2020 - năm bùng nổ của thương mại điện tử

Minh Hào| 04/01/2021 07:21

Năm 2020, Covid-19 gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và  thương mại điện tử (TMĐT) trở thành hoạt động chiến lược giúp nhiều DN phát triển các kênh phân phối mới an toàn, hiệu quả. TMĐT cũng là một trong những sự kiện tiêu biểu của ngành công thương 2020.

2020 - năm bùng nổ của thương mại điện tử

Khai thông hàng hoá

Năm 2020, có thời điểm dịch Covid-19 khiến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ, thương mại nội địa cũng như quốc tế bị gián đoạn, nhiều DN phải cắt giảm sản xuất kinh doanh, thậm chí đóng cửa, giải thể. Trong bối cảnh đó, TMĐT chính là chất xúc tác thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng và người tiêu dùng nhanh chóng chuyển sang kênh mua sắm trực tuyến. Theo nghiên cứu của Nielsen, từ khi đại dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm trên TMĐT tăng mạnh. Có đến 70% người dân Việt Nam tiếp cận với internet trong năm 2020; 53% người dùng ví điện tử thanh toán khi mua hàng qua mạng, tăng 28% so với năm 2019. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, hoạt động TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm đến 70% giao dịch TMĐT của cả nước.

Trụ vững và dẫn đầu thị trường trong năm qua là “bộ tứ” Lazada, Shopee, Sendo, Tiki. Từ cạnh tranh về khuyến mãi và những sự kiện mua sắm giống hệt nhau lúc ban đầu, đến nay, mỗi sàn đã định hình rõ lối đi riêng. Trong đó, Sendo tập trung vào việc thu hút người dùng mới, Tiki mang đến sự trải nghiệm cho khách hàng trong khi Lazada tập trung vào các hoạt động mua sắm kết hợp giải trí… Không chỉ vậy, các sàn hướng đến việc “nâng niu” khách hàng hơn nhằm tăng độ trung thành và khả năng chịu chi của người tiêu dùng. Tất cả các sàn đều tung ra tính năng livestream trên ứng dụng song song với phát triển cơ sở hạ tầng và cạnh tranh về giao hàng nhanh trong 3 giờ, 2 giờ hoặc thậm chí là 1 giờ. Nhờ vậy mà doanh thu của DN cũng tăng lên đáng kể.

Với hoạt động tích cực và hiệu quả của các sàn TMĐT đã giúp hàng hoá của các DN trong nước được khai thông. Và theo đánh giá của Bộ Công Thương, cùng với các sàn TMĐT, các nền tảng phục vụ cho TMĐT như hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia KeyPay, hệ thống trục điện tử kết nối DN ERP Store, ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday, gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn TMĐT lớn... được khai thác hiệu quả, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho TMĐT của Việt Nam phát triển.

TMDT-3-jpeg-3553-1609714100.jpg

Các sàn TMĐT đã giúp hàng hoá trong nước được khơi thông

Đặc biệt, ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday. Ngày này, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60h, tăng 267% so với cùng kỳ. Các DN sản xuất nằm trong nhóm lớn nhất cả nước đều đưa TMĐT vào chiến lược phát triển dài hạn để đối phó với khủng hoảng và xây dựng kênh phân phối mới. Việt Nam trong năm chủ tịch ASEAN cũng đã chính thức đề xuất và tổ chức thành công sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2020 và được đưa vào lịch trình tổ chức thường niên vào ngày 8/8 hằng năm.

Tăng trưởng xuất khẩu

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Với quy mô dân số lên đến hơn 96 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập internet cao là cơ sở để thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Và trong điều kiện khó khăn thời gian qua, đã có giải pháp tốt nhất để DN tăng cường xuất khẩu là đưa hàng hoá lên các sàn TMĐT quốc tế.

Theo ông Đặng Hồng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giao dịch hàng hoá qua TMĐT tăng từ 10% đến 30%, có đơn vị tăng đến 50%.

TMĐT, nhất là giao dịch online xuyên biên giới đã trở thành kênh quan trọng cho xuất khẩu. Với việc tham gia nền tảng TMĐT B2B, các DN tiếp cận được nhiều khách hàng trên thế giới, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm các chi phí liên quan đến xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu… Hiện các sàn TMĐT lớn của thế giới như Amazon, Alibaba… đã có mặt tại Việt Nam, tiếp cận và giúp DN Việt Nam bán hàng trực tuyến xuyên biên giới.

TMDT-5661-1609714101.jpg

TMĐT xuyên biên giới giúp doanh nghiệp đưa hàng đến với người tiêu dùng thế giới

Để gia tăng xúc tiến thương mại và xuất khẩu qua nền tảng TMĐT, Bộ Công Thương đã kết nối với Amazon Global Selling bằng chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon. Việc tiếp cận được 300 triệu khách hàng trên Amazon là cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam tạo ra bước ngoặc mới cho DN Việt tìm kiếm thị trường, khách hàng mới trên thế giới. Tại đây, rất nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa của Việt Nam đã bước chân ra thị trường nước ngoài, tiếp cận với người tiêu dùng thế giới.

Theo chia sẻ của ông Gijae Seong - Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam, hiện đã có hàng ngàn DN Việt Nam đưa hàng qua kênh TMĐT này.

“Hàng nghìn người bán hàng Việt Nam, từ những thương hiệu lớn và có tiếng như cà phê Trung Nguyên, giày Biti's, đến các nhà sản xuất nội địa hàng đầu như MDK và các công ty khởi nghiệp như Andre Gift Shop và Mary Craft... đều đang mở rộng và phát triển kinh doanh trên toàn cầu thông qua Amazon, tiếp cận tới nhiều khách hàng và từng bước định vị thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế. Trong năm 2020, người bán hàng Việt Nam đã ghi nhận doanh số vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp ba lần so với năm 2019”, ông Gijae Seong cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2020 - năm bùng nổ của thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO