Người hái “lộc trời”

Ý NHI| 01/01/2010 07:12

Chỉ nhận mình mới thành công trong việc nuôi yến trong nhà, xem ra Lê Danh Hoàng, 24 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM - DV Xuất nhập khẩu Chấn Hưng còn quá khiêm tốn...

Người hái “lộc trời”

Chỉ nhận mình mới thành công trong việc nuôi yến trong nhà, xem ra Lê Danh Hoàng, 24 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM - DV Xuất nhập khẩu Chấn Hưng còn quá khiêm tốn khi anh là người đã tìm ra cách ấp và nuôi chim yến với số lượng lớn, nghiên cứu, chế tạo thiết bị nuôi chim yến và đang cung cấp cho hàng trăm người nuôi yến trong và ngoài nước.

Chưa kể anh là chủ của 6 cửa hàng bán yến sào và 3 nhà hàng chuyên bán các món ăn từ yến. Hoàng nói về ước mơ của mình: Xây dựng một thương hiệu yến sào uy tín cho Việt Nam để không còn bán sản phẩm thô cho nước ngoài, mà phải là sản phẩm đã chế biến để đem lại lợi nhuận cao.

Năm thứ hai học Đại học Ngoại thương, Lê Danh Hoàng tình cờ gặp TS. E. Nugroho, một triệu phú nuôi yến người Indonesia khi ông qua Việt Nam tìm đối tác phát triển nghề nuôi yến trong nhà. Qua trò chuyện, Hoàng thấy thích công việc này và tình nguyện đưa ông đến gõ cửa các công ty nuôi yến mời hợp tác. Ròng rã nhiều tháng liền không tìm được sự ủng hộ nào, Hoàng đề nghị ông Nugroho cho làm đại lý. Cơ hội đến với Hoàng khi anh được ông Nugroho tận tình hướng dẫn nghề, dẫn anh đi các nước Đông Nam Á để học hỏi về nghề nuôi yến.

Quyết tâm lập nghiệp bằng nghề nuôi chim yến, sau các nước Đông Nam Á, Hoàng lại đi gần 30 bang của Mỹ để học công nghệ. Luận văn của anh về tiềm năng và định hướng phát triển của nghề nuôi yến tại Việt Nam và bản đồ chi tiết các tỉnh có thể phát triển nghề này đã trở thành tài liệu quan trọng trong việc phát triển nghề nuôi yến của anh.

Năm 1994, Hoàng lập đề án nuôi yến trong nhà và năm 2004, thành lập Trung tâm Yến sào Hoàng Yến Eka chuyên tư vấn nuôi yến trong nhà và chuyển giao công nghệ. Anh cho biết, ở các thành phố và thị xã có sông như TP.HCM, Gò Công, Mỹ Tho, Bạc Liêu, Phan Rang - Tháp Chàm, Tuy Hòa, Đà Nẵng là nơi lý tưởng cho loài yến.

Hoàng chia sẻ: “Một nhà nuôi yến phải có diện tích hai trăm mét vuông, đầu tư khoảng một tỷ đồng. Để có thể dụ yến vào nhà thì phải có loa phát ra tiếng chim kêu để gọi yến, cộng thêm các kỹ thuật như phun mưa, tạo mồi bầy đàn, lắp những tổ yến giả. Hiện nay, tôi lại xuất ngược các kỹ thuật này ra nước ngoài và đã tư vấn xây dựng nhà nuôi yến thành công cho hàng trăm khách hàng ở miền Trung và miền Nam”. Điều đáng nói là những hộ nuôi yến lại là chủ hàng của Hoàng khi anh thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho họ.

Kể lại quá trình này, Hoàng cho biết: Anh cũng trải qua rất nhiều thử thách của “vạn sự khởi đầu nan”, bởi nghề nuôi yến còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Mặc dù tổ chức hội thảo, tư vấn rất nhiều nhưng rất ít người dám bỏ ra một số vốn lớn để làm vì sợ rủi ro. Những năm đầu, Công ty hoạt động không có doanh thu, không có tiền trả lương, nhân viên lần lượt ra đi, "kể cả những bạn thời sinh viên tâm đắc với dự án, hùn vốn với tôi cũng nản lòng”.

Còn lại một mình, Hoàng vẫn quyết tâm đi đến đích vì tin thành công sẽ đến gần. Động lực ấy còn xuất phát từ chính tấm gương khởi nghiệp thành công của ông Nugroho cùng ý chí và tinh thần doanh chủ rất cao của ông. Đó là chấp nhận khó khăn để “nuôi lớn” dự án của mình. Hoàng đang ấp ủ dự án về một "thành phố yến" tại xã Long Bình - Gò Công Tây (Tiền Giang). Hoàng nói đầy tự tin: "Chỉ vài ba năm sau thôi, số lượng chim yến ở đây sẽ nhiều gấp mười lần. Không lâu nữa Việt Nam cũng sẽ có một thành phố yến như ở Indonesia, thu hút khách du lịch và người dân ở đây sẽ hưởng được lợi nhuận rất lớn từ yến".

Tấm gương, bài học của ông Nugroho, cộng với việc đi, học, thấy và làm, đã hun đúc cho Hoàng quyết tâm: “Muốn có sự nghiệp bền vững thì phải đi trên hai chân của mình chứ không đứng trên vai người khổng lồ”. Và anh định hướng “chỉ tập trung kinh doanh vào một lĩnh vực chuyên sâu, nên sau khi tư vấn, chuyển giao công nghệ nuôi yến trong nhà thành công, Hoàng nghĩ ngay đến việc mở hệ thống phân phối, nhưng cách kinh doanh của anh là trực tiếp đến người tiêu dùng, tuyệt đối không qua đại lý. Anh nói: “Trong vòng một tháng, tôi có thể mở tám đến mười đại lý, nhưng như vậy, mình sẽ không quản lý được chất lượng yến”.

Trong các buổi huấn luyện bán hàng cho nhân viên, Hoàng luôn nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ bán yến sào mà bán ba thứ là thông tin, là giải pháp, dịch vụ”. Và với 6 cửa hàng, nhiều người nói ít, nhưng Hoàng cho đó là bước đi bền vững. Việc làm này còn được xuất phát từ một ý tưởng lớn hơn, đó là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm yến sào Việt Nam qua những sản phẩm chế biến, các món ăn chứ không bán thô. Bài học nước mắm Phú Quốc Việt Nam bị đóng mác Thái Lan xuất ra nước ngoài khiến anh rất trăn trở khi tìm hướng phân phối.

Để có những món yến sào đặc sắc mang hương vị riêng, Hoàng lại phải học “bí quyết” chế biến theo nhiều công thức khác nhau. Ngoài những món thông dụng như tổ yến chưng đường phèn, hạt sen và gừng, tổ yến thả nước cốt gà..., Hoàng luôn thực hiện các món ăn mới như tổ yến chưng sữa trứng, tổ yến tiềm gà ác thuốc bắc, súp cua tổ yến bách hoa. Những món này có giá từ 240.000 - 400.000 đồng/phần. Hoàng bộc bạch: "Tôi muốn góp phần làm cho văn hóa ẩm thực Việt Nam thêm nhiều món ăn ngon, bổ cho sức khỏe và quan trọng, đó chính là tinh túy từ chính công sức lao động và trí tuệ của người nuôi yến trong nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người hái “lộc trời”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO