Khi doanh nhân trở thành “người cầm đuốc”

Tuấn - Thương - Châu| 13/10/2022 03:00

Có rất nhiều doanh nhân đi trước đang miệt mài chia sẻ kinh nghiệm thương trường và vốn sống dày dặn cho thế hệ tiếp nối. Và có những nhà giáo, những chuyên gia kinh tế, những nhà đầu tư giúp người khởi nghiệp hiểu thương trường bằng cách chia sẻ và phản biện.

TS. Giản Tư Trung: “Giá trị nhân bản là cầu nối gắn kết giữa các doanh nhân”

-5871-1665456343.jpg

Trải qua nhiều năm hoạt động giáo dục, chứng kiến những thay đổi của đất nước và đồng hành cùng nhiều thế hệ doanh nhân trên hành trình nâng cao doanh trí, nhà giáo dục Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Học viện Quản lý PACE (tiền thân là Trường Doanh nhân PACE) cho rằng, điều mà mọi doanh nhân và người trẻ khởi nghiệp cần tin vào là giá trị của sự thực học. Bởi chỉ có thực học thì mới có thực làm và kiếm tiền chính đáng dựa trên sản phẩm, dịch vụ tốt lành.

Theo đó, việc học và không ngừng nâng cao sự học không chỉ là việc của những người trẻ khởi nghiệp mà là việc chung của mọi chủ doanh nghiệp. Ông Trung nhấn mạnh: “Một ông bà chủ đi học về quản trị doanh nghiệp không phải để thay đổi ngay cách quản trị công ty mà trước hết là để “sửa mình”. Khi đã nâng cấp được bản thân thì tự khắc sẽ nâng cao tầm nhìn và lúc đó sẽ biết cách tái tạo công ty. Việc thực học giúp người lãnh đạo duy trì, cải tiến mô hình kinh doanh sẵn có, và đôi lúc còn khiến họ từ bỏ những mô hình đó, vì sự học giúp định được mô hình nào là phù hợp và mô hình nào đã lỗi thời. Đã từng có một cựu học viên gặp lại tôi sau vài năm và cho biết như vậy”.

Ông Trung cho rằng, giáo dục khai phóng là nền tảng cần cho mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là doanh nhân và những người khởi nghiệp. Bởi lẽ, giáo dục khai phóng luôn hướng đến sự khai minh và giải phóng để con người được sống theo đúng nghĩa làm người. Hãy thử tưởng tượng, nếu một doanh nhân học được cách khai mở tâm trí và giải phóng toàn bộ tiềm năng của chính mình thì giá trị doanh nghiệp và giá trị họ đem đến cho xã hội sẽ tăng lên nhiều như thế nào”.

Hơn thế, việc kinh doanh hay khởi nghiệp xét đến cùng cũng là một cách thực hành việc làm người. Theo đó, mục đích giáo dục khai phóng giúp đem các giá trị nhân bản vào việc kinh doanh. 

Ông Trung lấy ví dụ: “Trong đại dịch Covid-19, đứng trước vô vàn khó khăn nhưng chủ doanh nghiệp vẫn chăm lo đầy đủ cho đội ngũ nhân viên, không cắt giảm lương của ai hết. Đây chính là kết quả của giáo dục khai phóng, theo đó trong hoàn cảnh khó khăn nhất, người ta vẫn đưa ra những quyết định nhân văn nhất”.

Chúng ta đang sống trong thời đại luôn biến động, do đó việc luôn biết thích ứng và thay đổi là vô cùng quan trọng. Trong thời đại mà mọi thứ thay đổi quá nhanh dẫn đến vô vàn giá trị, chuẩn mực và niềm tin bị đổ vỡ. Một doanh nghiệp hôm nay đang dẫn đầu, nhưng qua hôm sau có thể “tuột dốc không phanh”. Do đó, theo nhà giáo dục Giản Tư Trung, khả năng sinh tồn của mọi doanh nghiệp hiện nay đều nằm ở hai điều là tái tạo và kế nghiệp. “Nếu một doanh nghiệp không có khả năng tái tạo đội ngũ đương nhiệm và bồi dưỡng thế hệ kế nghiệp thì chắc chắn sẽ tuột dốc và có nguy cơ sụp đổ. Các công ty “cây đa cây đề” nếu muốn sống thì phải luôn trong tư thế như một công ty khởi nghiệp”, ông Trung khẳng định.

Việc đầu tư và hỗ trợ đội ngũ kế nghiệp chính là hành trình kết nối các thế hệ doanh nhân - nhà lãnh đạo - các bạn trẻ khởi nghiệp. Khoảng cách thế hệ là điều mà nhiều người cho là rào cản ngăn cách việc hỗ trợ nhau. Nhưng ông Trung lại cho rằng sẽ không còn rào cản khi ta đổi góc nhìn từ sự xung đột sang bù khuyết lẫn nhau giữa các thế hệ: thế hệ đi trước có thể nhìn thế hệ sau là những người trẻ năng động, sáng tạo thay vì là những đứa nóng vội, nông cạn và ngược lại, những người trẻ thay vì xem người đi trước là những ông bà già cũ kỹ thì sao lại không nhìn dưới góc độ bề dày kinh nghiệm, vốn sống của họ. Các thế hệ dù là 5x, 6x hay gen Z đều có thể ngồi lại với nhau, cùng bổ sung cho nhau, cùng chia sẻ các giá trị nhân bản. Thay vì loay hoay giữa chuẩn cũ hay chuẩn mới thì tại sao ta không tìm được một chuẩn chung giữa các thế hệ. Chỉ cần đối xử với nhau bằng các giá trị nhân bản và tử tế nhất thì không lý do gì mà ta không chấp nhận nhau.

Chuyên gia kinh tế Trần Sỹ Chương:“Trách nhiệm đưa tôi trở thành một mentor kinh tế”

-9626-1665456343.jpg

Trần Sỹ Chương là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn và hỗ trợ chiến lược phát triển doanh nghiệp. Ngoài cương vị là nhà tư vấn kinh tế vĩ mô và chiến lược quản trị doanh nghiệp, Trần Sỹ Chương còn cố vấn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong và ngoài nước. Sau khi du học tại Mỹ trở về Việt Nam, ông nhận thấy nhiều người có tư duy khởi nghiệp nhưng gặp phải rào cản về tài chính, thủ tục hành chính, chiến lược kinh doanh. Xuất phát từ mong mỏi của bản thân, Trần Sỹ Chương đã giúp đỡ và tư vấn thành công cho hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ trụ vững trên thương trường, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Ông chia sẻ: “Trách nhiệm giúp tôi đồng hành cùng doanh nghiệp. Mentor không phải là nghề giúp tôi có nhiều lợi ích, nhưng tôi tâm huyết và gắn bó với nó sâu đậm nhất kể từ ngày về nước”.

Năm 1990, Trần Sỹ Chương bắt đầu thực hiện chương trình hỗ trợ chính sách cho công ty vừa và nhỏ. Khi Luật Doanh nghiệp ra đời, rất nhiều người đua nhau khởi nghiệp, thành lập công ty riêng hay kinh doanh tự phát. Với vai trò là chuyên gia kinh tế, ông nhận thấy tinh thần khởi nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp khởi nghiệp thành công nên đã đề xuất với Ngân hàng Thế giới (WB) kết hợp cùng Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) lập ra chương trình nghiên cứu về khởi nghiệp tại Việt Nam, nhằm đánh giá mức độ dấn thân cũng như khả năng chấp nhận rủi ro của những người khởi nghiệp.

Kết quả khiến ông vui mừng vì người Việt dù sống nhiều năm dưới thời bao cấp nhưng tinh thần khởi nghiệp rất cao. Các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu cùng Trần Sỹ Chương cho rằng, họ đã tìm thấy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam giống như ở Hồng Kông và một số nước. Nhiều người bừng bừng khí thế muốn làm giàu cho bản thân và đất nước. Nghiên cứu chỉ ra những người sau ba năm khởi nghiệp đều có cơ hội phát triển tốt. Khoảng 10-20% thành công, có thị phần khá trong khu vực và một số người còn vươn tầm quốc gia.

Ông Chương chia sẻ, tuy không có trường lớp dạy cách quản lý, khả năng phân tích thị trường, nhưng doanh nhân lúc đó rất nhạy bén, nắm bắt được nhu cầu thị trường và tạo ra phần cung mà xã hội cần. Nếu kinh doanh thất bại, họ lập tức điều chỉnh và điều chỉnh cho đến khi đạt được thành công. Họ nhạy bén nắm bắt thay đổi của thị trường. Đó là một giá trị lớn của doanh nhân.

Trong quá trình đồng hành cùng người khởi nghiệp, ông Chương đánh giá khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp hầu hết nằm ở nguồn vốn. Đó không phải là khó khăn của riêng thập niên 1990, thập niên 2000 tại Việt Nam mà là vấn đề của cả thế giới. Bên cạnh đó, quy mô khởi nghiệp nhỏ cũng là trở ngại đối với doanh nghiệp, dẫn đến khó kêu gọi đầu tư. Ông khuyên người khởi nghiệp không nên kêu gọi đầu tư quá sớm vì sẽ mất quyền chủ động trong kinh doanh.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Sỹ Chương, tuy tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam rất cao nhưng vấn đề cần giải quyết nằm ở môi trường kinh doanh, tài chính, chuyên môn, kỹ thuật. Trong đó, gây trở ngại nhất là thủ tục hành chính, hệ thống pháp lý.

Hiện nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam chỉ mới xếp vào loại trung bình so với thế giới. Ông Chương bộc bạch: “Việt Nam còn nhiều bất cập, thiếu sót về môi trường kinh doanh nói chung, về hệ thống hành chính cũng như pháp lý nói riêng. Việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đúng mức, chưa tạo được môi trường làm ăn theo phe như “buôn có bạn, bán có phường”. Tín dụng chỉ tập trung vào cho vay bất động sản nên doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa rất khó vay vốn để kinh doanh. Ngân hàng lại không thấy lãi khi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tiền. Người khởi nghiệp vẫn chưa có sự yên tâm về vấn đề hợp đồng”.

Ông Chương đánh giá vấn đề này không của riêng doanh nghiệp khởi nghiệp mà mọi doanh nghiệp nói chung. Và chỉ khi môi trường kinh doanh thuộc loại tốt thì doanh nghiệp Việt Nam mới có khả năng “cất cánh”.

Doanh nhân Nguyễn Nhã Quyên: “Hỗ trợ khởi nghiệp là một cách đóng góp cho xã hội”

-1948-1665456343.jpg

Với bà Nguyễn Nhã Quyên (Mandy Nguyễn) - Giám đốc Vận hành Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (Startup Vietnam Foundation - SVF), hỗ trợ khởi nghiệp không phải là một công việc, mà đó là sứ mệnh của bà và SVF không chỉ dành cho cá nhân người khởi nghiệp mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Bà Mandy Nguyễn tâm niệm: “Nếu có điều kiện thì nên hỗ trợ doanh nghiệp bởi vì đó cũng là cách đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội. Đối với tôi và SVF, đó là đóng góp cho xã hội theo phương thức bền vững”. 

Bà Mandy Nguyễn cùng cộng sự trong SVF luôn nỗ lực trong hành trình giúp đỡ người trẻ khởi nghiệp. Từ đó tạo việc làm, nâng cao chất lượng việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Sự hỗ trợ không chỉ ở khu vực thành phố mà còn ở vùng sâu, vùng xa - nơi mà khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, các quỹ đầu tư của startup rất hạn chế. 

Ở Việt Nam, nhiều chương trình hỗ trợ của tổ chức nước ngoài và trong nước dành cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là startup trẻ rất đa dạng, nhiều chương trình hỗ trợ có chất lượng cao. 

SVF thành lập năm 2014, đây là quỹ xã hội hóa phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng số lượng và chất lượng doanh nhân, doanh nghiệp. Trong suốt 8 năm, bà Mandy Nguyễn cùng cộng sự đã tổ chức hàng loạt chương trình hỗ trợ đối vối doanh nghiệp khởi nghiệp.

Những năm 2014-2018, bà cùng SVF hỗ trợ rất nhiều dự án khởi nghiệp cho doanh nghiệp thông qua các chương trình tăng tốc, chương trình ươm tạo, chương trình xây dựng cộng đồng cố vấn, chương trình xây dựng cộng đồng nhà đầu tư và các chương trình kết nối đầu tư, kết nối cố vấn, kết nối thị trường. SVF còn tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ startup ở một số tỉnh, thành để cán bộ và người dân hiểu khởi nghiệp là gì, đổi mới sáng tạo là gì. Thông qua các chương trình đó, doanh nghiệp sẽ được kết nối nguồn lực, được học để phát triển.

Từ năm 2019 đến nay, bà Mandy Nguyễn cùng SVF tập trung xây dựng các chương trình dài hạn, tập trung xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo cho khu vực công, đặc biệt là xây dựng các chương trình đối thoại giữa khu vực công - khu vực tư, đối thoại giữa các nước, các tổ chức quốc tế để đấu nối nguồn lực. Khi biết được ai cần gì, mô hình nào làm được thì sẽ tập trung nguồn lực xây dựng mạng lưới hỗ trợ chuyên môn sâu hơn. 

Hành trình 8 năm đã mang đến cho cá nhân bà Mandy Nguyễn những trải nghiệm mới mẻ. Không chỉ truyền cảm hứng cho người khác, mà bản thân bà cũng học hỏi được nhiều điều. Bà chia sẻ: “Tôi cảm thấy được truyền cảm hứng rất nhiều. Một người có sự mới mẻ, sự đam mê, có niềm tin, sự năng nổ và chủ động là rất đáng quý và đáng để học hỏi. Trong giai đoạn dịch Covid-19, có những chương trình tư vấn chúng tôi buộc phải tổ chức online và rất cảm động khi thấy có người vừa tham gia học tập vừa lột hạt điều. Tôi khâm phục sự nỗ lực của họ”.

Cũng theo bà Mandy Nguyễn, việc có hay không sự hỗ trợ người trẻ trong hành trình khởi nghiệp là lựa chọn tùy ý, có thể có hoặc không. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng, để doanh nghiệp thành công, cần có đội ngũ kế thừa. Trong một chuỗi giá trị nào đó, luôn cần người trẻ trong hệ thống. Người trẻ khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ của thế hệ doanh nhân đi trước, kinh nghiệm từ những chuyên gia... Và bản thân những doanh nhân, những chuyên gia cũng cần đội ngũ kế thừa. Đó không phải là hành trình của một người, mà là của cả cộng đồng, bởi sự hỗ trợ, đồng hành sẽ đem đến lợi ích chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi doanh nhân trở thành “người cầm đuốc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO