Khởi nghiệp đúng cách

NGUYỄN HỒNG HẢI - CEO Technology Inovation Center| 20/10/2012 06:09

Thực trạng ở nước ta hiện nay là các doanh nghiệp (DN) CNTT phát triển chưa đúng mức, mâu thuẫn với tiềm lực của chính mình

Khởi nghiệp đúng cách

Mỗi năm, có rất nhiều công ty công nghệ thông tin (CNTT) ra đời tại Việt Nam và có hàng ngàn sinh viên chuyên ngành CNTT tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước và trở về từ nước ngoài. Năng lực của đội ngũ này là rất lớn và có khả năng phát triển lớn hơn nhiều so với hạ tầng CNTT của Việt Nam tại thời điểm này. Thực trạng ở nước ta hiện nay là các doanh nghiệp (DN) CNTT phát triển chưa đúng mức, mâu thuẫn với tiềm lực của chính mình

Đọc E-paper

Một thực tại đáng buồn là hiện nay, đại đa số các công ty CNTT chỉ tập trung làm thuê mà không chú trọng phát triển các sản phẩm của riêng mình cũng như phát triển sở hữu trí tuệ. Tỷ lệ thành công của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này là rất thấp và không có công ty nào của Việt Nam khởi nghiệp thành công ở nước ngoài, cũng không có trường hợp mua bán, sáp nhập hay IPO quan trọng nào của DN Việt Nam thuộc lĩnh vực CNTT trong thời gian qua.

Lực cản từ nhiều phía

Thực tế này khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên, bởi Việt Nam hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển CNTT nếu được đầu tư và định hướng đúng đắn, nhất là ở giai đoạn khởi đầu. Trao đổi với những người dấn bước mới thấy được có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của những ông chủ trẻ, trong đó phần lớn là không có đầu tư ban đầu và đầu tư rủi ro cho giai đoạn khởi nghiệp. Một nguyên nhân chủ yếu khác là do không có đầu ra cho sản phẩm. Điều này kéo theo thực tại khác là có quá nhiều công ty cung cấp dịch vụ, ví dụ như thuê ngoài, giải pháp kinh doanh..., hơn là làm ra sản phẩm, sở hữu trí tuệ hay chia sẻ thị phần.

Thiếu hiểu biết và kinh nghiệm về thị trường CNTT thế giới dẫn tới thất bại trong việc kết nối với thị trường công nghệ thế giới, đặc biệt là với Silicon Valley, trung tâm CNTT toàn thế giới. Không chỉ vậy, các DN rất thiếu hiểu biết về luật, pháp lý, môi trường kinh doanh quốc tế..., điều này gây hạn chế trong việc kết nối, hợp tác với các công ty trên thị trường toàn cầu. Ngành CNTT ở nước ta đi sau nhưng lại thiếu các chuyên gia với kinh nghiệm quốc tế dẫn dắt, định hướng phát triển. Tất cả các yếu tố bên ngoài này là một lực cản không dễ vượt qua.

Ở phía nội tại, chi phí phi sản xuất CNTT ở Việt Nam quá lớn, cụ thể là chi phí cho hạ tầng, thuê văn phòng... so với chi phí cho con người. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam.

Đường nào cho những người khởi nghiệp?

Rất may là ngay trong những khó khăn ấy vẫn có các tín hiệu đáng mừng. Chi phí vận hành cao nhưng chi phí nhân lực rất cạnh tranh, chỉ bằng khoảng 10% so với chi phí nhân lực CNTT tại Mỹ. Chúng ta đang có một thị trường công nghệ rất sơ khai và mở, đặc biệt trong việc tạo ra sản phẩm, sở hữu trí tuệ và chia sẻ thị phần.

Điều này đồng nghĩa với không có cạnh tranh trong đầu tư công nghệ nên đây là mảnh đất trống để phát triển dễ dàng. Ngoài ra, chưa được biết tới ở thị trường công nghệ thế giới cũng đồng nghĩa với chúng ta chưa mang tiếng xấu. Do vậy, các chuyên gia đã không quá tự tin khi nói rằng, Việt Nam chính là nơi có thể khởi nghiệp được dù với chi phí hạn chế.

Cách bắt tay vào khởi nghiệp tốt nhất là đi từng bước. Thông thường, một công ty phải trải qua 5 chặng đường. Giai đoạn khởi nguồn, gia đình, bạn bè thường là “địa chỉ” hỗ trợ về tài chính đầu tiên. Vượt qua bước đầu tiên này để bước vào giai đoạn hình thành là lúc các công ty khởi nghiệp đã có thể nhận được sự giúp đỡ, đầu tư đầu tiên từ các cá nhân hay tổ chức.

Ở giai đoạn vận hành, quy mô DN cũng đã vững vàng phần nào, việc gõ cửa các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư chiến lược hay tập đoàn như: IDG Ventures, Excel Partners, Seqoiua Capital... cũng sẽ giúp DN có cơ hội khuếch trương. Tiếp theo là giai đoạn phát triển, cuối cùng là giai đoạn mở rộng và trưởng thành. Nắm bắt quy luật của 5 giai đoạn này, những người khởi nghiệp sẽ biết định mức kỳ vọng của mình, không đặt kỳ vọng quá cao trong khi mình đang ở vị trí thấp. Như vậy sẽ tránh được hụt hẫng cũng như biết lập kế hoạch kinh doanh chặt chẽ hơn.

Với tham vọng nâng đỡ những người đam mê khởi nghiệp, Trung tâm Phát triển và Đổi mới công nghệ - Technology Innovation Center (TIC) đang gắng sức để hình thành một công viên công nghệ tập trung nhằm thu hút và hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp. Đó sẽ là nơi cung cấp vốn ban đầu để khởi động và phát triển ý tưởng kinh doanh. TIC sẽ hỗ trợ và chia sẻ các chi phí phi sản xuất đắt đỏ như: hạ tầng, không gian văn phòng, chi phí pháp lý, kế toán... Quan trọng hơn là giúp đỡ họ kết nối chặt chẽ với thị trường công nghệ quốc tế, kết nối với các nhà đầu tư quốc tế...

Trong khả năng của mình, TIC sẽ hỗ trợ được cho khoảng 30 DN khởi nghiệp. Tất nhiên, TIC cũng sẽ sàng lọc gắt gao để tuyển chọn những DN cần hỗ trợ, nhưng chỉ cần những người trẻ có tâm huyết, có đội ngũ cộng tác cùng đam mê, cùng làm việc bằng cái đầu và cả trái tim, thì tin rằng, việc khởi nghiệp trong lĩnh vực đầy hấp dẫn như CNTT sẽ là một cơ hội lớn cho các bạn trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khởi nghiệp đúng cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO