Đứt gãy chuỗi lao động
Về cung, rất nhiều lao động sẵn sàng trở lại làm việc nhưng do chưa tiêm đủ vaccine ngừa SARS-CoV-2 nên khó tham gia sản xuất. Về cầu, DN muốn sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng được các yêu cầu trong bối cảnh sống chung với Covid-19. Điều này sẽ làm phát sinh chi phí, cũng như việc kiểm soát không tốt dịch bệnh có thể gây ra hậu quả khôn lường trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Đó là một trong những khó khăn lớn nhất mà DN các tỉnh phía Nam, nhất là Vùng Kinh tế trọng điểm đang phải đối mặt.
Năm 2020, thống kê cho thấy, Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang) có hơn 350.000 DN, chiếm khoảng 44% số lượng DN cả nước, trong đó, TP.HCM đứng đầu với khoảng 31%. Chỉ trong 7 tháng năm 2021, cả nước có gần 79.700 DN tạm ngừng sản xuất, kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Việc đẩy mạnh chiến lược vaccine cùng với việc thay đổi chiến lược phòng chống dịch theo hướng mở dần nền kinh tế đặt ra nhiều thách thức đối với các địa phương, DN, trong đó có việc kết nối dòng dịch chuyển nguồn lực lao động.
Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam là nơi tâm dịch trong ba tháng qua, cũng là các địa phương có tỷ suất người nhập cư lớn nhất Việt Nam, riêng Bình Dương tỷ suất nhập cư thuần lên đến 58,6%. Phần lớn những người di cư đến các địa phương này là dân miền Tây Nam Bộ, miền Trung. Họ là lực lượng lao động động chiếm phần quan trọng, đặc biệt tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Nhưng giãn cách kéo dài khiến hàng loạt nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng với khoảng 30 - 50% lao động, nên chỉ riêng tại TP.HCM, theo thống kê chưa đầy đủ, hàng chục ngàn lao động đã về quê và hơn 10.000 người khác nhiễm SARS-CoV-2 sẽ khiến các nhà máy gặp khó khăn khi quay lại sản xuất sau dịch.
Bức tranh việc làm của công nhân thời dịch là những mảng màu phức tạp: một số về quê tránh dịch chưa thể quay lại công ty, thu nhập bị đứt quãng. Một số khác mắc kẹt tại vùng dịch phải nhận hỗ trợ từ gia đình, và rất nhiều lao động đang cầm cự bằng tiền tiết kiệm ít ỏi.
Thường thì sau các dịp nghỉ Tết âm lịch, tình trạng thiếu hụt lao động ở mức 20 - 30%. Nhưng với tình hình đứt đoạn sản xuất trong thời gian dài như hiện nay do phong tỏa, chắc chắn sẽ thiếu hụt lao động ở mức độ nặng nề hơn, có thể là 30 - 40%.
Thách thức trong việc mở luồng xanh cho lực lượng lao động
Thứ nhất, người lao động hiện còn ở tại Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam vẫn có xu hướng về quê khi các địa phương dần nới rộng giới hạn dịch chuyển. Việc khuyến khích lao động ở lại chưa chắc đã được do tâm lý ngại dịch bệnh và tương lai bất ổn. Về quê để ổn định cuộc sống và phòng tránh dịch bệnh luôn là ưu tiên của những người lao động đang kẹt lại hiện nay.
Thứ hai, việc DN mở cửa trở lại đòi hỏi lực lượng lao động tương ứng để bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Việc thu hút lực lượng lao động ở quê quay lại gặp rất nhiều trở ngại do hầu hết chưa được tiêm vaccine hoặc chỉ mới tiêm một mũi và nhiều địa phương chưa dỡ bỏ hoàn toàn việc “ngăn sông cấm chợ”.
Thứ ba, trong bối cảnh mở cửa từng bước, DN khó đáp ứng đơn hàng và gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, DN còn phải có chính sách khuyến khích người lao động bằng lương thưởng để giữ chân họ.
Vaccine vẫn là giải pháp tối ưu để đáp ứng chiến lược sống chung với virus SARS-CoV-2, đặc biệt là những biến chủng của nó. Do đó, việc mở rộng tiêm chủng vaccine cần được xã hội hóa ở cấp độ cao nhất, cụ thể là DN nên được quyền chủ động tìm kiếm và kết nối với các đơn vị y tế để tiêm chủng cho người lao động hiện hữu và tương lai (lực lượng lao động tuyển dụng mới, tuyển dụng lại).
Việc trao quyền chủ động tiêm chủng cho DN vừa giúp DN chủ động ứng phó với dịch bệnh vừa tăng tỷ lệ tiêm chủng. Dù vậy, giải pháp vaccine chỉ là một phần quan trọng, các giải pháp khác phải được đồng bộ trong lộ trình sống chung với virus nCoV và tái khởi động nền kinh tế.
Kế hoạch và lộ trình tái khởi động hoạt động kinh tế cần được công khai chi tiết theo từng giai đoạn, dựa trên các tiêu chí lượng hóa cụ thể. Sự rõ ràng và chi tiết trong lộ trình tái khởi động kinh tế trong chiến lược sống chung với Covid-19 không chỉ giúp người lao động yên tâm với kế hoạch cá nhân, mà còn giúp DN xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và ứng phó trước các tình huống một cách phù hợp.
Quan trọng nữa là phải mở cửa giao thông đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc, tránh các chính sách đơn lẻ, rời rạc của từng địa phương tạo ra chi phí và hạn chế bất hợp lý đối với dòng dịch chuyển lao động. Trong tình huống khả dĩ, lực lượng lao động di cư đã tiêm một hay hai mũi vaccine cần được tạo luồng xanh (hoặc luồng vàng) khi di chuyển đến DN các địa phương để làm việc.
Đại dịch Covid-19 làm bộ lộ nhiều hạn chế trong việc thực thi các chính sách của các địa phương, của các đơn vị quản lý từ trung ương đến địa phương. Chính vì vậy, để tiến đến trạng thái “bình thường mới”, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc ban hành chính sách, trong đó có vấn đề kết nối cung cầu lao động. Áp dụng công nghệ số, tiến bộ khoa học - công nghệ để hình thành hệ thống kết nối giữa các đối tượng liên quan: người lao động, DN, cơ sở đào tạo, trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm của các địa phương. Việc thực hiện đồng bộ giữa người lao động và các đơn vị này sẽ làm cho thông tin lao động được thông suốt, hình thành nên một thị trường lao động hiệu quả.
Cuối cùng, người lao động cần hơn hết là sự an toàn, một tương lai chắc chắn trước những rủi ro do dịch bệnh. Người lao động, đặc biệt là lao động di cư, cần sự hỗ trợ của công đoàn, các tổ chức xã hội, sự chung tay của DN và địa phương để ổn định đời sống vật chất, tinh thần, nhất là chỗ ở. Đây là giải pháp lâu dài để nâng cao chất lượng sống và chất lượng nguồn lực lao động của DN nói riêng và cả nước nói chung.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM