Kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm

Nguyễn Hoàng| 09/01/2020 07:00

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của kế hoạch 5 năm 2016-2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025. Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%. Doanh Nhân Sài Gòn ghi nhận góp ý từ một số chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề kiềm chế lạm phát.

Kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm

Ảnh hưởng từ giá thịt heo

Tuy nhiên, triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 đã không còn chắc chắn khi CPI của tháng 12/2019 đã tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước, sau cú sốc giá thịt heo tăng hơn 50% trong quý IV/2019. Chưa kể, tháng 1 là tháng Tết nên các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm khả năng tăng giá, sẽ ảnh hưởng đến CPI. Dự báo thị trường giá cả trong năm 2020, ngay từ những ngày cuối năm 2019, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Tổng cục Thống kê đã đưa ra hai kịch bản về CPI với mức khá cao, một kịch bản dưới 4% và một kịch bản trên 4%. Hai cơ quan đưa ra kịch bản này với những lý do cụ thể như CPI ngay trong quý I/2020 có thể đạt đến mức 4%, do yếu tố của giá thịt heo và một số mặt hàng thiết yếu khác tăng cao trong dịp Tết Canh Tý. Bên cạnh đó, sức ép tăng giá trong năm 2020 còn phụ thuộc bởi một số yếu tố giá nhiên liệu (xăng dầu, LPG), giá dịch vụ y tế, giá điện, giá đất, giá một số mặt hàng, dịch vụ và thực phẩm, cả những rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi.

Một doanh nhân trong ngành hàng thực phẩm cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2020 có đạt được hay không, phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt heo trong thời gian tới. Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, TS. Nguyễn Đức Độ đưa ra ba kịch bản. Thứ nhất, nếu giá thịt heo giảm mạnh ngay trong tháng Tết nhờ dịch tả heo châu Phi kết thúc sớm, người nông dân tái đàn thành công, đồng thời Chính phủ bình ổn giá thịt heo thông qua biện pháp nhập khẩu, lạm phát trung bình năm 2020 có thể chỉ ở mức 3%. Thứ hai, giá thịt heo vẫn neo ở mức cao như hiện nay trong quý I/2020 do nguồn cung chỉ phục hồi đầy đủ từ quý II/2020. Lúc đó, lạm phát trung bình cả năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%. Kịch bản tệ nhất xảy ra nếu dịch tả heo châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020. Trong trường hợp này, việc kiềm chế lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn, nhất là nếu xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục trong những tháng tới.

Trong cả ba kịch bản nêu trên, theo TS. Độ, các yếu tố khác tác động đến lạm phát như giá dầu, tỷ giá, giá dịch vụ y tế, giáo dục được dự báo thay đổi không lớn. Cụ thể, giá dầu được cho là sẽ vẫn ổn định nhờ nguồn cung dầu đá phiến dồi dào, đồng thời kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại dẫn đến nhu cầu về dầu không cao. Trong khi đó, tỷ giá cũng được dự báo sẽ chỉ dao động khoảng 1% trong năm 2020 nhờ nguồn cung USD dồi dào, dự trữ ngoại hối lớn, đồng thời quan trọng nhất là Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn duy trì chính sách tỷ giá thận trọng nhằm giảm thiểu khả năng Mỹ áp đặt hạn chế thương mại đối với Việt Nam. 

Cần tổng hợp đồng bộ nhiều giải pháp

Từ kết quả chạy thử một số mô hình kinh tế lượng, chuyên gia tài chính Phạm Minh Thụy của Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, nếu Chính phủ không có những can thiệp chính sách mạnh vào thị trường thì CPI của Việt Nam bình quân năm 2020 so với năm 2019 sẽ ở mức 103,79. Mức tăng này là đạt mục tiêu bình ổn giá (ở mức dưới 104,0) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8 (ngày 11/11/2019). Do vậy, Chính phủ cần có giải pháp điều hành nền kinh tế đồng bộ, quyết liệt để tạo lập cân đối cung - cầu hàng hóa trên thị trường, giữ ổn định giá cả và ổn định kinh tế vĩ mô như mục tiêu đã đề ra. 

Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, lạm phát cơ bản năm 2020 sẽ dao động trong khoảng 2-2,5%. Để đạt được mục tiêu kiểm soát CPI dưới 4% trong năm 2020, bình quân mỗi tháng CPI chỉ được phép tăng 0,19% vì CPI các tháng cuối năm 2019 thường ở mức cao, góp phần làm CPI tháng 1/2020 ở mức cao so với cùng kỳ, dù chưa tính tới các yếu tố tăng giá của các hàng hóa, dịch vụ trong tháng.

Một doanh nhân ngành tài chính cho rằng, để kiểm soát lạm phát mục tiêu cả năm 2020 bình quân dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động và nhất là kịch bản điều hành giá quý I/2020 là hết sức quan trọng. Trong đó, Nhà nước có thể xem xét không thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá vào quý I/2020, đồng thời thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, nhất là đối với mặt hàng thịt heo, dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ và Tết Nguyên đán. 

Đặc biệt, đối với việc thực hiện lộ trình thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, PGS-TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, Bộ Tài chính cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, hạn chế tác động chi phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân. Điều chỉnh giá dịch vụ công cần theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra những tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, đẩy nhanh việc hoàn thiện các định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xác định giá dịch vụ theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện dịch vụ vào giá. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO