2 mảng màu đối lập trong bức tranh vận tải biển

LA QUANG TRÍ - Giám đốc ShipOffer Corp.| 17/02/2017 08:34

Năm 2016, hầu hết doanh nghiệp vận tải biển có vốn nhà nước trên sàn đều thua lỗ, trong khi các doanh nghiệp tư nhân đang làm ăn có lãi và ngày càng phát triển.

2 mảng màu đối lập trong bức tranh vận tải biển

Vẫn là những báo cáo như những năm trước, năm 2016 hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển có vốn nhà nước trên sàn đều thua lỗ. Vẫn những lý do quen thuộc trong các báo cáo thua lỗ là vì khách quan do thị trường, khó khăn do kinh tế giảm sút, khủng hoảng tài chính kéo dài từ năm 2008 đến nay.  

Đọc E-paper

Đầu tiên có thể kể đến là "cánh chim đầu đàn" ngành hàng hải Việt Nam một thời là VOSCO lỗ liên tục 4 quý, lỗ lũy kế cả năm 2016 là 359 tỷ đồng. Tính lỗ lũy kế các năm trước thì tổng cộng VOSCO lỗ 810 tỷ đồng. Vinaship cũng lỗ liên tiếp 4 quý trong năm 2016 và lỗ lũy kế cả năm 2016 là 99 tỷ đồng. Tính lỗ lũy kế các năm trước cộng lại là hơn 205 tỷ đồng. Vitranschart năm 2016 lỗ hơn 172 tỷ đồng, lũy kế từ các năm trước là hơn 1075 tỷ đồng. NOSCO năm 2016 lỗ hơn 119 tỷ đồng, lũy kế các năm trước tổng cộng lỗ 334.7 tỷ đồng. Tổng công ty Vinalines mới công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, lỗ 521 tỷ.

Có thể thấy, tuy đây là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm áp đảo phần vốn và thường là trên 50%. Do đó, về bản chất, doanh nghiệp vận hành như những năm chưa cổ phần, việc bố trí nhân sự, tổ chức khai thác không khác gì lúc còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trách nhiệm của mỗi cá nhân và năng lực làm việc của lãnh đạo doanh nghiệp cũng chỉ ở mức tầm tầm như thời gian trước đó.

Chính vì tuyển dụng, bố trí và quản lý nhân sự như cách cũ nên nhân viên khai thác vẫn làm việc hời hợt, vô trách nhiệm với đồng vốn doanh nghiệp bỏ ra. Hơn nữa, vẫn có lãnh đạo quá xem trọng tư lợi, không quan tâm đến lợi ích thiết thực, sự tồn tại của doanh nghiệp.

>>Cổ phần hóa DNNN: Bên mặn, bên ngọt

Một nguyên nhân nữa không thể không nhắc đến đó là khi thị trường vận tải biển tăng cao những năm 2008 trở về trước, các doanh nghiệp nói trên thi đua sắm tàu với vốn đầu tư quá lớn. Vào thời điểm ấy, cước vận chuyển cao, hàng hóa phong phú nên giá mua tàu rất cao. Sắm tàu lúc giá tàu ở mức đỉnh và đưa vào khai thác khi thị trường đổ dốc, chưa kể hầu hết các tàu đều được mua quá giá trị thực rất nhiều nên càng ảnh hưởng đến tình trạng kinh doanh mãi cho đến bây giờ.

Tuy nhiên, cũng cần xét ở một khía cạnh khác, đúng là thị trường vận tải biển những năm gần đây sụt giảm liên tục khiến những doanh nghiệp lớn càng lâm vào thua lỗ.

Nhưng có tín hiệu vui là dù rất khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vận tải biển đang làm ăn có lãi và ngày càng phát triển. Có những công ty mở rộng đội tàu, mua lại các tàu của các công ty nhà nước đã cổ phần, từng là những tàu làm cho họ thua lỗ trầm trọng.

Hơn nữa, cũng các tàu của doanh nghiệp thua lỗ như trên đã nói, khi cho thuê để khai thác thì lại mang nhiều lợi nhuận cho các đối tác nước ngoài đó. Đây là một dấu hỏi lớn về trình độ quản lý, cách thức kinh doanh, bố trí cán bộ, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thua lỗ đã nêu trên.

>>Vận tải biển thế giới: "Đắm tàu" vì Trung Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2 mảng màu đối lập trong bức tranh vận tải biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO