5 xu hướng phát triển ngành hàng không thế giới 2017

HUỲNH KHÔI/DNSGCT| 28/02/2017 08:31

Ngành hàng không dân dụng thế giới được nhìn nhận có năm 2016 an toàn nhất trong lịch sử khi số lượng tai nạn máy bay giảm rõ rệt và lượng hành khách tăng lên con số 3,7 tỷ lượt.

5 xu hướng phát triển ngành hàng không thế giới 2017

Sau nhiều năm rơi vào tình trạng khó khăn do ảnh hưởng của sự tăng giá nhiên liệu và những tác động của tình hình chính trị toàn cầu, ngành hàng không dân dụng thế giới đã được nhìn nhận có năm 2016 an toàn nhất trong lịch sử khi số lượng tai nạn máy bay đã giảm rõ rệt và lượng hành khách đã tăng lên con số 3,7 tỷ lượt, tăng 6% so với năm 2015.

Đọc E-paper

Ngay từ đầu năm nay đã có những dấu hiệu cho thấy khả năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn của ngành này theo nhiều xu hướng mới.

1. Sự hiện diện của những máy bay siêu thanh

Sau hơn một thập niên kể từ ngày huyền thoại siêu thanh Concorde phải chấm dứt lăn bánh trên đường băng do các sự cố tai nạn liên quan đến kỹ thuật, tham vọng về những chiếc máy bay chở khách có thể đạt vận tốc gấp nhiều lần vận tốc của âm thanh vẫn còn đó.

Richard Branson – ông chủ của Virgin Atlantic (công ty chuyên sản xuất máy bay tại Anh) là một trong những người tỏ ra có quyết tâm nhất khi đã hợp tác với Boom (một công ty khởi nghiệp của Mỹ) để phát triển một thế hệ máy bay chở khách mới mang tên XB-1 đạt tốc độ nhanh nhất thế giới.

Mẫu máy bay đầu tiên của thế hệ mới này được đặt tên là Baby Boom, dự kiến sẽ bay thử vào cuối năm nay, đến trước năm 2023 sẽ thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên.

Baby Boom được công bố là đạt vận tốc gấp 3 lần các máy bay thông thường và nhanh hơn 10% so với Concorde. Theo thiết kế, Baby Boom có thể vận chuyển 40 hành khách và chỉ mất khoảng 3 giờ 15 phút để bay từ London đến New York. Giá vé cho chuyến bay này cũng đã được dự báo vào khoảng 2.500 bảng.

Không đứng bên lề cuộc chơi, hai hãng Boeing và Lockheed Martin cũng phối hợp với nhau thực hiện một dự án để tạo nên những chiếc máy bay dân sự siêu thanh hứa hẹn sẽ đem đến cho ngành vận chuyển hàng không một bước tiến xa về tốc độ trong năm nay.

2. Tiếp tục tăng lợi nhuận

Giá dầu thế giới trong những tháng cuối năm 2016 đã nhúc nhích tăng lại sau một khoảng thời gian dài đi xuống, nhưng các hãng hàng không vẫn tin rằng sẽ tiếp tục duy trì được lợi nhuận cao trong năm 2017.

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA), lợi nhuận của ngành hàng không thế giới trong năm 2016 đã đạt mốc 35,6 tỷ USD, ngang bằng năm 2015 và trong 2017 sẽ là khoảng 29,8 tỷ USD.

Sau nhiều năm vật lộn trong khó khăn để tái cơ cấu từ hình thức đến bộ máy hoạt động, ngành hàng không thế giới hiện đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Tuy nhiên sự tăng trưởng sẽ khó có thể đồng đều trên các khu vực.

Riêng Bắc Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương là 2 khu vực được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong năm nay nhờ sự xuất hiện một làn sóng hợp nhất các hãng hàng không và sự hiện diện ngày càng đông của các hãng hàng không giá rẻ.

3. Phân khúc đường dài sẽ trỗi dậy

Trước sự náo nhiệt trên phân khúc đường bay ngắn do các hãng hàng không giá rẻ tạo ra, phân khúc đường bay dài cũng bắt đầu nhộn nhịp trở lại khi cuộc đua sở hữu đường bay dài nhất giữa các hãng hàng không đang có dấu hiệu ngày càng trở nên sôi nổi.

Hãng hàng không Emirates hiện đang nắm giữ vị trí dẫn đầu với trục đường bay dài 14.200km từ Dubai (Ả Rập Saudi) đến Auckland (Úc) mất 16 giờ 5 phút nếu bay hướng đông và 17 giờ 25 phút nếu bay theo hướng tây.

Trong tháng này, đối thủ của Emirates là Qatar Airways công bố khai trương đường bay không quá cảnh từ Doha đến thành phố lớn nhất của New Zealand với tổng chiều dài đường bay lên đến 15.542km và thời gian bay khoảng từ 17 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút.

Tuy nhiên, nếu xét về độ dài thì đường bay đang khai thác của Air India, khởi hành từ Dehli đến San Francisco đang đứng đầu: 15.300km. Bay qua Thái Bình Dương và nhờ vào lợi thế về gió đuôi nên thời gian bay của chuyến bay này chỉ mất 14 giờ 30 phút.

4. Hàng không chi phí thấp được chú trọng

Nhiều hãng hàng không vốn nổi tiếng bởi những dịch vụ xa hoa đã bắt đầu tập trung vào khai thác mảng phân khúc bình dân hơn bằng việc cho ra đời những hãng thành viên hoạt động theo hình thức hàng không giá rẻ.

Air France đã lên kế hoạch ra mắt một hãng hàng không giá rẻ mới trong năm nay để khai thác khu vực châu Á theo những trục đường bay đến các thành phố của Mỹ. Trước đó, Air France KLM cũng đã có 2 hãng hàng không theo hình thức chi phí thấp là Hop và Transavia hoạt động trong khu vực châu Âu để cạnh tranh với 2 thương hiệu giá rẻ là Ryanair và Easyjet đang “làm mưa làm gió” tại đây.

Sự bùng nổ của hàng không giá rẻ đã giúp cho khu vực châu Á trở thành tâm điểm của thị trường hàng không thế giới trong những năm qua và sự “vươn vòi” của các hãng hàng không châu Âu sẽ là một áp lực mới cho một thị trường vốn có sức cạnh tranh rất khốc liệt.

5. Dịch vụ Premium Economy lên ngôi

Hình thức dịch vụ khoang hạng ghế ngồi trên các chuyến bay của các hãng hàng không trở nên phong phú hơn, đáp ứng sát nhu cầu của hành khách hiện đại. Nổi bật nhất là khoang hạng ghế ngồi mới Premium Economy với tiêu chuẩn dịch vụ cao cấp hơn hạng Economy, nhưng thấp hơn hạng Business.

Hiện tại, tiêu chuẩn của Premium Economy rất khác nhau, tùy theo mức độ cung cấp dịch vụ từ các hãng hàng không, thường tập trung vào diện tích ghế, không gian xung quanh ghế, chất lượng bữa ăn và các nhu cầu giải trí. Tùy theo mức độ cung cấp dịch vụ mà giá vé Premium Economy cũng rất khác nhau.

Nhờ vào sự đáp ứng đúng xu thế tiêu dùng của hành khách (vừa có một chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái nhưng không phải trả số tiền quá cao) nên Premium Economy đang là một phân khúc dịch vụ có tốc độ phát triển mạnh nhất hiện nay.

>Đồng phục tiếp viên – hình ảnh của các hãng hàng không

>10 hãng hàng không an toàn nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 xu hướng phát triển ngành hàng không thế giới 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO