Kiến nghị xây dựng Trung tâm Logistics Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên tại An Giang
Sáng 25/12, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét, hỗ trợ An Giang thực hiện đầu tư dự án Trung tâm Logistics Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên.
Theo đó, dự án Trung tâm Logistics Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, thuộc phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) có diện tích khoảng 25,1 ha; trong đó, diện tích đất sạch do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang quản lý khoảng 16,26 ha và phần diện tích mặt nước khoảng 8,84 ha làm âu thuyền do địa phương quản lý), với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 239 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương. Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến năm 2027.
UBND tỉnh An Giang cho biết, việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng trung tâm tập kết trung chuyển hàng hóa, các loại hình dịch vụ logistics tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên nhằm tận dụng tối đa ưu thế phát triển logistics, thương mại, dịch vụ tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên; phát huy vai trò của các cửa khẩu quốc tế trong việc kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), đẩy mạnh giao thương, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, du lịch và dịch vụ, phát triển kinh tế biên giới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Được đánh giá có nhiều ưu thế cạnh tranh trong xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam-Campuchia thông qua các cặp cửa khẩu, tỉnh An Giang có đường biên giới dài khoảng 100km, tiếp giáp hai tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia) với 2 Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương; 2 cửa khẩu chính là Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông và 1 cửa khẩu phụ Bắc Đai. Ðây còn là cửa ngõ để hàng hóa trong nước tiếp cận với thị trường các nước ASEAN.
Song song với đó, tỉnh An Giang còn có Khu kinh tế Cửa khẩu An Giang là một trong những khu kinh tế trọng điểm của Việt Nam, nằm ở vị trí chiến lược với vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Khu kinh tế Cửa khẩu An Giang đã được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; trong đó, Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Đây là điểm trung chuyển, giao thương hàng hóa của các tỉnh phía Nam với Campuchia. Bình quân, mỗi năm, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đạt hàng trăm triệu USD và tăng dần qua các năm; năm 2022 đạt 628,78 triệu USD, chiếm gần 24% kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu toàn tỉnh.
Dù vậy, trong thời gian qua, mặc dù Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đã được Trung ương, tỉnh An Giang quan tâm đầu tư; hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hoá, du lịch và dịch vụ, phát triển kinh tế biên giới đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng hiệu quả khai thác chưa thật sự xứng tầm.
Do đó, việc sớm có một Trung tâm Logistics tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên trong giai đoạn từ đây đến năm 2025 là hết sức cần thiết nhằm phát triển bền vững hoạt động kinh tế Cửa khẩu tỉnh An Giang phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển ngành thương mại của tỉnh An Giang cũng như với sự phát triển về hợp tác kinh tế cửa khẩu của hai nước Việt Nam – Campuchia.
Mặt khác, dự án cũng đã được đưa vào danh mục Dự án ưu tiên đầu tư tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030 tại Phụ lục XXVI kèm theo Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 15/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách tỉnh An Giang thuộc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã cân đối, bố trí hết cho các dự án trọng điểm của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh có đa phần diện tích thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, việc hỗ trợ, thực hiện đầu tư dự án Trung tâm Logistics Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, tỉnh An Giang từ nguồn ngân sách trung ương sẽ góp phần giải quyết khó khăn cho tỉnh; đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh An Giang nói chung và vùng kinh tế cửa khẩu biên giới nói riêng.