Vinahouse và 1.000 ngôi nhà Việt

KHẢI LY| 19/11/2010 04:42

Nếu cắc cớ hỏi tại sao làm nhà kiểu Việt truyền thống, sưu tầm nhà cổ mà cái tên công ty lại dùng tiếng “Tây”, Vĩnh cũng chỉ cười: “Chuyện làm ăn là thế, chỉ cần mình làm thật và chơi thật thì nhà Việt vẫn là nhà Việt thôi”.

Vinahouse và 1.000 ngôi nhà Việt

Nếu cắc cớ hỏi tại sao làm nhà kiểu Việt truyền thống, sưu tầm nhà cổ mà cái tên công ty lại dùng tiếng “Tây”, Vĩnh cũng chỉ cười: “Chuyện làm ăn là thế, chỉ cần mình làm thật và chơi thật thì nhà Việt vẫn là nhà Việt thôi”.

Chuyện khởi nghiệp của Lê Văn Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Nhà Việt Nam (Vinahouse), nghe rất kỳ lạ. Quê anh chỉ là một thị trấn nhỏ ở Điện Bàn, Quảng Nam, mảnh đất rất trù phú ven sông Thu Bồn giàu truyền thống khoa bảng của những nhà Nho.

Các mẫu nhà rường cổ miền Trung 300 tuổi được Vinahouse trưng bày cho khách chiêm ngưỡng

Trong làng hồi ấy đa số là những ngôi nhà gỗ lợp ngói ba gian truyền thống, được chạm khắc tinh tế cầu kỳ. Đặc điểm này ngoài lý do kinh tế và văn hóa, còn do Điện Bàn nằm quá gần làng mộc Kim Bồng Hội An và là nơi lui đến làm ăn của nhiều nghệ nhân của các làng mộc khác của Quảng Nam.

Từ nhỏ, Lê Văn Vĩnh vẫn thích ngắm những đường lượn chạm nổi trên bề mặt những cây kèo, tấm chạm, gờ cửa. Những đường lượn điêu khắc gỗ tuyệt đẹp của các nghệ nhân xưa luôn hấp dẫn anh.

Năm 1998, chàng trai 19 tuổi Lê Văn Vĩnh bắt đầu nghiền ngẫm các kỹ thuật chế tác, trang trí và xây dựng nhà cổ thuần Việt. Để biến giấc mơ thành hiện thực, Vĩnh bỏ vốn và cùng vài thợ mộc trong làng nhận sửa chữa, phục chế những ngôi nhà cổ đơn giản cho bà con chung quanh.

Vừa làm vừa học, những ngày tháng đẹp nhất thời trai trẻ Vĩnh đổ hết vào cái thế giới của những ngôi nhà cũ mối mọt, lúc nào cũng chua loét mùi gỗ ẩm. Vĩnh lặn lội đi khắp các làng quê Quảng Nam để chụp ảnh, ghi chép đặc điểm của phong cách dựng nhà rường, kỹ thuật chạm trổ và bước đầu sưu tầm những ngôi nhà cổ đầu tiên cho mình.

Đó là một hướng đi đúng vì công việc của anh đã bắt đúng mạch một thị trường thích chơi và kinh doanh nhà rường trong hai thập niên vừa qua.

Hiện tại, Lê Văn Vĩnh là Tổng giám đốc Vinahouse. Hơn 10 năm nay, Vinahouse đã phục chế, xây dựng và lắp dựng gần 1.000 ngôi nhà rường trên toàn quốc, đó là những ngôi nhà đúng chuẩn Việt, từ cấu trúc không gian cho đến phong cách trang trí.

Mỗi tháng, Vinahouse tổ chức thi công khoảng vài dự án từ 20 - 30 căn nhà có phong cách thuần Việt như vậy cho khách hàng từ Bắc đến Nam.

Vinahouse thường xuyên bị quá tải với các dự án mới, những khu kinh doanh, những nhà ga, resort, nhà hàng, quán cà phê là bởi Vĩnh đã khéo truyền sự đam mê không gian nhà thuần Việt cho khách hàng khi đưa họ đến tham quan bộ sưu tập nhà cổ của anh ở Điện Bàn, Quảng Nam.

Trên con đường rẽ nhánh từ Vĩnh Điện đi Hội An, có một khu dày những mái ngói nâu trầm, cây cao bóng mát thu hút sự chú ý của du khách. Đó là nơi Vĩnh lưu giữ bộ sưu tập nhà cổ có một không hai ở Việt Nam.

