Bài 2: Lần đầu “đi chợ”

DƯƠNG CHI| 27/05/2010 01:00

Các chuyên gia tư vấn ví đi niêm yết ở SCK Mỹ cũng giống như đi chợ ở VN, nếu không chọn đúng “chợ”, sản phẩm niêm yết phải chịu cảnh bán đổ, bán tháo.

Bài 2: Lần đầu “đi chợ”

Các chuyên gia tư vấn ví đi niêm yết ở SCK Mỹ cũng giống như đi chợ ở VN, nếu không chọn đúng “chợ”, sản phẩm niêm yết phải chịu cảnh bán đổ, bán tháo. Nhưng nếu chọn đúng “chợ” rồi mà “bán hàng” không chuyên nghiệp, khách hàng cũng nhanh chóng bỏ đi.

Chọn sàn đúng

Dồn hết tâm huyết để viết cuốn sách Niêm yết sàn Mỹ, hai điều mà TS. Alan Phan đặc biệt chú trọng là chọn đúng SCK để niêm yết và bán hàng hiệu quả.

Nasdaq là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất tại Mỹ với khoảng 3.200 công ty niêm yết, thường là những công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, bán lẻ, viễn thông, dịch vụ tài chính, vận chuyển, truyền thông và công nghệ sinh học

Ông ví von, SCK thực chất là một cái chợ để mua, bán cổ phiếu của công ty. Nếu như ở Sài Gòn có những ngôi chợ kinh doanh chuyên biệt từng chủng loại hàng hóa, thì SCK Mỹ cũng vậy, rất đa dạng. Sàn lớn có Nyse, Nasdaq...; sàn nhỏ có Boston, Chicago... và sàn OTC.

Sàn Nasdaq chuyên dành cho những công ty lớn, công nghệ cao như Intel, Microsoft, Google..., sàn NYSE dành cho những công ty lớn, bền vững như GM, GE...; rồi đến thị trường OTC dành cho những công ty mà thị giá dưới 50 triệu USD. Đây chính là sàn phù hợp với các công ty nhỏ của VN. Những nhà đầu tư ở OTC không thích đầu tư vào công ty lớn, vì họ là những người thích có lợi nhuận cao, nhanh.

Thay vì mua cổ phiếu Microsoft chỉ lời 4 - 5%, thì ở OTC có thể kiếm lợi nhuận hàng trăm phần trăm, nhưng cũng sẵn sàng mất từng đó phần trăm. Vì vậy, một công ty thuộc lĩnh vực điện, nước luôn mang tính ổn định không phù hợp để nhảy vào OTC. OTC hợp với những DN bứt phá về công nghệ, ví dụ có công ty dược đang nghiên cứu một sản phẩm có chức năng ngăn ngừa bệnh AIDS, thì cổ phiếu của nó đang từ 5 cent có thể nhảy vọt lên 5USD. Trong khi đó, khi nhắc đến niêm yết ở Mỹ, hầu như các DN VN chỉ mong muốn lên sàn Nasdaq.

TS. Alan Phan kết luận, DN niêm yết bắt buộc phải biết SCK đó thích hợp với lĩnh vực gì, những nhà đầu tư đến đó thích sản phẩm gì, sự lựa chọn của họ trong quá khứ ra sao... Ông dẫn chứng trường hợp Vinamilk, công ty sữa nổi tiếng ở VN, nhưng khi sang Singapore và Mỹ thì chẳng ai biết vì ở các thị trường này đã có quá nhiều hãng sữa nổi danh. Thành ra, đem một công ty mà lợi thế cạnh tranh là thương hiệu đến một nơi chẳng ai biết đến, thì đương nhiên không được xếp hạng cao ở SCK đó.

Ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon Asset Management (SAM), cho biết, hướng niêm yết tại Mỹ có rất nhiều tiềm năng cho DN VN. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có các nhà tư vấn chuyên nghiệp vì các thủ tục pháp lý rất phức tạp, như tiêu chuẩn hệ thống kế toán, vốn, quy định về công bố thông tin, chi phí và nguồn lực trong việc duy trì niêm yết tại thị trường trong và ngoài nước...

Chẳng hạn, khó khăn lớn nhất đối với các DN VN để tiếp cận thị trường nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng là báo cáo tài chính và việc kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của thế giới có nhiều điểm khác với VN, nên chuyển từ báo cáo kiểm toán của VN sang của quốc tế là một vấn đề không đơn giản.

Để được niêm yết tại Mỹ, DN VN phải có doanh thu tối thiểu 15 triệu USD/năm, lợi nhuận ròng 2 triệu USD/năm. Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính cho biết, không ít DN vội vàng niêm yết trên SCK Mỹ trong khi chưa chuẩn bị kỹ, quy mô DN thì nhỏ, thậm trí đang ở trong tình trạng nợ nần...

Lý do là những DN này đã gặp phải “cò” tư vấn hoặc quỹ đầu tư trục lợi. Vị chuyên gia này cho biết, có một DN ở Phan Thiết nói mới gặp một nhà đầu tư Mỹ hứa sẽ đầu tư 6 tỷ USD vào khu du lịch 5 sao của ông. Nhà đầu tư này còn cho biết, ông ta có mối liên quan mật thiết với ông trùm chứng khoán Mỹ Warren Buffett.

