Tập trung bán ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn
Tính riêng trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh nhất vào phiên ngày 3 và 4/12/2019, lần lượt là 232 tỷ đồng và 202 tỷ đồng, tiếp theo là ba ngày từ 10-12/12/2019, tổng bán ròng đến 485 tỷ đồng, bình quân hơn 160 tỷ đồng/ngày.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các quỹ ngoại tiếp tục thoái vốn, như Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) rút vốn tuần thứ ba liên tiếp. Thống kê từ ngày 2-6/12/2019, số liệu từ IndexUniverse cho thấy, 800.000 USD tiếp tục bị rút ra khỏi VNM ETF, nâng lượng vốn bị rút ra trong quý IV/2019 lên 12,99 triệu USD.
Các mã vốn hóa lớn tiếp tục là mục tiêu bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài. Như trường hợp của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (HOSE: MWG) bị Quỹ PYN Elite Fund bán ròng đến 977 tỷ đồng riêng trong tháng 11, khiến MWG từ việc là khoản đầu tư lớn nhất của quỹ ngoại này vào đầu tháng, chiếm gần 17% danh mục thì đến cuối tháng chỉ còn xếp thứ 4, tương đương 7,92% danh mục.
Hay như trường hợp của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành bia chứng kiến giá cổ phiếu giảm 13% trong tháng 11 đến từ việc nhóm cổ đông Heineken thoái bớt vốn, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,13% xuống còn 4,32%, qua đó không còn là cổ đông lớn tại Sabeco.
Link bài viết
Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn cũng gặp nhiều thông tin được cho là không tích cực trong thời gian gần đây, mà có thể thúc đẩy hành động bán ra của khối ngoại. Có thể kể đến như thương vụ Masan mua lại Vincommerce thời gian qua vẫn chưa hòa vốn của Vingroup, nên khối ngoại liên tiếp bán ròng mạnh cổ phiếu MSN sau tin sáp nhập. Hay việc Vingroup vẫn đang chịu lỗ với VinFast nhưng vẫn đổ nguồn lực vào kế hoạch sản xuất ô tô được cho là mạo hiểm và rủi ro này, khiến không ít nhà đầu tư e ngại.
Nhiều yếu tố tác động
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước thời gian qua đã ảnh hưởng lên tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tiên là nỗi lo ngại về khả năng tiền đồng chịu áp lực mất giá mạnh hơn trong thời gian còn lại của năm nay, khi đồng USD đang mạnh trở lại trên thị trường quốc tế cùng với đồng nhân dân tệ yếu đi. Hạn mức điều chỉnh tỷ giá còn lại cũng khá lớn nên dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể tăng tỷ giá USD/VND mạnh tay hơn vào thời điểm cuối năm.
Thứ hai là e ngại Mỹ - Trung không ký được thỏa thuận sơ bộ giai đoạn 1 cũng đã ảnh hưởng tiêu cực lên các thị trường chứng khoán toàn cầu, nên việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng là tất yếu. Tuy nhiên, mới đây Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đã đàm phán thành công và sắp tới sẽ ký kết thỏa thuận chính thức, diễn biến này được kỳ vọng sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với một số rủi ro, như sản xuất chậm lại, thể hiện qua chỉ số quản trị nhà mua hàng sản xuất (PMI) tháng 9 suy yếu về vùng 50,5 điểm và tháng 10 tiếp tục giảm xuống mốc 50 điểm, kết thúc thời kỳ tăng trưởng kéo dài 46 tháng. Về cơ bản, chỉ số PMI nếu rớt về dưới 50 cho thấy sản xuất, kinh doanh đang bị thu hẹp. Áp lực lạm phát đang gia tăng trở lại khi hai tháng 10 và 11, chỉ số giá tiêu dùng tăng cũng là một rủi ro cần phải đề phòng.
Nguy cơ Việt Nam có thể bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ cũng gây lo ngại cho các nhà đầu tư. Mới đây Mỹ yêu cầu Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu một số nông sản của Mỹ, điều này dù mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên cán cân thương mại, khi có thể thu hẹp thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Ở chiều ngược lại, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, khi lũy kế 11 tháng đã chạm mức 31 tỷ USD.
Điều quan trọng hơn là việc chỉ số VN-Index để mất mốc 1.000 điểm đã ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý các nhà đầu tư. Thông thường, khối ngoại thường giao dịch dựa trên các tín hiệu kỹ thuật, nên với mẫu hình rất xấu vừa qua càng kích thích nhóm ngoại bán ròng.
Cuối năm cũng thường chứng kiến các quỹ ngoại hiện thực hóa lợi nhuận để chốt sổ sách, nên tạm thời bán ra. Như năm 2018, Quỹ PYN rút tiền mạnh dịp cuối năm nhằm tìm kiếm lợi thế, sau đó đã giải ngân lại vào đầu năm 2019.