Hóa ngọt nước mặn

KHOA THU| 23/02/2012 03:39

Cùng là dân miền Tây, đều thấm thía nỗi khổ của người dân ở vùng bị xâm thực nặng, nước ngọt trở thành nỗi bức xúc thường nhật của người dân, nhưng quyết tâm chế tạo máy chưng cất nước ngọt chỉ đến với đôi bạn Ngọc Anh và Duy Linh khi họ về quê một người bạn ở Thạnh Phú, Bến Tre.

Hóa ngọt nước mặn

Cùng là dân miền Tây, đều thấm thía nỗi khổ của người dân ở vùng bị xâm thực nặng, nước ngọt trở thành nỗi bức xúc thường nhật của người dân, nhưng quyết tâm chế tạo máy chưng cất nước ngọt chỉ đến với đôi bạn Ngọc Anh và Duy Linh khi họ về quê một người bạn ở Thạnh Phú, Bến Tre.

Thạnh Phú là vùng ven biển bị nhiễm mặn khá nặng, người dân phải mua một mét khối nước với giá hơn một trăm nghìn đồng và phải đến tận nơi chở về. Do vậy, mỗi hộ dân chỉ dám xài 30 lít nước/ngày cho hai người. Để tiết kiệm, một thau nước người dân “tái sử dụng” 3 - 4 lần.

Đến khi nước nổi váng màu, không thể dùng được nữa mới được tận dụng để tưới cây. Chứng kiến nỗi khổ của người dân, đôi bạn quyết tâm tìm cách biến nước mặn thành nước ngọt.

Để thực hiện công trình, Duy Linh và Ngọc Anh dốc hết vốn từ học bổng của cả hai được hơn 7 triệu đồng làm chi phí và “viện nghiên cứu” chính là nhà trọ của hai người.

Cần mẫn một thời gian, chiếc máy đầu tiên làm từ những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương là ván gỗ, sơ dừa... hoàn thành với kích thước 0,5m2, cao hơn 2 tấc, dài 1,25m, ngang 0,8m, có khả năng cho 4 lít nước.

Thực tế, việc chế tạo thiết bị, máy móc chưng cất nước ngọt không mới. Tuy nhiên, giá thành và tính ứng dụng trong quy mô nhỏ lại gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, khi bắt tay vào nghiên cứu, Ngọc Anh và Duy Linh đưa ra tiêu chí phải làm sao để khắc phục được hai nhược điểm trên.

Máy phải có giá thành thấp, tận dụng vật liệu tại chỗ, cung cấp nước uống ở quy mô hộ gia đình để khả năng ứng dụng vào thực tế tốt nhất.

Cấu tạo máy bao gồm phần khung làm bằng ván hoặc gạch; phần hấp thụ nhiệt bằng tôn sơn đen hoặc xi măng; mặt tiếp xúc bằng kính trong suốt là nơi ngưng tụ của nước và chảy vào máng thu nhờ vào độ nghiêng của mặt tiếp xúc; bộ phận cách nhiệt làm bằng sơ dừa; ống xả cặn để vệ sinh thiết bị.

Nước mặn, nước lợ được cho vào thiết bị thông qua bình phân phối nước (bình mariot). Ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp hay được phản xạ về mặt tiếp xúc của thiết bị, bộ phận hấp thu nhiệt hấp thu một phần năng lượng làm cho năng lượng của các bức xạ này giảm đi và chuyển sang dạng bức xạ có bước sóng dài được phản xạ ngược trở lại mặt tiếp xúc, buộc phải phản xạ lại bộ phận hấp thu nhiệt và tiếp tục bị hấp thu năng lượng làm cho lớp nước nóng lên và bốc hơi, ngưng tụ rồi chảy về máng thu.

Sáng tạo khắc phục được những nhược điểm của các nghiên cứu trước, Ngọc Anh và Duy Linh đem chiếc máy dự thi Giải thưởng sáng tạo Holcim Prize 2011 và xuất sắc đoạt giải nhất với 150 triệu đồng hỗ trợ của Holcim để đưa vào ứng dụng thực tế tại Kiên Giang.

Ba ngày sau cuộc thi, tổ chức AFAP của Úc đã tìm đến để hỗ trợ đưa đề tài của cả hai vào ứng dụng tại Ngã Năm, Sóc Trăng.

Trò chuyện cùng chúng tôi, tác giả của thiết bị này cho biết: “Nếu được hỗ trợ kinh phí, chúng tôi muốn thiết kế chiếc máy với kích thước khoảng 10m2, có khả năng cung cấp 40 - 50 lít nước/ngày để gửi tặng các chiến sĩ ở đảo Trường Sa. Chúng tôi muốn đề tài này không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu khoa học của sinh viên, mà còn là một việc làm có ý nghĩa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hóa ngọt nước mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO