Ông Hưng “cọp”

PHƯƠNG QUYÊN| 05/02/2010 07:00

Dựng xưởng mộc làm bàn ghế do niềm đam mê, rồi với đôi bàn tay trắng, ông vực dậy cơ nghiệp khi tất cả đã hóa thành tro bụi.

Ông Hưng “cọp”

Dựng xưởng mộc làm bàn ghế do niềm đam mê, rồi với đôi bàn tay trắng, ông vực dậy cơ nghiệp khi tất cả đã hóa thành tro bụi.

Âm thầm học nghề

Khi được hỏi vì sao đặt tên công ty sản xuất ghế, đồ nội thất của mình là Con Cọp, ông Giám đốc Đặng Vĩnh Hưng cười thật thà: “Nhà tôi có nhiều người tuổi cọp lắm. Mẹ tôi, anh ruột, con trai, con gái... đều tuổi cọp. Tôi nghĩ, đó là linh vật của gia đình, mang lại may mắn nên khi thành lập doanh nghiệp, tôi lấy tên này cho khách hàng dễ gọi, dễ nhớ”.

Ông Hưng cho biết thêm, do hồi đó, khu sản xuất, kinh doanh đồ nội thất Ngô Gia Tự có rất nhiều cơ sở cùng hoạt động, chưa ý thức được việc phải đăng ký thương hiệu và để phân biệt, mỗi cơ sở thường chọn một con vật làm biểu tượng cho sản phẩm của mình. Nay, dù việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm đã được thay bằng những cái tên riêng, nhưng ông Hưng vẫn quyết định giữ lại thương hiệu mộc mạc vì nó đã quen thuộc với khách hàng của ông.

Phát triển mô hình kinh doanh từ một cơ sở sản xuất nhỏ, ban đầu, Đặng Vĩnh Hưng chẳng dính líu gì tới nghề sản xuất bàn ghế. Ông kể, rời Đồng Tháp Mười lên Sài Gòn, đang học năm cuối Đại học Bách khoa thì tình cờ, ông tìm được việc dạy kèm tại khu Ngô Gia Tự. Quan sát từng thao tác của những người thợ đóng bàn ghế, không hiểu sao, một kỹ sư điện như ông lại đâm ra mê mẩn. Âm thầm học lỏm nghề, ngay khi vừa ra trường, ông tập hợp một số thợ, thành lập cơ sở. Khéo tay lẫn khéo quản lý nên việc kinh doanh khá thuận lợi. “Tôi may mắn có được những cộng sự rất thạo việc giúp sức”, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, sản xuất các sản phẩm có tính chất truyền thống, thợ cả thường không chịu truyền hết các “bí quyết” của mình để giữ vị thế riêng và ít khi tuân thủ nghiêm túc các quy định chung. Để hiểu việc, Đặng Vĩnh Hưng không ngại khó, lăn lóc học nghề, tham gia sản xuất cùng với thợ. “Làm chủ mà ngại khó, không chịu học hỏi để hiểu rõ nghề của mình thì sẽ không chủ động được trong công việc...”, ông tiết lộ.

Đang trên đà phát triển thì chẳng may, cơ sở của ông bị bà hỏa tấn công, thiêu rụi gần như toàn bộ. Cái Tết năm 1994, với Hưng và với cơ sở Con Cọp là cái Tết bi thảm nhất. Ông nhìn nhận: “Lúc đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, không lường được các rủi ro khi sản xuất mặt hàng này”.

Dựng lại niềm tin

Phá sản, nản chí, ông đã từng có những tháng ngày không thiết sống. Thế nhưng, nhìn cảnh người thân, nhất là các con chịu khổ, ông quyết tâm làm lại từ đầu. Nhờ bạn bè cho mượn kho, ông chuyển những vật dụng còn dùng được đến chỗ mới, dọn dẹp và sửa sang lại cơ sở. Cũng may, đối tác thông cảm nên số nợ cũ họ cho ông khất lại, nhưng vấn đề khó khăn nhất là vốn để tái sản xuất.

Vay được ít tiền mua nguyên liệu, ông cho đóng những sản phẩm có kiểu dáng đang thịnh hành, rồi đem đến giao cho đại lý, năn nỉ họ nhận hàng thì thanh toán tiền ngay. Nhờ thiết kế lạ mắt và giá cả hợp lý, những sản phẩm đầu tiên của Con Cọp sau sự cố hỏa hoạn đã thuyết phục được các đơn vị phân phối trung gian. Với cách làm này, dần dà ông đã có đủ tiền để xoay vòng vốn, vực dậy doanh nghiệp.

Sau gần 20 năm hoạt động, sản phẩm nội thất làm từ chất liệu nhựa giả mây độc đáo của Con Cọp đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Trong lúc các nhà sản xuất hàng nội thất đều say sưa với việc xuất khẩu thì ông lại chọn thị trường nội địa để phục vụ. Đặng Vĩnh Hưng tiết lộ: “Làm ăn với nước ngoài, lời nhiều nhưng cũng “chua” lắm, trong khi người dân trong nước không có hàng tốt để sử dụng. Chỉ cần nhà sản xuất khẳng định được chất lượng, thì sẽ không khách hàng nào chê sản phẩm nội địa”, ông nhấn mạnh.

Chia việc để thạo việc

Doanh nghiệp càng phát triển thì càng phải mở rộng qui mô sản xuất. Để tiện quản lý, ông thành lập thêm doanh nghiệp Phúc Hoa Mai. Đây là công ty phụ trách phân phối và phát triển thị trường cho các sản phẩm của Con Cọp. Ông Hưng cho biết: “Chúng tôi có đến hơn 700 nhân viên, chia nhiệm vụ để mỗi công ty chuyên trách phần việc của mình, nhờ vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý cũng như phát triển từng bộ phận, cá nhân”.

Tách bạch hai khâu sản xuất và phân phối nên những ngày giáp Tết, dù nhu cầu của khách hàng có tăng đến bao nhiêu thì công ty cũng không bị động vì đã có kế hoạch sản xuất và phân phối hợp lý. “Mãi đến 29 Tết, chúng tôi mới chính thức đóng cửa. Lúc này, anh em trong công ty mới được nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả và tôi mới có thời gian dành cho gia đình, cho riêng mình”, ông Hưng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Hưng “cọp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO