Thực tế trong cách nghĩ, cách làm

CÁC NGỌC| 08/10/2009 08:22

Chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam trước suy thoái toàn cầu” của cuộc thi “Dynamic - Sinh viên - nhà doanh nghiệp tương lai” có vẻ hơi khó đối với sinh viên.

Thực tế trong cách nghĩ, cách làm

Chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam trước suy thoái toàn cầu” của cuộc thi “Dynamic - Sinh viên - nhà doanh nghiệp tương lai” có vẻ hơi khó đối với sinh viên. Thế nhưng, những vấn đề mà bốn thí sinh tranh tài trong vòng chung kết Dynamic 2009 tại Trường Đại học (ĐH) Kinh tế TP.HCM nêu lên trong phần thi “Tự khẳng định” đáng để nhiều DN suy nghĩ.

Dự án khả thi

Nếu như trong cuộc thi Dynamic 2007, phần thi bằng tiếng Anh chỉ chiếm khoảng 20%, thì năm nay tỷ lệ này tăng lên 40% khi thí sinh trình bày đề tài cũng như trả lời chất vấn. “Đây không phải là yêu cầu của Ban tổ chức, mà do yêu cầu của nền kinh tế hội nhập”, các doanh nhân trong Hội đồng giám khảo và Ban chất vấn nhấn mạnh. Bốn thí sinh trong đêm chung kết Dynamic 2009 đã thể hiện kiến thức, trình bày đề án, ý tưởng kinh doanh và bảo vệ chính kiến của mình khá mạch lạc bằng tiếng Anh.

Từ trái qua phải: Lê Thị Quỳnh Nga, Mai Thị Hồng, Trần Thu Trang, Nguyễn Vạn Phúc

Dự án kinh doanh “Xe lưu động bán điểm tâm nhanh cho công nhân tại các khu công nghiệp” của sinh viên Trần Thu Trang (Khoa Kinh tế Quốc tế - ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM) đã được ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kinh Đô nhận định là khả thi, nhìn trên phương diện thời cơ thì đã chín muồi để thực hiện. Cả nước nơi nào cũng có khu công nghiệp, công nhân cần một bữa ăn sáng không chỉ đáp ứng được nhu cầu no, đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh, giá cả hợp lý, mà còn nhanh, tiện lợi để họ khỏi phải kiếm hàng quán dọc đường.

Có một điều ông Thành muốn nhắc nhở: Ý tưởng tốt, nhưng muốn triển khai phải có kế hoạch chu đáo, nhiều việc cần phải chi tiết hóa và chuẩn bị tốt nguồn lực thực hiện thì khả năng thành công mới cao. Nếu Thu Trang dám làm và cần một nhà đầu tư có kinh nghiệm thì Kinh Đô sẵn sàng. Hoặc nếu Thu Trang muốn đưa dự án đó thành một bộ phận của Kinh Đô thì cũng có thể chấp nhận được, vì công nhân là đối tượng khách hàng lớn hiện nay, nhưng chưa có công ty nào quan tâm đến ý tưởng này.

Sinh viên Nguyễn Vạn Phúc (Khoa Marketing - ĐH Kinh tế TP.HCM) trình bày đề tài “Giải pháp xây dựng thương hiệu cho công ty nhỏ và vừa” với đề xuất “DN nhỏ nên tập trung vào phân khúc cấp thấp và thị trường ngách”. Qua đó cho thấy, Phúc cũng hiểu những khó khăn của việc lập nghiệp, việc tạo nên thương hiệu của một DN nhỏ. Nếu lấy ý tưởng dự án của Thu Trang đặt bên cạnh suy nghĩ của Phúc là phải khác biệt hóa sản phẩm của mình so với những đối thủ cạnh tranh dựa trên thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, có thể thấy các bạn hiểu được những bước cơ bản để bước vào kinh doanh. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của Phúc, một trong những giải pháp để xây dựng thương hiệu với ít tiền là nên liên kết với những thương hiệu lớn toàn cầu, đáng để suy nghĩ về niềm tin của giới trẻ đối với những thương hiệu của DN VN.

Thay đổi cách nhìn

Điều thú vị trong đêm chung kết cuộc thi Dynamic 2009 là không hẹn nhưng những đề tài của các bạn trình bày như xâu chuỗi nhau. Vạn Phúc cho rằng, không có nhiều tiền thì nên xây dựng hình ảnh sản phẩm chất lượng tốt, phục vụ khách hàng tận tâm sẽ tạo hiệu ứng truyền miệng về thương hiệu; mặt khác, xây dựng kênh phân phối là ưu tiên và không quên những chủ tiệm tạp hóa sẽ là những nhân viên quảng cáo trực tiếp cho sản phẩm. Cùng đưa ra mục tiêu tiết kiệm chi phí tiếp thị, Lê Thị Quỳnh Nga (Khoa Quản trị kinh doanh công nghiệp và xây dựng - ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) nêu lên mô hình hiệu quả hơn là “Marketing kết nối”, sử dụng cùng lúc tiếp thị truyền miệng, tiếp thị bằng tin đồn...

Đưa vấn đề "Xây dựng chiến lược để thu hút và giữ nguồn nhân lực giỏi cho các DN nhỏ và vừa của VN", sinh viên Mai Thị Hồng (Khoa Kinh tế Ngoại thương - ĐH Ngoại thương Hà Nội) nêu quan điểm: Việc làm cho nhân lực chất lượng cao phải được coi là một loại hàng hóa mà DN cung cấp. Như vậy, hai câu hỏi lớn được đặt ra là: Làm thế nào đưa ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mà cụ thể là những người tài? Làm thế nào để DN nhỏ và vừa cũng có được nhân lực giỏi trước sự cạnh tranh của các tập đoàn đa quốc gia và các DN VN khác? Theo Hồng, người tài muốn được tôn trọng, khẳng định mình, nên việc làm mà DN cung cấp phải đáp ứng các nhu cầu đãi ngộ và có hệ thống đánh giá năng lực. Đã nói việc làm là hàng hóa thì cũng phải tạo khác biệt với đối thủ. DN nhỏ và vừa VN có một lợi thế là đang trên đà phát triển, do đó, có thể đưa lại rất nhiều vị trí hấp dẫn, cơ hội để người tài thể hiện mình.

Như vậy, DN vẫn có thế mạnh trong phân khúc nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi đưa vấn đề theo hướng coi việc làm là một hàng hóa, Hồng cho rằng, DN cũng phải xây dựng thương hiệu cho loại hàng hóa này. Những lập luận của Hồng chắc sẽ khiến các DN phải thay đổi cách nhìn về nhân sự trẻ và giỏi: Họ là người đi mua hàng hóa và chỉ muốn mua hàng chất lượng cao.

Theo đánh giá của GS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Dynamic 2009, các sinh viên có sự trưởng thành và có độ sâu trong suy nghĩ, đồng thời thể hiện bản lĩnh tự tin, “tĩnh” trong nhìn nhận sự việc và biết nghĩ đến chữ “tâm” nếu lập nghiệp. Vòng nguyệt quế chỉ dành cho Mai Thị Hồng đoạt giải nhất, giải nhì thuộc về Lê Thị Quỳnh Nga, còn Trần Thu Trang và Nguyễn Vạn Phúc nhận giải ba, song, điều hạnh phúc nhất của Ban tổ chức là Công ty PepsiCo VN, Tập đoàn Kinh Đô, Ngân hàng TMCP Sài Gòn và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn đã sẵn sàng đón hết 36 sinh viên vào bán kết về DN mình để các bạn nuôi dưỡng ước mơ trở thành doanh nhân thành đạt trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực tế trong cách nghĩ, cách làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO