Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM và khu vực kinh tế phía Nam, vẫn hấp dẫn các NĐT với đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giá trị cao. Năm 2021, vốn FDI vào việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. 5 tháng đầu năm 2022, vốn FDI đạt trên 11,7 tỷ USD, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, TP.HCM đứng thứ ba trong các địa phương thu hút vốn FDI khi vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 5 tháng qua.
Tính đến nay, TP.HCM là một trong những địa phương có lượng thu hút vốn FDI cao nhất với gần 11.000 dự án và tổng vốn đầu tư đạt gần 54 tỷ USD. Những điều này cho thấy dù còn khó khăn nhưng các NĐT vẫn tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh và các giải pháp, chính sách phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 của Việt Nam.
Các KCN, khu kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Các số liệu thống kê cho thấy, ở một số tỉnh, thành có ngành công nghiệp phát triển, thu ngân sách từ các KCN chiếm hơn 60% tổng thu ngân sách. Và việc đầu tư cho các KCN, khu kinh tế theo xu hướng hiện đại, văn minh là một trong những lý do để thu hút đầu tư từ nước ngoài. Trên thế giới, có thể thấy các KCN lớn đều có khu hỗn hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Điển hình như KCN SHXIP ở Thượng Hải có vị trí thuận lợi trong kết nối quốc tế (sân bay, bến cảng, đường bộ, đường sắt...).
Bên cạnh đó, tại KCN này có 26 trường đại học, có 3 trường phổ thông trung học quốc tế, có 3 khách sạn quốc tế hạng sang, có 1,2km2 để xây dựng kho bãi và logistics, hệ thống giao thông kết nối hiện đại... Nhờ những đầu tư bài bản này mà KCN SHXIP thu hút đến 50% NĐT đến từ châu Âu và Bắc Mỹ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng nhiều lần khẳng định, việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa của thế giới tăng cao càng tăng cường vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho sản xuất, là một phần của chuỗi cung ứng. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng bền vững là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút NĐT nước ngoài. Trong đó, việc đầu tư xây dựng các KCN lớn với dịch vụ hiện đại rất quan trọng trong thu hút đầu tư từ các nước phương Tây và Mỹ.
Vậy nhưng, trên thực tế, đầu tư vào các KCN, khu kinh tế chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... chưa thu hút được các NĐT lớn từ châu Á và Bắc Mỹ. Các "đại gia" trên thế giới, nhất là các tập đoàn đến từ châu Âu chưa xuất hiện tại Việt Nam.
Có nhiều vấn đề mà NĐT nước ngoài quan tâm khi đầu tư tại Việt Nam là vị trí địa điểm đầu tư, hạ tầng logistics, thời gian và giá thuê... Thế nhưng, trên thực tế, số lượng các KCN lớn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm, thiếu các dịch vụ hiện đại... nên khó thu hút được các NĐT lớn.
Chia sẻ tại hội thảo do ITPC tổ chức hồi đầu tháng 6/2022, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, chủ trương tích hợp các KCN với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các KCN. Mặt khác, sự phát triển của các khu công nghệ cao không được chú trọng như một trọng điểm nên các KCN không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đã vậy, theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), việc phát triển KCN, khu kinh tế còn gặp nhiều hạn chế, các NĐT chưa được trợ giúp nhiều trong việc hướng dẫn quy trình để hưởng những chế độ ưu đãi đầu tư, kinh doanh. KCN, khu kinh tế được quy hoạch khá dàn trải, chưa bám sát nhu cầu thực tiễn, định hướng và khả năng thu hút đầu tư.
Hiện các NĐT nước ngoài đang chú trọng đầu tư vào Việt Nam hơn trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng, trước chuyển biến của dịch bệnh, địa chính trị. Vấn đề của Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh, thành kinh tế phía Nam là cần những NĐT lớn để xây dựng các KCN có quy mô tầm cỡ, có đầy đủ nguyên phụ liệu, hạ tầng logistics, hạ tầng dịch vụ kết nối, từ nguồn cung đến cầu để các doanh nghiệp sản xuất yên tâm đầu tư.
Và để giữ chân NĐT và thu hút NĐT mới trong tương lai, ban quản lý các KCN cần rà soát, xem xét các vướng mắc để tháo gỡ cho NĐT. Cần có nhiều cải cách về thể chế, giải pháp nâng cấp dịch vụ trong KCN tạo thuận lợi cho NĐT, tận dụng "cơ hội vàng" trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang định vị lại.