Startup với ứng dụng chống lãng phí thực phẩm

TĂNG KHÁNH (Theo Tech in Asia)| 08/02/2017 04:18

Doanh nhân 30 tuổi khởi nghiệp thành công từ cảm hứng chống lại sự lãng phí thực phẩm ngành F&B

Startup với ứng dụng chống lãng phí thực phẩm

Kinh doanh thực phẩm trong 6 tháng, Tan Jun Yuan nhận ra một thách thức mà ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) phải đối mặt. Đó là: lãng phí thực phẩm. Và điều đó tạo cảm hứng cho anh khởi nghiệp với ứng dụng "11th Hour".

"Gãi đúng chỗ ngứa"

11th Hour - Giờ thứ 11 vốn là một thành ngữ với ý nghĩa là giờ phút chót để làm một việc gì đó. Yuan tạo ra ứng dụng này hướng đến những thương gia trong ngành F&B, để họ có thể chạy các khuyến mãi ngay tại cửa hàng mình mà không cần đến các outlet (trung tâm bán hàng giảm giá) và chờ đợi để bán các thực phẩm còn dư, chống lãng phí thực phẩm.

“Chờ đợi để được vào outlet bán hàng với giá rẻ là một tâm lý hết sức nặng nề và tôi không muốn lặp lại điều đó nữa”, Yuan chia sẻ.

Bên cạnh sự thuận lợi cho các chủ cửa hàng, 11th Hour còn giúp người dùng nhìn thấy và theo dõi các khuyến mãi được cung cấp bởi các cửa hàng ở gần mình.

Sau khi ra mắt một tháng rưỡi, ứng dụng thu hút 200 doanh nhân và khoảng 7.000 người dùng đăng ký sử dụng, chạy khoảng 100 khuyến mãi mỗi ngày, và kiếm được 2.400 USD. Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu có 500 doanh nghiệp tham gia vào tháng 6/2017.

Giao diện ứng dụng 11th Hour

Gian nan khởi nghiệp

Jun Yuan xây dựng 11th Hour trong 2 năm rưỡi, tự mày mò viết ứng dụng mỗi đêm sau ngày làm việc. Trước đó, anh từng mở một công ty với bạn học và đóng cửa sau 3 tháng, từng nghỉ việc sau 5 tháng giữ vị trí quản lý tại công ty bảo vệ lớn nhất Singapore. Ở công ty công nghệ Trek 2000, anh gặp CEO Henn Tan, được gieo cảm hứng và tinh thần doanh nhân, và quyết định khởi nghiệp một lần nữa.

Là con trai út trong gia đình có cha là tài xế taxi, mẹ là nội trợ, Yuan cố gắng tìm ra một thế mạnh nào đó để khởi sự kinh doanh. Anh nhận ra sự đặc biệt trong món Bak Kut Teh (sườn heo nước sốt thảo mộc) của mẹ và quyết định mở một quán ăn tên “Yuan Bak Kut Teh” ở Toa Payoh – trung tâm Singapore vào 9/2013. Lợi nhuận mỗi tháng của quán ăn là 5.000 USD, một kết quả kinh doanh rất tốt. Tuy nhiên, quán ăn gặp khó khăn vì không đủ nhân lực và cũng phải đóng cửa chỉ sau 6 tháng hoạt động.

“Chúng tôi trả tiền nhân công là 7,5 đô Sing/giờ và sau đó tăng lên 9,5 đô nhưng chỉ có một vài người đến làm việc và biến mất không lâu sau đó. Một công nhân đã lấy trộm 300 đô vào ngày thứ hai cô ấy làm việc cho chúng tôi”, Jun Yuan kể lại, “đó là những tổn thất không bao giờ lấy lại được. Mẹ và tôi buộc phải làm việc 14 giờ/ngày, 7 ngày/tuần vì nghĩ đó là cách duy nhất nhất để kiếm tiền và giữ tiền, nhưng cửa hàng vẫn phải đóng cửa không lâu sau đó”, Yuan nói. Tuy nhiên, với công việc tại quán ăn, anh cảm nhận những vấn đề khó khăn mà ngành này gặp phải, đặc biệt là việc giải quyết vấn đề thực phẩm dư thừa cuối ngày. 

Tan Jun Yuan và quán ăn "Yuan Bak Kut Teh"

Bất chấp những thất bại trong kinh doanh trước đây, anh tìm một nhà tư vấn chiến lược và mày mò viết ứng dụng cho 11th Hour. “Tinh thần doanh nhân có trong máu của tôi. Làm startup khiến tôi bận rộn đến điên cuồng, nhưng đổi lại tôi được sáng tạo và sống cuộc sống mới mẻ mỗi ngày”, Yuan nói.

Anh có sở thích đọc về những doanh nhân nổi tiếng như Henry Ford hay Milton Hershey. Đến một ngày, Yuan tự nhủ: “Tại sao tôi phải đọc về những doanh nhân khác mà tôi không thể trở thành một người thành công như họ”, The Straights Times dẫn lời doanh nhân trẻ.

Nhiều nhà phát triển ứng dụng muốn hướng đến mục tiêu rằng một tập đoàn triệu đô nào đó sẽ mua lại ứng dụng của mình. Thế nhưng Yuan lại không muốn như vậy. “Bạn không thể chạy một doanh nghiệp với một tâm thế trước sau gì cũng sẽ bán chúng. Bạn không thể xây dựng một nền tảng đúng đắn với một tâm trí như vậy. Tôi muốn làm được một điều gì đó nghiêm túc, có thể thay đổi cuộc sống”, anh nói.

>>Startup mIdeas: Theo đuổi giấc mơ trí tuệ nhân tạo 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Startup với ứng dụng chống lãng phí thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO