Hai năm qua với nhiều đợt dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ tư gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế và phần lớn doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh đó, không ít doanh nghiệp đã vượt khó, thậm chí còn tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội. Thông thường, khi gặp khủng hoảng, doanh nghiệp bình thường gặp khó, doanh nghiệp tốt vẫn bình thường, doanh nghiệp lớn trở nên vượt trội.
Bằng cách nào doanh nghiệp lớn luôn tạo được lợi thế cạnh tranh vượt trội khi rất nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn? Có thể dễ dàng nhận thấy họ có khả năng nhận diện đúng xu hướng mới, có đội ngũ năng động và thích ứng linh hoạt để biến nguy cơ thành cơ hội và quan trọng hơn là họ đã nhìn thấy trước các rủi ro và luôn dự liệu mọi tình huống để thích ứng. Chẳng hạn, trong khi nhiều doanh nghiệp không sản xuất được thì họ vẫn duy trì sản xuất tốt nên đơn hàng dồn về phía họ, nhiều doanh nghiệp không phân phối hàng được thì họ vẫn tìm cách phân phối tốt hàng hóa, trong khi nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng do đặc thù ngành bị ảnh hưởng thì họ nhanh chóng chuyển đổi sang lĩnh vực mà thị trường có nhu cầu lớn.
Sâu xa của sự vượt trội đó là triết lý kinh doanh. Kinh doanh theo đuổi giá trị mang lợi ích cho đối tác, tức đôi bên cùng có lợi (win-win) thì khi gặp khó khăn, đối tác luôn sẵn lòng giúp đỡ. Bởi vì giúp đỡ mình chính là giúp đỡ họ. Theo triết lý đó mà doanh nghiệp gặp may mắn khi phải đối mặt với các vấn đề trục trặc. May mắn chỉ đến với doanh nghiệp kinh doanh vì lợi ích của nhiều bên, gọi là đạo đức trong kinh doanh.
Kinh doanh chân chính là biện pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro. Triết lý chân chính biểu hiện qua việc cạnh tranh dựa trên việc tạo giá trị tốt để nhận lợi ích từ khách hàng. Không thực hiện các hành vi lừa gạt để kiếm tiền hoặc dùng thủ thuật, chiêu trò với đối tác để tìm kiếm lợi nhuận. Khi doanh nghiệp theo đuổi mục đích lợi nhuận bằng mọi giá sẽ phải trả giá.
Chẳng hạn như hành vi trốn thuế sẽ bị phạt và truy thu thuế, lừa dối khách hàng sẽ bị mất khách hàng, chỉ biết lợi ích về mình trong hợp tác với đối tác thì sẽ không có đối tác tiềm năng. Những doanh nghiệp theo đuổi triết lý kinh doanh chân chính giảm thiểu rất nhiều rủi ro trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 hai năm qua.
Doanh nhân chân chính luôn thực hiện tốt nhất sứ mệnh mang lại giá trị cho khách hàng. Họ luôn chăm sóc tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp bị mất lao động, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp giữ được lao động ổn định và phát huy được tính sáng tạo của họ. Đó là những doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ an sinh đối với người lao động, luôn quan tâm đến đời sống, sức khỏe của người lao động và gia đình họ để họ yên tâm làm việc. Nhờ vậy mà doanh nghiệp tạo được lợi thế vượt trội khi rất nhiều đối thủ cạnh tranh không sản xuất được vì thiếu lao động.
Doanh nhân chân chính thường rất quý trọng sự học. Nêu gương tinh thần học tập sẽ thúc đẩy đội ngũ do họ lãnh đạo đề cao tinh thần ham học hỏi. Nhờ vậy, họ quy tụ được nhân tài và người lao động nhanh chóng tiếp cận được cái mới để cải tiến hoặc sáng tạo ra những giá trị cạnh tranh vượt trội. Khi doanh nghiệp bình thường còn loay hoay giải quyết các sự vụ phát sinh thì doanh nghiệp có nhân sự giỏi tập trung sáng tạo cái mới để vươn lên. Nhờ vậy mà họ tạo được lợi thế ngay cả trong khủng hoảng.
Khi kinh doanh với khát vọng kiến tạo giá trị cho đời sẽ thúc đẩy doanh nhân cần mẫn, tập trung vào sáng tạo. Nhờ vậy, họ nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, phương pháp mới và kết nối được các nguồn lực phục vụ cho sự sáng tạo, trong khi nhiều người vẫn loay hoay với những gì đang có.
Pháp luật luôn bảo vệ cách làm ăn chân chính, cách kiếm tiền tạo thêm giá trị cho khách hàng và xã hội. Nếu kiếm tiền không bằng con đường đó thì sẽ gặp rủi ro. Thế nhưng, không ít người vẫn quan niệm kinh doanh là phải giỏi chạy chọt, luồn lách, quan hệ mới tạo được lợi thế và kiếm tiền nhanh. Trên thực tế cũng có không ít người lựa chọn con đường đó để kinh doanh và cũng kiếm được nhiều tiền, nhưng chắc chắn là không bền và luôn cảm thấy bất an.
Hai năm xảy ra đại dịch, tất cả đã thay đổi từ hành vi tiêu dùng, công nghệ đến chính sách. Theo đó, xuất hiện nhiều xu hướng mới, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng không ít doanh nghiệp vượt khó, vươn lên và tạo được lợi thế cạnh tranh vượt trội. Có rất nhiều yếu tố làm nên điều ấy, trong đó triết lý làm ăn chân chính là phương châm xuyên suốt.