Dù việc siết chặt kinh doanh vàng miếng theo quy định của Nghị định 24/2014/NĐ-CP, nhưng nhờ kinh doanh nữ trang vẫn tăng trưởng khá mạnh, nên lợi nhuận của các "đại gia" trong lĩnh vực này vẫn ổn.
Đọc E-paper
Có thể nói, sau một thời gian chấn chỉnh thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), niềm tin của người dân dần được củng cố. Thị trường vàng giảm bớt sự bát nháo khi các quy định của Nghị định 24 đi vào thực tiễn. Bên cạnh những cái được đòi hỏi có sự hy sinh của không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực này, và cái lợi lớn nhất sẽ thuộc về các "đại gia" ngành vàng.
Vì những doanh nghiệp lớn có sự đầu tư kỹ về công nghệ, dây chuyền sản xuất nữ trang nên khi mảng kinh doanh vàng miếng bị thu hẹp, họ sẽ dễ dàng chuyển hướng tăng doanh thu từ mảng nữ trang - vốn dĩ cũng là năng lực cốt lõi có sẵn.
Một số tên tuổi nổi bật như SJC, PNJ... vẫn đạt được kết quả khả quan khi doanh thu và lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng giám, một phần nhờ thị phần kinh doanh nữ trang ổn định.
Mặc dù mảng kinh doanh vàng miếng của PNJ giảm 33% trong 6 tháng đầu năm nay do nhu cầu mua vàng miếng giảm so với nửa đầu năm 2013, nhưng phân khúc bán lẻ vàng trang sức của PNJ tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhờ đó, doanh thu thuần hợp nhất chưa tính đóng góp của Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) (hay doanh thu thuần của công ty mẹ) giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ, xuống 3.625 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng sau thuế của PNJ vẫn tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2013 lên 124 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ 6 tháng đầu năm 2014, biên lợi nhuận gộp tăng lên 10,6% so với mức 7,9% trong cùng kỳ năm 2013.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bản Việt, việc kinh doanh vàng miếng giảm nên tỷ trọng đóng góp của phân khúc này cho lợi nhuận gộp PNJ sẽ giảm từ 2,7% trong năm 2013 xuống 1,5% trong năm 2014.
Nhưng bù lại, 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của lĩnh vực bán lẻ nữ trang PNJ tăng là nhờ nỗ lực của ban lãnh đạo trong việc tái cấu trúc quy trình bán hàng và thiết kế sản phẩm, cũng như tối ưu hóa dòng sản phẩm và sản xuất lại các mẫu mã bán chạy để tránh mất doanh số.
Kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tốt với biên lợi nhuận gộp cải thiện sẽ là yếu tố chính giúp EPS của cổ phiếu PNJ có CAGR là 29% trong giai đoạn năm 2014 - 2018. Đồng thời, tăng trưởng của biên lợi nhuận gộp trong phân khúc bán lẻ có đóng góp to lớn đối với mức tăng trưởng biên lợi nhuận gộp của công ty mẹ PNJ.
Vì thế, dự báo, trong năm 2014, biên lợi nhuận gộp của phân khúc bán lẻ PNJ sẽ tăng 0,5% lên 28%, kết quả này có được là nhờ phân khúc bán lẻ vàng trang sức tăng 0,8% lên 25,8% nhờ vào cơ cấu sản phẩm có biên lợi nhuận cao.
Nhà đầu tư không lo mất phần
Đại diện SJC cũng cho biết, doanh thu của Công ty giảm khoảng 50% trong 2 quý vừa qua, do sức mua vàng miếng trên thị trường giảm. Bên cạnh đó, nguồn lợi thu về từ gia công vàng miếng 6 tháng đầu năm nay cũng không còn, do NHNN không đặt hàng.
SJC cho biết, mặc dù doanh thu từ vàng miếng giảm, do mãi lực yếu, nhưng bù lại mảng kinh doanh nữ trang vẫn đem lại lợi nhuận khá ổn định cho Công ty 2 quý qua, phần lớn, do thị phần và thương hiệu nữ trang của PNJ vẫn chiếm ưu thế trên thị trường hiện nay.
Tuy không được đa dạng về sản phẩm, mẫu mã như một số thương hiệu nữ trang khác (PNJ, Doji), nhưng nữ trang vàng của SJC được nhiều người lựa chọn, nhất là đối với khách hàng ở các tỉnh, thành rất chuộng nữ trang SJC.
Khi trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ cho biết, kinh doanh cốt lõi của PNJ lâu nay là sản xuất - kinh doanh nữ trang. Không phải đến thời điểm này, mà từ rất lâu, kinh doanh vàng của Công ty đã thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế.
Do vậy, việc áp dụng quy định mới đối với vàng nữ trang không ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh của PNJ. Ngược lại, sẽ có nhiều người tiêu dùng lựa chọn nữ trang của doanh nghiệp có uy tín thương hiệu trên thị trường.
Chủ trương của PNJ là tiếp tục tập trung vào sản xuất, kinh doanh nữ trang. Nhà máy mới sản xuất nữ trang đã được hình thành vào cuối năm 2012 tại Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TP.HCM, với quy mô và các tiêu chuẩn quốc tế chính là lợi thế cho PNJ trong việc phát triển mảng năng lực lõi.
Đồng thời, để đáp ứng được các tiêu chuẩn theo chuẩn mực quốc tế, PNJ đang tái cơ cấu hệ thống quản trị và bộ máy điều hành để giữ vững vị trí số 1 trên thị trường. Trước tình hình chung của nền kinh tế được dự báo vẫn chưa thực sự khởi sắc năm nay, nhưng với sức mạnh vốn có, PNJ vẫn mạnh dạn đưa ra kế hoạch doanh thu trang sức tăng lên 21%, lợi nhuận tăng 21%, cổ tức đảm bảo mức 20%.
Thực tế, nhiều năm qua, thị trường không có chuẩn chung cho vàng nữ trang. Tình trạng ăn gian tuổi vàng khiến người tiêu dùng bị thiệt hại, mà không có cơ sở để đòi quyền lợi. Khi Thông tư 22 đi vào thực tiễn được đánh giá là sát sườn trong việc đo lường, tổ chức quản lý chất lượng vàng trang sức, đồng thời hạn chế được tình trạng chất lượng vàng mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một giá.
Việc áp dụng Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ kể từ ngày 1/6 vừa qua không chỉ đem lại quyền lợi cho người tiêu dùng mà đó cũng là lợi thế cho các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường vàng.
Được biết, các doanh nghiệp lớn về nữ trang chiếm khoảng 20% thị phần; 80% số nữ trang còn lại, chất lượng khó kiểm soát, trong đó có nữ trang nhập lậu. Nói như các chuyên gia lĩnh vực vàng, với thị trường Việt Nam, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trang sức vẫn còn nhiều dư địa để khai thác.