Du khách đến đây thả bộ thư giãn trong những không gian Việt. Vinahouse trưng bày trong khuôn viên 18 kiểu nhà rường từ 200 - 300 tuổi nhà kiểu miền Trung, kiểu Huế cung đình, kiểu nông thôn Bắc bộ cho đến nhà dài Êđê, Bahna ở Tây Nguyên...

Đó là những kiến trúc đã được công nhận có giá trị, thẩm mỹ trang trí của người xưa sưu tầm nguyên bản. Những người đam mê tìm hiểu sẽ được ông chủ trẻ tuổi Lê Văn Vĩnh hướng dẫn thưởng thức từng vẻ đẹp của các ngôi nhà cổ, từng bộ vì kèo chạm lộng, từng bộ tranh, tủ gỗ của người xưa, từng phong cách chạm trổ khác nhau của các làng mộc nổi tiếng ở miền Trung.

“Cái đinh” trong bộ sưu tập nhà Việt cổ của Vĩnh là một ngôi nhà tam gian tứ hạ (hay còn gọi là nhà 3 gian, 2 chái kép). Với diện tích xây dựng 150 mét vuông, ngôi nhà 207 tuổi này được xác nhận tỷ lệ nguyên bản đến 92%.

Ngôi nhà đã được Tạp chí Người đưa tin UNESCO xếp hạng là ngôi nhà cổ dân gian đẹp nhất và lớn nhất miền Trung Việt Nam. Năm 2001, để mua lại ngôi nhà này, Vĩnh đã phải chi 2,4 tỷ đồng.

Lê Văn Vĩnh và các tiêu bản hoa văn chạm trổ trong các nhà cổ miền Trung.

Cùng với bộ sưu tập tư nhân có một không hai ở Việt Nam, chủ nhân của nó còn có khoảng 1.000 mẫu vật chi tiết, bộ phận trong một ngôi nhà như vì kèo, rường cột, tấm khảm, bình phong, những khung hoa văn chạm lộng, trụ đội quả bí, cửa chạm thượng song hạ bản, rèm chạm lộng của gian thờ, bàn ghế giường tủ của mọi hạng người từ quan quyền cho đến thứ dân...

Những ngày tháng rong ruổi khắp các miền quê cả nước đưa lại cho Vĩnh kết luận: nhà cổ miền Trung, gồm nhà rường Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có một vẻ đẹp kiến trúc rất riêng biệt, không lai tạp, do điều kiện địa hình, thời tiết, phong tục sinh hoạt.

Không lai tạp là giá trị đáng “đồng tiền bát gạo” nhất của những ngôi nhà Việt cổ làm cho khách hàng cả nước đam mê với những phương án của Vinahouse. Đa số khách hàng tri âm với nhà Việt sẽ đặt hàng mua những ngôi nhà rường cổ thật sự, những chỗ phục chế cũng sẽ sử dụng nguyên liệu là các loại gỗ lấy từ các nhà cổ hư hỏng hoàn toàn để có cùng loại gỗ và niên đại.

Nhưng thú vị là phong cách kiến trúc Việt cũng đã được Vinahouse đưa vào một số công trình dân dụng như nhà ga Suối Mơ ở khu nghỉ mát Bà Nà, các resort ở khu kinh tế Chân Mây, Hà Nội, TP.HCM tạo ấn tượng mạnh cho du khách.

Có một câu chuyện thú vị khác trên bước đường làm ăn của người chuyên dựng nhà cổ thuần Việt. Một lần Vĩnh bắt gặp một ngôi nhà có vẻ đẹp tuyệt vời nhưng đang trong tình trạng hư nát trầm trọng. Người chủ muốn bán nó, và ông chủ của Vinahouse cũng rất muốn mua nó.

Trong quá trình thương thảo, Vĩnh bỗng nhận ra chủ nhà vẫn quá quyến luyến với ngôi nhà rường cổ ấy. Anh bỏ ý định mua nhà và tư vấn một phương án sửa chữa tốt và rẻ nhất cho chủ nhân. Bây giờ, ngôi nhà vẫn còn ở nguyên chỗ cũ, với người chủ cũ trong một ngôi làng cổ rất đẹp ở Quảng Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vinahouse và 1.000 ngôi nhà Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO