơn vị kinh doanh hệ thống rạp chiếu phim đều phải đối mặt với vấn đề khó khăn nhất là mặt bằng. Mặt bằng đủ rộng để đặt cụm rạp chiếu hiện nay khá hiếm, chủ yếu chỉ đặt ké ở các cao ốc lớn. Điều này khiến chi phí mặt bằng đội lên cao. “Khó khăn về mặt bằng là một trong những lý do khiến Galaxy sau 5 năm mới có thể cho ra đời cụm rạp thứ ba”, ông Phan Tô Hồng Hải cho biết.
Sự xuất hiện cùng lúc quá nhiều rạp chiếu phim khiến miếng bánh thị phần phải xẻ nhỏ trong khi tốc độ nở ra chưa cao. Vì điều này mà tất cả các rạp chiếu đều phải nỗ lực tìm kiếm khán giả mới, nằm trong độ tuổi của học sinh, sinh viên...
Theo một nguồn tin, dù có doanh thu lớn nhưng chi phí khấu hao và vận hành các cụm rạp quá lớn đã khiến một “ông lớn” trong ba năm liên tục, tính từ năm 2006 đến nay, lỗ khoảng 6 triệu USD. Cụm rạp Saigon Paragon Plaza (khai trương Tết Kỷ Sửu 2009 ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM) phải đóng cửa cũng phản ánh mức độ khốc liệt của thị trường này.
Chưa kể chi phí bản quyền, bình quân giá mua một bản phim hiện nay dao động trong khoảng 1.200 - 1.500USD. Vì vừa phát hành, vừa kinh doanh rạp nên chí ít, mỗi đơn vị phải mua 5 - 7 bản phim, phục vụ cho các cụm rạp.
Tính ra, chi phí bỏ ra để có phim chiếu ngốn hết 52 - 60% doanh thu. Vậy mà, đến Lotte Cinema vào suất 21 giờ mới đây, cả rạp lớn chỉ có một đến ba người xem nhưng vẫn phải duy trì hoạt động của suất chiếu dù biết chắc chắn là thu chẳng bằng chi.
Những khó khăn và đòi hỏi lớn về đầu tư khiến những người trong ngành ví von việc kinh doanh rạp chiếu phim hiện nay tuy doanh thu hấp dẫn nhưng vẫn không khác việc đổ núi tiền ra rồi ngày ngày lượm bạc cắc.
Tuy nhiên, đây lại là chiến lược lâu dài vì đáp ứng nhu cầu giải trí xem phim ở rạp của người dân tại Việt Nam hiện nay là quá thấp. Lợi thế về dân số trẻ khiến người đầu tư rất lạc quan ở tương lai. Ông Brian Hall khẳng định, sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp giải trí tại Việt Nam với sự tham gia của tất cả các thành phần từ nhà nước đến tư nhân và nước ngoài sẽ trở nên khốc liệt hơn.