![]() |
Mười năm làm việc cho Tập đoàn Siemens trong lĩnh vực công nghệ nhà thông minh, Lê Tuấn Việt ấp ủ giấc mơ đưa công nghệ này vào Việt Nam. Vậy là khi có trong tay tấm bằng chuyên gia cao cấp về lĩnh vực này, anh đã biến giấc mơ thành hiện thực với Công ty cổ phần Gamma vào năm 2005. Hơn 200 ngôi nhà thông minh được xây dựng tại Việt Nam đã thêm màu sắc cho giấc mơ của Gamma ở chặng khởi đầu.
Mạo hiểm “đầu tư dã tràng”
Sở dĩ nói Gamma mới hoạt động hai năm vì dù thành lập được năm năm, nhưng mất hơn hai năm đầu, Công ty không tập trung vào việc kinh doanh mà chấp nhận “đầu tư” kinh phí, thời gian cho nhân viên đi học ở nước ngoài. Khi biết ý định này của Việt, nhiều người khuyên anh cảnh giác: “Coi chừng công dã tràng, tiền mất mà nhân viên cũng bay đi mất!”.
![]() |
Nhưng Việt lại suy nghĩ khác: “Nếu mình đối xử tốt, cơ hội ở Công ty rộng mở thì nhân viên sẽ gắn bó với mình”. Nền tảng cho niềm tin đó và cũng là cách giữ nhân tài của Việt chính là chính sách: “Tất cả nhân viên đều là cổ đông của Công ty, mọi người đều hưởng quyền lợi, trách nhiệm như nhau”.
Hai năm đầu “trồng người”, Gamma vô cùng khó khăn, doanh thu không có nhưng chi phí tháng nào cũng chiếm một khoản không nhỏ. Không ít người nóng ruột, hiến kế cho Việt nhiều lĩnh vực kinh doanh khác để lấy ngắn nuôi dài, nhưng Việt vẫn kiên trì. Anh nói: “Lúc đó tôi cũng rất lo, nhưng đã xác định hướng đầu tư lâu dài thì phải có thần kinh vững.
Hơn nữa, quan niệm kinh doanh của tôi là chỉ nên theo một nghề và làm cho thật giỏi. Có thể lúc đầu hiệu quả chưa cao, nhưng càng làm càng có kinh nghiệm, tay nghề chuyên môn nâng cao thì sẽ thành công”. Việt nói vui: “Lúc đó công nghệ này còn rất mới, ít nhà cung cấp nên hễ khách hàng đã mê rồi thì khó bỏ Gamma. Cũng vì vậy mà bạn bè gắn thêm cho tôi biệt danh “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Việt nói thêm: “Cái khó nhất của lĩnh vực kinh doanh này là rất ít người biết công nghệ nhà thông minh đem lại lợi ích gì, còn cho đây là một công nghệ xa xỉ. Vì vậy, việc quảng bá, giới thiệu rất nan giải, nhất là khi kinh phí cho đội ngũ quảng cáo, tiếp thị không có. Tôi chọn lấy chất lượng để làm thương hiệu”.
Hơn 200 ngôi nhà thông minh Gamma thực hiện đều do “quảng cáo truyền miệng” mang lại. Anh cho biết: “Ở nhiều nước phát triển, công nghệ này đã thịnh hành từ năm 1984 và người ta không coi nó là thứ xa xỉ, mà là những cái cần thiết, giúp cuộc sống tiện nghi hơn. Một ngôi nhà thông minh sẽ được tự động hóa ở mức cao, kiểm soát và điều khiển được các thiết bị điện, điện tử một cách đồng bộ. Ví dụ: kiểm soát được nhiệt độ, chiếu sáng, giải trí, đảm bảo an ninh, an toàn cho ngôi nhà...”.
Trung thành giữ “nguyên tắc vàng”
Khi gọi Việt là doanh nhân, anh phất tay phủ nhận: “Tôi chỉ là người đam mê công nghệ, chứ không phải doanh nhân”. Anh giải thích: “Đã là người kinh doanh thì yêu cầu lợi nhuận hết sức khe khắt. Còn với Gamma, mỗi dự án thực hiện đều có sự đam mê, có phần hồn sáng tạo, cảm xúc của người thực hiện nên chi phí đôi khi chưa hẳn là đích cao nhất. Có khi thỏa thuận xong giá cả một dự án, nhưng trong quá trình thực hiện, thấy phát sinh ý tưởng mới về thẩm mỹ, tiện ích, chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền thêm để thực hiện, dù lợi nhuận bị giảm xuống”.
![]() |
Bởi vì, một trong những nguyên tắc kinh doanh của Việt là “đem lại sự hài lòng tuyệt đối cho khách hàng”. Để làm được điều này, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được quy trình làm việc chuyên nghiệp, khoa học và văn hóa công ty. Những yếu tố này luôn được Việt học hỏi, tích lũy suốt mười năm làm giám đốc bán hàng cho Siemens.
Anh nói: “Người Việt mình hay kinh doanh theo kiểu đánh quả, không nhìn xa hoặc ham làm nhiều lĩnh vực. Điều này sẽ làm cho chất lượng dịch vụ bị giảm do khó kiểm soát hết mọi lĩnh vực. Ngoài ra, tôi còn học được một nguyên tắc nữa là “không bỏ rơi” khách hàng. Vì vậy, dịch vụ của chúng tôi luôn phục vụ 24/24 và thời gian bảo hành vô điều kiện, không phân biệt nguyên nhân hỏng hóc là do người dùng hay nhà sản xuất”.
Thị trường hiện nay đã có khá nhiều nhà cung cấp nhà thông minh nhập cuộc. Tuy nhiên, Lê Tuấn Việt vẫn cho rằng, triển vọng của lĩnh vực này còn rất rộng nên anh không sợ cạnh tranh, ngược lại thấy vui vì càng nhiều nhà cung cấp thì thị trường càng tiềm năng. “Hơn nữa, nếu trước đây chỉ một mình mình làm thì mình phải đi tiếp thị, giới thiệu, còn bây giờ nhiều người quảng bá thì sẽ có nhiều khách hàng quan tâm, khi đặt hàng, họ sẽ cân nhắc để chọn những nhà cung cấp tốt. Đó cũng là động cơ để chúng tôi luôn nỗ lực hoàn thiện mình hơn”, Việt nói.