![]() |
Hai năm du học ở Mỹ, về nước lại tiếp tục theo đuổi hàng chục khóa đào tạo, Giám đốc đối ngoại Công ty Coca Cola - Lê Văn Khôi quan niệm: “Học không chỉ trang bị kiến thức cho riêng mình mà để chia sẻ”.
![]() |
Anh Lê Văn Khôi tại một buổi huấn luyện kỹ năng cho sinh viên ĐaÅi học Cần Thơ |
Từng đứng lớp huấn luyện cho sinh viên các khóa kỹ năng, anh giải thích: “Trước thực tế nhiều sinh viên Việt Nam ra trường không đủ cả chuyên môn tay nghề lẫn các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu làm việc tại các công ty và doanh nghiệp, tôi chỉ muốn chia sẻ những điều mình đã có như một kinh nghiệm hữu ích cho công việc họ đang làm. Ít ra, những điều ấy “không đủ chín nồi cơm” nhưng cũng làm “đỏ lửa” cho người đi học.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, cả 8 anh em của Giám đốc Lê Văn Khôi đều được học hành đến nơi đến chốn. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, anh nối nghiệp cha làm giáo viên dạy môn tiếng Anh tại trường Đồng Khánh (Huế). Năm 1993, khi chương trình học bổng Fulbright (Mỹ) nối lại với Việt Nam, anh đã đăng ký dự thi và được du học tại Mỹ ngành Quản trị công quyền.
Tại đây, anh được học rất nhiều môn như kỹ năng phân tích, hoạch định chính sách, thực hiện chính sách, ban hành quyết định... trong đó, môn hoạt động lãnh đạo được anh đặc biệt quan tâm. Anh khẳng định, người lãnh đạo trước hết phải có kỹ năng phân tích, hoạch định một chính sách tốt rồi mới nói đến chuyện quản lý.
Do đó, những kỹ năng được đào tạo trong chuyên ngành này rất bổ ích và thiết thực với công việc của anh sau này. Anh cho biết: “Cái hay của phương pháp đào tạo ở nước ngoài là họ luôn đặt học viên vào những tình huống thực tế để buộc họ phải tìm cách giải quyết vấn đề.
Có thể nói, thời gian làm bài tập, tìm tòi tư liệu, tự học ở thư viện của học viên nhiều hơn cả giờ học lý thuyết trên lớp. Do phải chủ động tìm tòi nên những bài tập này kích thích sự sáng tạo, óc phân tích của học viên, giúp họ “nhanh khôn” hơn và tham gia quá trình học tích cực hơn.
Chẳng hạn, khi học về kỹ năng hoạch định chính sách, chúng tôi được đặt vào vai trò người lãnh đạo, làm bài tập phân tích chính sách kinh tế của chính phủ Mỹ đang áp dụng lúc đó có điểm nào đúng, sai.
Sau khi tìm hiểu, phân tích, đánh giá để đưa ra một chính sách phù hợp hơn, cũng là lúc chúng tôi đã hiểu rất nhiều, rất sâu các khái niệm và chính sách đang thực thi tại Mỹ lúc đó”.
Nhờ những kiến thức và kỹ năng được đào tạo từ nước ngoài, khi về Coca Cola Việt Nam, Lê Văn Khôi đã nhanh chóng hòa nhập vào môi trường làm việc của một công ty nước ngoài.
Ở cương vị giám đốc, anh thường xuyên có mặt trong các buổi đào tạo, huấn luyện kỹ năng làm việc do công ty tổ chức hoặc tham gia giảng dạy một số kỹ năng cần thiết như thuyết trình, ban hành quyết định, thực hiện dự án... cho sinh viên các trường đại học sắp tốt nghiệp.
Anh chia sẻ: “Truyền đạt kiến thức cho người khác là cách học thông minh nhất cho mình” vì không chỉ ôn lại kiến thức cũ, luyện thêm nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng nói và truyền đạt thông tin, người giảng còn được trao đổi thông tin hai chiều, trau dồi thêm kiến thức từ những thắc mắc của học viên.
Các chương trình huấn luyện của Coca Cola do anh và đồng nghiệp tổ chức đều áp dụng phương pháp đào tạo ở nước ngoài, dựa trên các tình huống thực tế.
Chẳng hạn, chương trình huấn luyện phương pháp làm việc theo nhóm không rao giảng lý thuyết khô khan, không ngồi học cứng nhắc trong lớp, không bàn ghế mà bằng những tình huống giả định thực tế đầy “cấp bách”, buộc mọi người muốn vượt qua chỉ có một cách duy nhất là cùng sát cánh bên nhau.
Để các buổi huấn luyện không rơi vào tình trạng nhàm chán, mới đây anh và đồng nghiệp đã thực hiện một phương pháp huấn luyện mới cho nhân viên công ty: Huấn luyện thông qua các trò chơi.
Anh mô tả: Đội hình được chia làm ba nhóm, mỗi nhóm có 5 người, trong đó 3 người lãnh đạo đưa ra kế hoạch, 2 người thực hiện nhưng một người bị câm, một người bị điếc. Trên đường thực hiện mệnh lệnh có rất nhiều chướng ngại vật nhưng 2 nhân viên này chỉ có một sợi dây để truyền thông tin cho nhau nên rất khó khăn và không đi đến đích.
Toàn bộ trò chơi được quay phim, sau đó đem chiếu lên màn hình để mọi người mổ xẻ, phân tích. Những cảnh quay chậm, không bỏ sót bất cứ chi tiết, cử chỉ nào đã cho mọi người thấy được điểm mạnh, điểm yếu của các nhóm, hiểu ra một thông điệp: Trong quá trình làm việc, nếu những người lãnh đạo không thống nhất, nhân viên thực hiện mệnh lệnh không được thông tin rõ ràng với nhau thì rất khó đi đến thành công.
Tất cả những bài tập huấn luyện dạng này giúp nhân viên biết đoàn kết hơn, hiểu được nguyên tắc làm việc theo nhóm, cách lên kế hoạch và truyền thông tin trong tổ chức.
Làm việc với lãnh đạo các công ty đa quốc gia, anh Khôi cho biết mình đã học được rất nhiều điều ở các vị này như tác phong làm việc, giờ giấc, cách ứng xử, các “chiêu thức” động viên và kích thích sự làm việc của nhân viên...
Một trong những bài học anh tâm đắc khi làm việc ở Coca Cola, là khi đưa ra kế hoạch gì cũng phải nghĩ ra ít nhất 3 phương án thực hiện. Sau khi được sếp cùng trao đổi, chọn lựa, phản biện, nếu ai bảo vệ thuyết phục cho phương án của mình thì phương án đó mới được thực hiện...
Hơn 9 năm làm việc ở công ty nước ngoài, mỗi ngày học được một ít từ công việc thực tế, Giám đốc Khôi lại chia sẻ với học viên và đồng nghiệp vì với anh, “cho đi kiến thức cũng là để nhận về”.