Khởi nghiệp bằng tình yêu giấy dó

VÂN THẢO| 06/04/2016 02:23

Kinh doanh giấy và các sản phẩm làm từ giấy dó là hướng đi mà Trần Thế Nhật cùng các thành viên nhóm Thăng Long Thư Quán đang thực hiện...

Khởi nghiệp bằng tình yêu giấy dó

Kinh doanh giấy và các sản phẩm làm từ giấy dó là hướng đi mà Trần Thế Nhật cùng các thành viên nhóm Thăng Long Thư Quán đang thực hiện nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời khôi phục làng nghề truyền thống sản xuất giấy dó tại Bắc Ninh. 

Đọc E-paper

Trần Thế Nhật vừa tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2015 và "Thăng Long Thư quán" là dự án kinh doanh của nhóm đã đạt giải nhì cuộc thi Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2015 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Nhật cho biết, khác với dòng giấy công nghiệp, giấy dó có độ gồ ghề nhất định, thêm tính năng hút ẩm và không bị mối mọt. Đây cũng là nguyên liệu duy nhất có thể dùng để sản xuất các loại giấy hiếm của Việt Nam như giấy sắc phong, giấy điệp dùng làm tranh Đông Hồ.

Tuy nhiên, vì nguyên liệu sản xuất giấy dó phụ thuộc vào thiên nhiên, chủ yếu do người dân vùng Yên Bái, Tây Bắc đi rừng lấy cây dó giấy về, lại đòi hỏi quy trình sản xuất thủ công khá công phu nên giấy dó khá đắt và không còn đủ sức cạnh tranh với các loại giấy công nghiệp giá rẻ trên thị trường, đặc biệt là giấy xuyến xuất xứ từ Trung Quốc.

Trong một lần về thăm làng nghề sản xuất giấy dó truyền thống tại Bắc Ninh, Nhật nhận ra đa phần các hộ gia đình làm giấy dó trước kia giờ đã chuyển qua sản xuất giấy ăn và giấy vệ sinh theo nhu cầu của thị trường, còn những gia đình vẫn giữ nghề làm giấy dó truyền thống thì chỉ sản xuất cầm chừng với số lượng nhỏ và chủ yếu bán cho làng tranh Đông Hồ hoặc một số cơ sở bán giấy tại Hà Nội.

"Vì nhu cầu giấy dó quá ít nên cần tạo ra nhiều công dụng cho loại giấy này mới mong mở rộng được thị trường, từ đó kích thích sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ”, Nhật phân tích.

Được khởi động từ tháng 3/2014 với số vốn đầu tư ban đầu 14 triệu đồng, dự án Thăng Long Thư quán chủ yếu kinh doanh các sản phẩm làm từ giấy dó dễ tiêu thụ trên thị trường như sổ ghi chép, biểu thư pháp, tranh thư pháp...

Nhật chia sẻ, thời gian đầu, nhóm gặp khá nhiều khó khăn trong việc thu hút khách hàng, lợi nhuận có được chủ yếu dùng để lấy hàng (giấy, lụa, các đồ phụ trợ) và thuê gia công, bán được hàng mới gia công tiếp.

Tuy nhiên, sau khi tham gia cuộc thi GTTNLVC 2015 và nhận được lời khuyên bổ ích từ các vị doanh nhân, Nhật đã chú trọng hơn đến chiến lược kinh doanh và thiết kế sản phẩm. "Muốn bán sản phẩm cho thị trường phân khúc cao thì sản phẩm phải thật bắt mắt, lúc mở hộp cũng phải tạo cảm giác thú vị và thiết kế phải đủ đẹp để sản phẩm có thể dùng làm quà tặng.

Chưa kể mọi trải nghiệm người dùng đều phải tuyệt vời, vì chúng ta bán trải nghiệm nhiều hơn là bán sản phẩm", Nhật nhớ lại lời khuyên quý báu của các vị giám khảo cuộc thi GTTNLVC 2015 dành cho dự án.

Sắp tới, nhóm dự định sẽ tìm kiếm các đối tác tại Nhật Bản và phát triển hệ thống website cũng như đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho dự án nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

>Đề án máy nông nghiệp đoạt giải nhất GTTNLVC 2015

>GTTNLVC: Cầu nối doanh nghiệp – nhà trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khởi nghiệp bằng tình yêu giấy dó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO