Tôi chưa từng nghĩ tới việc viết một cuốn sách, thật sự là như vậy. Viết sách là một điều gì đó rất lớn lao, là một sự chiêm nghiệm mà phải có nhiều trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc lắm mới có thể làm được. Mà bản thân tôi thì trải nghiệm vẫn còn sơ sài! Những ngày tháng "rực lửa", cả nước sôi sục "chiến đấu" với Covid-19, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến OKRs.
Chúng tôi áp dụng OKRs từ giữa năm 2019, có lẽ là may mắn bởi đây là tư duy quản trị rất linh hoạt, nhờ có OKRs mà chúng tôi đối mặt với Covid-19 một cách bình tĩnh, mạch lạc và vững vàng. Chính vì sự vững vàng đó mà mọi người tìm đến tôi để hỏi về OKRs!
Thực lòng mà nói, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng rồi một lúc nào đó, mình sẽ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và ứng dụng OKRs, tôi vốn là một người làm trong lĩnh vực digital marketing. Chỉ một thời gian ngắn trước đó, chúng tôi đã đứng trước nguy cơ đổ vỡ, tôi quản lý 140 nhân viên của mình mà không có một chút kiến thức bài bản nào về quản trị. 4 năm ngồi trên ghế giảng đường và 2 năm học thạc sĩ đều là ngành quản trị, nhưng những gì tôi nhớ được quá ít ỏi so với những gì thầy cô đã cố gắng truyền đạt.
Điều duy nhất mà tôi nghĩ đến khi nhận được lời đề nghị viết sách từ Alphabooks là mình cần viết ra hết những câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến nhất mà mình thường nghe thấy. Chỉ đơn giản như vậy thôi. Và tôi bắt tay vào công việc với sự thúc đẩy nghiêm túc, mạnh mẽ và trách nhiệm từ biên tập viên của Alphabooks. Có thể ai đó sẽ nghĩ rằng đây phải là một câu chuyện thú vị lắm đây, một hành trình gian nan và kỳ công, nhưng có lẽ tôi sẽ làm bạn thất vọng.
Tôi còn nhớ, bạn biên tập viên luôn tỏ ra lo lắng bởi tôi thường... không viết một chữ nào vào bản nháp trong suốt khoảng thời gian trước khi tới những cột mốc nhỏ. Lời mở đầu, rồi chương 1, chương 2, tiếp theo là chương 3, 4, 5... Tôi thường chỉ viết một đêm trước khi tới hạn nộp bài. Tôi gọi đó là những đêm hồi tưởng. Mọi thứ cứ như mình đang vẽ lại quá khứ, những gì bản thân tôi và các cộng sự của mình đã trải qua. Thật thú vị.
Điều duy nhất mới mẻ trong cả hành trình này và cũng là điều lớn nhất mà tôi nhận được từ cuốn sách: tôi đã thực sự nghiên cứu. Chia sẻ với cộng đồng nhẹ nhàng hơn nhiều khi viết ra, thực sự áp lực khi nghĩ tới việc một ai đó ở cách xa nơi tôi đang sống, cầm trên tay cuốn sách và tin tưởng vào những gì mà tôi viết. Nếu tôi viết một điều gì đó thì sao?
Tôi đã gần như lật tung cả Internet để đi tìm những minh chứng cho điều mà tôi tin tưởng, cho những trải nghiệm của riêng tôi. Có ba kiểu viết sách: viết từ trải nghiệm riêng, viết từ tổng hợp các câu chuyện và sách nghiên cứu. Có lẽ sẽ đơn giản hơn nhiều nếu tôi chỉ viết một cuốn sách về trải nghiệm cá nhân. Đã là trải nghiệm cá nhân, nó sẽ chắc chắn đúng với tôi mà không cần đúng với người khác. Nhưng chúng tôi lại lỡ đặt tên cuốn sách là OKRs - Hiểu đúng, làm đúng, vậy nên tôi buộc phải viết ra những điều đúng cả với người khác.
Thật thú vị là tôi phát hiện ra rằng, một cách tình cờ, thực sự mình đã... làm đúng OKRs ngay từ đầu. Tôi từng nhớ có người nói rằng: "Hãy viết nhật ký cuộc đời bạn, bạn sẽ học được nhiều đấy", đúng là như vậy! Ai khen tôi rằng: "Bạn viết sách hay thật", tôi chỉ ngượng ngùng và trả lời: "Tôi chỉ thuật lại những gì tôi đã làm mà thôi!".
Tôi vẫn còn nhớ cái đêm mà tôi gõ những dòng cuối cùng cho cuốn sách "đầu tay", một cảm giác hài lòng kỳ lạ chạy khắp cơ thể, tôi biết mình vừa hoàn thành một điều lớn lao cho bản thân mình và tôi biết rằng mình thực sự yêu OKRs, đó không chỉ là một tư duy quản trị, đó là triết lý sống của bản thân tôi: sống một cuộc sống nhiều khát vọng.
Tôi từng gặp nhiều tác giả, cả chuyên nghiệp cũng có, cả tay ngang cũng có. Tất cả họ đều mang lại cho tôi một cảm giác họ thật sự yêu cuốn sách của mình. Cái cách mà họ cầm cuốn sách giống như đó chính là bản thân họ, không cần phải màu mè, không cần phải tô vẽ. Và cuối cùng thì tôi đã hiểu, tại sao lại như thế!