Thấy số tiền đầu tư quá bất hợp lý, vị chuyên gia kia tìm cách kiểm tra thì kết quả chẳng có nhà đầu tư nào có tên như thế ở Mỹ. Theo ông, tư vấn để huy động vốn là rất tốt, nhưng nếu dùng một cá nhân hay đơn vị tư vấn nào phải trả chi phí cao thì phải tìm hiểu thông tin kỹ, hoặc chịu bỏ ra vài chục ngàn USD thuê một công ty thám tử tư bên Mỹ chuyên về điều tra kinh tế truy ra là biết ngay.

Ngoài ra, cũng không loại trừ có quỹ đầu tư trục lợi. Dù biết DN chưa đủ sức thành công khi niêm yết ở Mỹ, nhưng quỹ vấn thuyết phục chủ DN niêm yết và đổi lại họ nhận được một số lượng cổ phiếu quy đổi. Bằng các phương pháp làm giá, thời gian đầu họ sẽ thổi cho giá cổ phiếu lên chút ít, sau đó tìm cách bán hết số cổ phiếu nắm giữ, rồi phủi tay bỏ mặc DN nằm lại trên sàn. Với sức thanh khoản kém, không có đối tác nào cứu, mà DN cứ cố tiếp tục niêm yết tại Mỹ, thì mỗi năm sẽ mất vài trăm ngàn USD mà chẳng được lợi gì. Khá nhiều công ty Trung Quốc sang niêm yết ở Mỹ đã bị như vậy.

Vào Mỹ theo chuẩn Mỹ

Khi quyết định niêm yết tại Mỹ, điều lo lắng đầu tiên là chi phí niêm yết, có thể từ vài trăm ngàn đến 1 - 2 triệu USD, tùy theo hình thức niêm yết. Song, những thách thức lớn lại nằm ở phần hậu niêm yết. DN phải đảm bảo các yêu cầu liên quan đến báo cáo tài chính, quản trị DN, các vấn đề tính thuế quốc tế, quan hệ với nhà đầu tư, tổ chức bộ máy phân phối...

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, nói, yếu tố mà các DN VN thường ít để ý đến là cần phải đảm bảo những nguồn lực thiết yếu để giám sát việc niêm yết và các nghiệp vụ có liên quan sau khi đã niêm yết. Các công ty xin niêm yết cần lưu ý rằng, họ không chỉ phải tuân thủ các yêu cầu về niêm yết tại thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, mà quan trọng hơn là phải tiếp tục đáp ứng được những yêu cầu này và duy trì việc tuân thủ trong suốt quá trình niêm yết.

Như vậy, tuân thủ các chuẩn mực báo cáo tài chính, quản trị DN tốt, các vấn đề quy định tính thuế và mối quan hệ với nhà đầu tư là một trong những điều kiện tiên quyết quan trọng để có thể niêm yết ở sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài thành công.

Lấy Cavico làm ví dụ, trong quá trình chuẩn bị, chỉ còn một bước nữa là Cavico có được vị trí bên bảng giao dịch điện tử của các TTCK cấp cao ở Mỹ, nhưng Công ty đã gặp trở ngại. Do là công ty đầu tiên của VN niêm yết trên TTCK Mỹ, những quy định về tiêu chuẩn kế toán Mỹ (GAAP) và minh bạch thông tin vẫn là những khó khăn lớn nhất cho Cavico cũng như cho bất cứ DN VN nào, đặc biệt là khi Công ty đồng thời niêm yết cả trên TTCK VN và TTCK Mỹ (chuẩn mực kế toán của hai nước vẫn còn nhiều sự khác biệt)...

Muốn bán được cổ phiếu thì phải có một bộ phận phân phối tốt tại Mỹ. Nhưng TS. Alan Phan nói thẳng, bộ phận phân phối ở Mỹ chỉ có một động cơ duy nhất là... tiền. Vì vậy, trước khi thuyết phục nhà đầu tư đầu tư vào cổ phiếu của mình, thì phải thuyết phục bộ phận phân phối trước đã. Chi phí bình quân từ vài trăm ngàn đến cả triệu USD.

Chỉ riêng việc thuê một giám đốc tài chính, chi phí mỗi năm cũng trên 100 ngàn USD. Ví dụ như công ty của ông phải dùng 4 - 5 triệu USD mỗi năm để quảng bá cho cổ phiếu của mình. Nhưng điều này cũng không đáng lo ngại, vì ở Mỹ có những quỹ đầu tư sẵn sàng tài trợ, đổi lại họ nhận được lượng cổ phiếu hậu hĩnh. Nhưng quan trọng là phải làm sao cho họ thấy được tiềm năng và khả năng lên cao của cổ phiếu DN mình.

Vì bất cứ quỹ đầu tư nào cũng nhìn vào tính thanh khoản cao của cổ phiếu mới quyết định đầu tư, do nếu có kẹt thì họ bán tháo đi cũng dễ. Ví dụ một DN bán ra 5 - 6 triệu cổ phiếu/ngày, nếu nhà đầu tư mua 500 ngàn cổ phiếu/ngày thì khi bán ra sẽ rất nhanh, chỉ mất khoảng hai ngày. Còn nếu DN bán ra chỉ 100 ngàn cổ phiếu/ngày, thì phải mất hai tháng nhà đầu tư mới bán hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 2: Lần đầu “đi chợ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO